Loay hoay chọn trường đầu cấp - Bài 1

Trường công lập không đáp ứng được hết nhu cầu, trong khi các trường ngoài công lập, tư thục và quốc tế mang lại cho phụ huynh nhiều chọn lựa hơn. Nhưng để chọn được một môi trường học tập phù hợp với con trẻ và điều kiện kinh tế của gia đình là điều không hề dễ dàng.

“CÂN NÃO” TÌM TRƯỜNG

Câu chuyện chen lấn xô đẩy để cho con có xuất học ở trường công lập, trường điểm hoặc cho con “luyện thi” để trải qua kỳ kiểm tra đầu vào trường điểm không còn xa lạ. “Làm thế nào để chọn trường đầu cấp phù hợp với con?” cũng luôn là câu hỏi đau đáu của nhiều bậc phụ huynh trước mỗi mùa tuyển sinh.
Hoang mang trước “rừng” thông tin

Phải mất hơn 2 tháng, chị Phạm Minh Anh, (cán bộ ĐH Quốc gia Hà Nội) mới tìm được trường cho con gái vào học lớp 1.

Chị Minh Anh cho biết: “Nhà tôi ở khu đô thị mới Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, là khu vực khá lý tưởng cho việc chọn trường cho con. Ở đây hội tụ đủ từ trường công lập, tư thục và quốc tế. Trong bán kính 1 km, tôi có tới 5 trường tiểu học để cân nhắc. Tiêu chí của tôi là con được đi học vui vẻ, không áp lực, gần nhà và với mức phí vừa phải. Hiện tại, hai vợ chồng đều là giảng viên nên tôi không thể chọn trường quốc tế với mức phí hàng chục triệu đồng mỗi tháng”.

Mỗi ngày đến trường là một ngày vui của trẻ luôn là mong mỏi của các bậc phụ huynh.

Lên diễn đàn, mạng xã hội, rồi gặp mặt bạn bè có con đã học lớp 1, chị Minh Anh không khỏi choáng ngợp trước một “rừng” thông tin và những mỹ từ về các phương pháp giáo dục mới. “Đồng nghiệp của tôi có con học ở trường N.S cho biết, rất yên tâm về môi trường học và cơ sở vật chất. Bên cạnh sự nổi tiếng về chất lượng giáo dục, ở đó, các con được chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ. Nhưng tôi lo, ngay từ khi vào lớp 1, con đã phải trải qua những đợt đua tranh về đầu vào, rồi học cũng cạnh tranh thì rất áp lực”.

Một đồng nghiệp khác của chị Minh Anh là giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội lại khuyên, nên cho con học trường công lập. Bởi lẽ, khu vực công lập có điều kiện cơ sở vật chất không đến nỗi tệ. Cần để con trẻ thiếu thốn một chút để còn biết cách chia sẻ, hơn khi cứ mãi bao bọc con trong những môi trường được “phục vụ tận răng”.

Nghe nhiều cũng chưa thuyết phục bằng thực tế, chị Minh Anh tự đi khảo sát các trường. “Mặc dù tôi muốn con học trường công nhưng phải có suất, rồi đúng tuyến… Nên sau đó, tôi quyết định cho con học trường T.L, trường có bề dày là những giáo viên tốt nghiệp trường CĐ Sư phạm Trung ương, ĐH Sư phạm Hà Nội. Cơ sở vật chất đảm bảo, sĩ số không quá đông và học phí ở mức trung bình so với hiện nay. Điều quan trọng nữa là con không quá áp lực ganh đua ngay từ khi bước vào môi trường mới”, chị Minh Anh chia sẻ.

Chị Quỳnh Thu, đường Trần Đăng Ninh, quận Cầu Giấy, Hà Nội, cũng cho hay: “Hiện nay, các trường ngoài công lập có rất nhiều với mức phí khác nhau. Thế nhưng, số đông phụ huynh có mức thu nhập chỉ phù hợp với việc cho con học trường công lập. Trong khi, để chen chân vào trường công lập không hề dễ dàng. Để tìm được trường cho con, không ít bậc phụ huynh buộc phải phải bỏ tiền đi “cửa sau” và đã trở thành vấn nạn chạy trường”.

Trường “Tây” đôi khi không như quảng cáo

Vì trường công lập chỉ đáp ứng được sĩ số nhất định nên nhiều bậc phụ huynh quay sang chọn trường ngoài công lập, tư thục và trường quốc tế. Đây thực sự là cuộc “cân não” , nhọc nhằn tìm trường của nhiều bậc phụ huynh.

Anh P.H.M, đường Thành Thái, quận Cầu Giấy, Hà Nội tâm sự: “Gia đình tôi muốn con học trong môi trường không có sự áp đặt của giáo viên và không bạo lực. Do đó, tôi mới xin cho con vào học trường S.M. Tuy nhiên, chất lượng ở trường “Tây” lại không được như tôi mong đợi. Thoạt nhìn, sẽ thấy trường Tây có cơ sở vật chất hoành tráng, giáo viên cũng hòa nhã, mềm mỏng hơn trường công. Nhưng thực tế, con tôi từng chứng kiến, bạn học của mình bị thầy giáo véo tai khi làm sai. Cháu đã rất buồn và nói rằng sợ sẽ vi phạm và bị xử phạt tương tự. Một ngôi trường học với những quảng cáo về phương pháp giáo dục của Mỹ nhưng giáo viên không được đào tạo như hệ thống quốc tế thì khác nào “bình mới, rượu cũ”. Với học phí gần 8 - 9 triệu đồng/tháng thì quả không đáng đồng tiền bát gạo”.

Câu chuyện của anh M. là một câu chuyện khá điển hình trong việc lựa chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế mà nhiều phụ huynh đang gặp phải. Hầu hết các gia đình đều cất công chọn trường cho con và luôn đặt ra những câu hỏi nhưng cuối cùng phải lấy con mình làm “thí nghiệm” thì mới biết thực hư chất lượng giáo dục dạy và học ra sao.

Trước những băn khoăn vấn đề chất lượng của trường quốc tế khiến dư luận “dậy sóng”, một cán bộ phòng GD - ĐT quận Ba Đình lại khuyên: “Tôi đã lên chức bà ngoại và lời khuyên duy nhất với con tôi là hãy cho con học trường công lập. Cha mẹ đừng đặt quá nhiều kỳ vọng về môi trường học hay các phương pháp khác nhau. Nếu giáo viên người Việt không được đào tạo trực tiếp từ nước sở tại thì khó có thể truyền thụ được hết phương pháp giáo dục tiên tiến đó”. 

Bài cuối: Phụ huynh cần có kiến thức đa chiều

Lê Vân
Chủ động nắm thông tin, chọn trường phù hợp
Chủ động nắm thông tin, chọn trường phù hợp

Từ ngày 1/8, các trường ĐH, CĐ sẽ bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển đợt 1. Với những đổi mới trong công tác tuyển sinh, thí sinh cần nắm rõ các quy chế, hướng dẫn để “không bỏ sót” trường mình quan tâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN