Năm học 2010 – 2011: Năm của những chuyển động ban đầu

Không chỉ là năm học mở đầu cho thập niên mới, năm học 2010 – 2011 rất ý nghĩa với những chuyển động mới, những bước đi đầu tiên trên con đường lớn đã được toàn ngành giáo dục xác định: Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục.

Tự tin với tâm thế mới

Một nhà sư phạm chia sẻ: Nếu không có cuộc vận động “Hai không” triển khai quyết liệt từ vài năm trước, thì giáo dục đã không thể có một tâm thế, một sự tự tin như bây giờ để bắt đầu chuẩn bị các điều kiện cần thiết tiến những bước vững chắc trên con đường đổi mới toàn diện và cơ bản, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục và đào tạo.

Nhớ lại thời điểm 4 - 5 năm trước (khoảng năm 2006, 2007), khi hàng loạt các vụ tiêu cực như: “tổ chức giải bài thi tập thể”, “đeo bám phòng thi, ném bài cho thí sinh”, “gạ tình lấy điểm”,… bị đưa ra công luận, uy tín của ngành giáo dục giảm sút nghiêm trọng, khiến chính những người trong ngành cũng cảm thấy xấu hổ; cuộc vận động “Hai không” đã thực sự là một giải pháp phù hợp và kịp thời, thể hiện tinh thần cách mạng, tập hợp các lực lượng tiến bộ trong và ngoài ngành. Kết quả 4 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 33 của Thủ tướng Chính phủ về “Hai không” có lẽ không chỉ dừng lại ở các con số tỷ lệ thực chất học sinh đỗ tốt nghiệp các năm tăng dần, ở con số học sinh “ngồi nhầm lớp” đã giảm mạnh mà lớn hơn chính là giáo dục nước nhà được tạo dựng một “phông” văn hóa mới, có một sức mạnh tinh thần to lớn của người “tin vào việc mình làm là đúng” để giải tỏa kịp thời các vấn đề bức xúc, các điểm nóng, từ đó bứt phá đi lên.

Năm học 2010 - 2011 được đánh giá có bước tiến đáng kể trong thực hiện cuộc vận động “Hai không”. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN


Trong năm học vừa qua, có thể thấy tinh thần ‘Hai không” vẫn tiếp tục được duy trì trong thái độ mạch lạc và cách thức xử lý kiên quyết của ngành GD – ĐT trước một vài sự cố, gần nhất là: Vụ nới lỏng chấm thi tốt nghiệp ở một số hội đồng khu vực ĐBSCL. Các cơ sở giáo dục đã tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục hiện tượng học sinh “ngồi sai lớp”, giảm tỷ lệ học sinh yếu kém và học sinh bỏ học; đổi mới việc ra đề thi và kiểm tra; công tác bồi dưỡng học sinh khá, giỏi được tăng cường. Ở Lạng Sơn, mỗi giáo viên dạy 2 tiết/tuần không hưởng thù lao để giúp đỡ học sinh yếu, kém. Quảng Trị đề cao trách nhiệm của người thầy trong kiểm tra và chấm điểm. UBND tỉnh Gia Lai đã trích ngân sách 3 tỷ đồng chi trả tiền giáo viên dạy phụ đạo cho học sinh yếu kém. Trong toàn ngành, trật tự, kỷ cương trong kiểm tra, thi tiếp tục có chuyển biến tốt...

Vững chắc từ nền móng

Cùng với khí thế của “Hai không”, năm học 2010-2011, ngành giáo dục cả nước đã có những bước chuyển không nhỏ trong việc xây dựng các điều kiện cơ sở vật chất cần thiết để đưa giáo dục đi lên. Đó là các hoạt động như: Rèn luyện và chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo, xây dựng trường lớp, hoàn thiện hệ thống chính sách theo hướng phân cấp mạnh cho cơ sở,…

Kết quả của những nỗ lực này, nhiều năm sau, học trò, nhất là học trò ở những vùng khó khăn còn được hưởng. Đó là việc triển khai đề án kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên đã để lại hàng vạn ngôi trường mái ngói đỏ tươi như một biểu tượng cho sự văn minh và tốt đẹp ở khắp các bản làng xa xôi. Không chỉ là giải pháp mang tính tình huống như: Xóa nhà tạm, tranh tre… mới đây những người xây dựng Đề án kiên cố hóa đã âm thầm quyết liệt bảo vệ để đi đến quyết định: Phải đầu tư để xóa phòng học cấp 4 đã cũ nát. Điều này có nghĩa là hơn 90 nghìn phòng học mới sẽ được xem xét xây dựng và trẻ em sẽ không chỉ được đi học mà còn được học trong môi trường đàng hoàng hơn, tương xứng với điều kiện của một nước vừa vượt qua mức thu nhập nước kém phát triển.

Cùng với việc lo xây trường, toàn ngành giáo dục đặc biệt quan tâm phát triển đội ngũ nhà giáo. Tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn tiếp tục tăng so với năm học trước. Bộ đã hoàn thành xây dựng Đề án quy hoạch đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lí trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Đã ban hành đầy đủ thông tư quy định về chuẩn hiệu trưởng các cấp học phổ thông, mầm non và chuẩn giám đốc trung tâm GDTX. Các địa phương bước đầu triển khai thực hiện đại trà chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, trung học (trung học cơ sở và trung học phổ thông), chuẩn hiệu trưởng trường trung học. Hoàn thành Đề án bồi dưỡng hiệu trưởng các trường phổ thông theo hình thức liên kết Việt Nam-Xinhgapo. Tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên; Thi sử dụng thiết bị giáo dục và tự làm đồ dùng dạy học.

Nhiều tỉnh ban hành chính sách địa phương đối với giáo viên mầm non ngoài biên chế (Hà Nội, Yên Bái…), chính sách đối với giáo viên dạy trường chuyên, trường chất lượng cao (Đà Nẵng, Bắc Ninh…). Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chính sách với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác ở các trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, vừa ban hành Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 về phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo.

Một thành tựu nổi bật mà ngành giáo dục đã xây dựng được trong năm học 2010-2011 là việc ban hành văn bản quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, theo hướng tăng cường phân cấp quản lí giáo dục; tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục. Với những mức độ khác nhau, Thủ trưởng các cơ sở giáo dục đều được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm (về sử dụng biên chế, kinh phí quản lý hành chính, tài chính); đơn giản hóa các thủ tục hành chính; áp dụng cơ chế một cửa trong việc giải quyết các công việc. Một số sở làm tốt như: Đắk Lắk, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bắc Giang, An Giang…

Những đổi mới trong chỉ đạo của Bộ GD-ĐT đã mang lại những kết quả khá đồng bộ trong các nhiệm vụ năm học. Ở bậc học mầm non, đó là năm đầu tiên triển khai thực hiện đề án phổ cập GD mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015, thêm 34,1% số trường triển khai chương trình GD mầm non mới. Đó là thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, ra đề kiểm tra theo chuẩn kiến thức, kỹ năng, bao quát chương trình, đánh giá phân hóa trình độ học sinh; tăng cường triển khai dạy kỹ năng sống cho học sinh. Chương trình tiếng Anh bắt buộc ở tiểu học được triển khai thí điểm tại 20 tỉnh, 92 trường tiểu học, cho 13.000 học sinh. Các nhà trường cũng đã triển khai bàn giao chất lượng học sinh từ lớp dưới lên lớp trên ở tiểu học và từ tiểu học lên THCS để chấm dứt tình trạng học sinh “ngồi sai lớp”. Các địa phương đã thực hiện tích hợp các môn học và hoạt động GD nhằm bảo đảm nội dung GD nhưng không gây quá tải, thực hiện "bốn không" (không đi học muộn, không nghỉ học không phép, không bỏ giờ, không vi phạm quy chế thi, kiểm tra); "ba tốt" (chuẩn bị bài ở nhà tốt; thảo luận, xây dựng bài tốt; phấn đấu đạt nhiều điểm tốt); vận động giáo viên, học sinh tham gia "ba đủ", giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, có đủ điều kiện cần thiết để đi học chuyên cần...

Những bước chuyển động trên con đường đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục trong năm học qua thật đáng trân trọng. Tuy nhiên để tạo thành một cuộc chuyển động mạnh mẽ “như sóng trào”, cần thêm lắm sự đồng lòng, góp sức của toàn ngành, mọi cấp và toàn xã hội.

Hoàng Hoa - Lê Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN