Nâng cao chất lượng giáo dục để trở thành một 'dân tộc mạnh'

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tất cả tình cảm và tấm lòng cho giáo dục - sự nghiệp trồng người. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu", do đó, ở thời kỳ nào, vấn đề diệt “giặc dốt” cũng luôn được Người đặc biệt quan tâm.

Trong những bức thư Bác Hồ gửi cho các thầy cô giáo và học sinh nhân dịp năm học mới, Bác cũng luôn nhấn mạnh đến việc chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, và Người khẳng định rằng: "Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng... Các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới".

Xây dựng đội ngũ nhà giáo làm nền tảng

Để đảm bảo cho sự nghiệp giáo dục phát triển, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ vấn đề cốt lõi, quyết định chất lượng giáo dục là phải xây dựng được một đội ngũ đông đảo những người làm công tác giáo dục yêu nghề, yêu trường, hết lòng yêu thương chăm sóc, giáo dục học sinh. Đội ngũ này cũng cần không ngừng trau dồi đạo đức, tự bồi dưỡng nâng cao tay nghề để thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tất cả tình cảm và tấm lòng cho giáo dục, rèn đức luyện tài.


Hiện nay, ngành giáo dục đã xây dựng được một lực lượng nhà giáo các cấp tương đối đồng bộ về cơ cấu, đủ về số lượng, có phẩm chất đạo đức và ý thức chính trị, trình độ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của ngành. Toàn ngành hiện có gần 1,2 triệu giáo viên, giảng viên và khoảng 300.000 cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Các nhà trường bước đầu đã đổi mới theo tinh thần phát huy tính năng động, chủ động và tích cực của người học. Người giáo viên đã chủ động đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy, quản lý, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo ở các cấp bậc học khá cao. Tuy nhiên, chất lượng nhà giáo còn chưa đồng đều giữa các vùng miền. Ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, những nơi khó khăn còn thiếu những nhà giáo có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm tốt.

Vì vậy, việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới được ngành giáo dục và đào tạo xác định là nhiệm vụ quan trọng, là khâu then chốt trong công cuộc đổi mới giáo dục theo yêu cầu đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có năng lực giáo dục, gương mẫu về đạo đức nhà giáo, trách nhiệm nghề nghiệp.

Sau Hội nghị Trung ương 8, khóa XI tháng 10/2013, vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được coi là một trong những nội dung vừa chiến lược, vừa cấp thiết. Toàn ngành triển khai đổi mới mạnh mẽ mục tiêu, nội dung chương trình, phương pháp và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện đạo đức nhà giáo trong các khâu đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo nhằm đáp ứng yêu cầu mới của giáo dục ở tất cả các cấp học. Trước mắt, ngành tập trung chuẩn bị cho đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015.

Trong những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, tổ chức nhiều đợt tập huấn bồi dưỡng nâng cao trách nhiệm, đạo đức nhà giáo và năng lực nghề nghiệp cho giáo viên. Ðặc biệt là các nội dung đổi mới về phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập, áp dụng các hình thức tổ chức giáo dục và dạy học tiên tiến, hiện đại như: Phương pháp dạy học tích cực, phương pháp bàn tay nặn bột, phương pháp dạy học theo dự án, phương pháp tổ chức các hoạt động giáo dục ở mô hình trường học mới (VNEN)..; các phương pháp giáo dục kỹ năng sống, giáo dục di sản, giáo dục văn hóa truyền thống, giáo dục ứng phó với biến đổi khí hậu và thảm họa thiên tai, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào dạy và học...

Việc xây dựng chế độ chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ đời sống, điều kiện làm việc và tác nghiệp cho đội ngũ nhà giáo ở tất cả các loại hình cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục được chú trọng. Các chính sách về lương và điều kiện làm việc, chế độ về tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo, các chế độ hỗ trợ nhà giáo phát triển năng lực, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học... được triển khai rộng rãi.

Trong bức thư cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho ngành giáo dục, Người đặc biệt nhắc nhở những người làm công tác giáo dục phải nhận thức đúng đắn rằng “Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng”.


Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng

Trong bức thư cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho ngành giáo dục, Người đặc biệt nhắc nhở những người làm công tác giáo dục phải nhận thức đúng đắn rằng “Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng”. Tư tưởng của Người đã góp phần tạo ra sức mạnh huy động mọi lực lượng chính quyền, đoàn thể, gia đình và xã hội cùng tham gia xây dựng, phát triển sự nghiệp giáo dục. Tư tưởng “Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng” của Người đã được Đảng, nhân dân và ngành giáo dục và đào tạo vận dụng sáng tạo thành phong trào xã hội hoá giáo dục đang phát triển sôi nổi và rộng khắp trên phạm vi cả nước.

Công tác xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân luôn được ngành giáo dục đặc biệt quan tâm. Theo đó, ngành đang tích cực triển khai, sáp nhập các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp và trung tâm dạy nghề cấp huyện nhằm giảm đầu mối quản lý, phù hợp đặc điểm tình hình cụ thể của từng địa phương, củng cố mô hình hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng, đa dạng hóa phương thức học tập. Mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng được chú trọng để đáp ứng nhu cầu nhân lực của địa phương và khu vực. Các trường trung cấp chuyên nghiệp thực hiện nghiêm túc quy chế đào tạo, mở ngành đào tạo… đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội, hợp tác với doanh nghiệp, hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp; phối hợp các trường phổ thông trên địa bàn đẩy mạnh công tác phân luồng, giáo dục hướng nghiệp.

Công tác xã hội hóa giáo dục và đào tạo cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành giáo dục đẩy mạnh trong kế hoạch hành động của toàn ngành nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nhiều chính sách đảm bảo bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của người học, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập, ngoài công lập; chính sách khuyến khích người học các ngành nghề kém hấp dẫn nhưng xã hội có nhu cầu được ban hành. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành cơ chế để các cơ sở giáo dục và đào tạo chủ động hợp tác, liên kết với các cá nhân, đơn vị có uy tín trong và ngoài nước huy động các nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục các cấp.

Ngay trong những ngày tháng 10 này, nhân kỉ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 – 2014), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai các hoạt động học tập, quán triệt và tuyên truyền về những nội dung cơ bản, cốt lõi trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong toàn ngành giáo dục. Những tư tưởng của Người chính là kim chỉ nam định hướng, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, đưa dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc mạnh, “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ hằng mong ước...


Ngọc Anh

Người mở đường cho nền văn hóa, giáo dục cách mạng
Người mở đường cho nền văn hóa, giáo dục cách mạng

Nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất học giả Đặng Thai Mai (1902-1984) và 70 năm ra đời tác phẩm “Văn học khái luận”, ngày 25/9/2014, Viện Văn học đã tổ chức Hội thảo khoa học “Sự nghiệp văn học Đặng Thai Mai”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN