Mùa gieo chữ ở Mường Luông

Mường Luông, miền đất lòng chảo dưới chân những dãy núi trùng điệp là địa bàn mưu sinh từ bao đời của người dân bản Tày. Vượt qua những đoạn đường với những trái núi cao ngất, những vực sâu thăm thẳm, chúng tôi đến được Nghĩa Đô (Bảo Yên - Lào Cai), miền đất từ lâu thuộc dải Mường Luông xa thẳm. Những ánh đèn trong những căn nhà sàn ngày đêm gieo chữ cho nhiều lớp trẻ em sinh ra từ lòng bản Tày. Nơi đây, có cuộc hành trình không ngừng nghỉ của con chữ.


Gian nan con chữ


Xưa kia vùng quê Mường Luông nghèo khó lắm, cũng bởi trình độ dân trí thấp, cơ sở vật chất còn nghèo nàn. Nghèo đến mức, người dân Tày không dám nghĩ đến chuyện cho con em mình học chữ mà chỉ ước sao được no cái bụng. Ông Ma Thanh Sợi - nguyên Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô cho biết: “Sau khi thực dân Pháp tiến hành xâm lược nước ta, Nghĩa Đô là nơi bị giặc Pháp bắn phá, cướp bóc và xâm lược. Khi ấy, bản Tày còn nghèo lắm, dân vừa đói, vừa nghèo lại vừa mù chữ. Không khuất phục trước cái dốt nát, nghèo hèn, người bản Tày quyết tâm học chữ, mở trường, mở lớp, mời thầy về dạy học. Và lãnh đạo Việt Minh đã có chủ trương đưa thầy giáo miền xuôi lên Nghĩa Đô dạy học”.


Bữa ăn của học sinh Mường Luông còn gặp nhiều khó khăn.


Từ năm 1930 đến những năm 1960, có tới hơn chục thầy giáo người Kinh được điều lên Nghĩa Đô dạy học. Đầu tiên là dạy chữ quốc ngữ, sau đó dạy tính toán, dạy đuổi lên hết lớp 5 rồi lại quay lại mở lớp mới. Cuộc sống khó khăn nước thiếu, gạo thiếu, chủ yếu là ăn măng, rau. Lớp học có khi ở tại nhà sàn của dân hay được dựng bằng nứa và cây rừng. Thầy giáo yêu thương học trò, thường hay vào bản để vận động học trò đến trường. Nói cho dân hiểu về lợi ích việc học cái chữ. Dân Tày nghe dần hiểu và rồi hiểu ra thì thương thầy giáo vô cùng. Ông Sợi còn nhớ rất rõ tên tuổi các thầy giáo người Kinh từng đến Nghĩa Đô dạy học. Nghĩa tình của thầy giáo với học trò, với nhân dân còn in đậm trong tâm trí của người dân Nghĩa Đô. Đến nay, người dân Nghĩa Đô vẫn còn nhớ câu thơ Tày một thời: “Thương con, thầy giáo dạy cả ngày/Ông bà quý mến làm cơm chay/Cho thầy ăn nghỉ tại nơi ấy/Ơn này không biết tính sao đây”.


Học sinh trường THPT số 3 Bảo Yên trong giờ học tin học.


Học sinh vùng cao Mường Luông luôn mong nhận được sự tiếp sức của các tổ chức mỗi khi cắp sách đến trường.


Đến năm 1950, Trường phổ thông cấp 1 Nghĩa Đô được hoàn thiện rồi dần dần thành lập Trường liên cấp 1-2. Sau này, những người con của bản Tày gắng học tập, vươn lên đi học trung cấp sư phạm rồi đại học sư phạm để về quê hương xây dựng trường, vận động con em thôn bản đi học đúng độ tuổi. Muốn thành cán bộ phải đi học được cấp 3. Nhưng xã chưa có trường cấp 3 mà trường cấp 3 khi ấy ở mãi tận Phố Ràng, cách xa khoảng 30 km. Con đường ra Phố Ràng chỉ là con đường đất nhỏ hẹp rậm rạp khó đi. Vậy nên, một bộ phận không nhỏ học sinh đã bỏ học vì không có điều kiện ra phố trọ học. Cơm ăn chỉ là dăm ba con cá suối nhỏ, gói trong lá dong, cộng với mấy củ sắn, bắp ngô. Quần áo thì vá chằng đụp, xắn đến tận gối, chân đất lội trên những đoạn đường lầy thụt vào mùa mưa bão. Có những hôm mưa to, suối lũ không qua được, đành phải quay trở lại. Đáp ứng sự mong đợi của người dân, tin vui đến với Mường Luông, vào tháng 9/2004, UBND tỉnh đã quyết định thành lập Trường THPT số 3 Bảo Yên và đặt địa điểm ngay tại bản Nà Đình của Nghĩa Đô, ngôi trường 4 tầng khang trang bề thế là cơ hội cho con em được đi học ngay tại bản. Người dân Nghĩa Đô vui lắm và học sinh bản Tày ngày đêm gắng sức học tập.


Vững vàng bước vào “mùa gieo chữ”


Hôm nay, Nghĩa Đô đã đầy đủ các cấp học từ mầm non cho đến THPT. Trường, lớp đã và đang được hoàn thiện và khang trang hơn trước. Ở các trường tiểu học, THCS và THPT đã dựng nhà bán trú theo hình thức bán trú dân nuôi, tạo điều kiện ăn ở cho học sinh xa nhà. Cả Nghĩa Đô đã vào cuộc chăm lo cho việc học hành. Thầy Nguyễn Hồng Việt - Hiệu trưởng trường Tiểu học Nghĩa Đô cho biết: Năm học 2013-2014, trường tiểu học Nghĩa Đô có 19 lớp, 414 học sinh, 35 thầy cô giáo. Tháng 5/2013 vừa qua, Nghĩa Đô đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, nhà trường có 5 phòng bán trú dân nuôi cho 9 em học sinh ở các bản xa như bản Đáp, bản Đon đến trọ học.


Học trò Nghĩa Đô, Bảo Yên (Lào Cai) vững vàng bước vào năm học mới.


 
Một giờ học của học sinh Nghĩa Đô.

 

Tại trường THCS Nghĩa Đô, do học sinh lớn nên không có điểm trường, tất cả học tại khu chính. Vì vậy, 12 em học sinh ở bản Đáp trên đỉnh núi Khau Choong khăn gói xuống núi ở bán trú. Phòng ở dù chỉ làm bằng tre nứa nhưng đã phần nào giúp các em ổn định được chỗ ăn ở để yên tâm học tập. Bên cạnh tiền trợ cấp của Nhà nước, việc ăn hàng ngày của các em do phụ huynh cung cấp, các em tự nấu ăn thành từng nhóm ở khu bếp bán trú. “Tuy vất vả nhưng các cháu rất ham học, thích đi học và gắn bó với trường lớp. Tỷ lệ chuyên cần trong năm học vẫn đạt 100%”, thầy Hán Văn Học - Hiệu trưởng trường THCS Nghĩa Đô khẳng định. Tại trường THPT số 3 Bảo Yên, ngôi trường cấp 3 đóng ngay trên địa bàn Mường Luông thì năm học 2013-2014, trường có 12 lớp, 32 thầy cô giáo với hơn 400 học sinh của 4 xã Nghĩa Đô - Xuân Hòa - Vĩnh Yên - Tân Tiến, chủ yếu là học sinh người Tày, Dao, Mông. Thầy Hoàng Văn Chúc - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, qua nhiều năm với sự nỗ lực của cả thầy và trò, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp được nâng lên 87%, số học sinh thi đỗ vào các trường đại học tăng nhanh theo năm, nhiều em là người bản địa đã tốt nghiệp đại học và trở về địa phương công tác.


Khang trang ngôi trường ở Mường Luông.


Yêu nghề, thương học trò, các thầy cô ở Nghĩa Đô đến từ nhiều nơi xa trong tỉnh như Bảo Thắng, Sa Pa, Mường Khương, Phố Ràng rồi những tỉnh xa như Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Bắc Giang... bám trụ dạy học. Nhiều thầy cô ở lại Nghĩa Đô, xây dựng gia đình và coi nơi đây là quê hương thứ hai của mình. Gắn bó với Nghĩa Đô nhiều năm rồi, ngoài việc dạy chữ, các thầy cô còn gánh thêm trách nhiệm nặng nề hơn qua những chuyến lên núi vận động học trò, động viên các em yên tâm ra lớp. Theo ông Nguyễn Văn Quay - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô thì trong những năm gần đây, xã thành lập Hội khuyến học và đẩy mạnh sự quan tâm đến công tác khuyến học khuyến tài trên địa bàn xã. Hiện nay, Nghĩa Đô có 20 chi hội khuyến học với 1.200 hội viên. Theo ông chủ tịch xã, giáo dục nơi đây đang có nhiều khởi sắc và hứa hẹn nhiều sự “đơm hoa kết trái”, trường THCS đang trên lộ trình xây dựng trường chuẩn Quốc gia, diện mạo địa phương đã có nhiều đổi thay.



Nguyễn Thế Lượng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN