Lo ngại thí sinh ảo nguyện vọng 2

Gần đến thời điểm kết thúc xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1, theo thống kê ban đầu, những trường ĐH top trên có số lượng hồ sơ đăng ký nhiều, dự báo điểm sẽ cao, các trường ĐH ngoài công lập vẫn còn thưa thớt và chờ đợi thí sinh.


Chờ thí sinh


Nhiều trường ĐH công lập thuộc top trên như: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Xây dựng, ĐH Tài chính… đã nhận được lượng lớn hồ sơ đăng ký nguyện vọng 2, nhiều trường có số hồ sơ gấp 2 - 3 lần mức chỉ tiêu. Cụ thể, ĐH Xây dựng chỉ tiêu xét tuyển năm nay là 760, nhưng đã nhận được gần 2.000 hồ sơ. Đại diện trường cho biết, nhiều thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển với mức điểm rất cao, rất nhiều thí sinh có mức điểm trên 20. “Với số lượng hồ sơ và mức điểm của thí sinh thì dự kiến điểm chuẩn NV2 vào trường sẽ cao hơn điểm chuẩn NV1”, vị đại diện này cho hay.


Cán bộ trường ĐH Công nghiệp TP.HCM hướng dẫn thí sinh làm thủ tục nhập học. Phương Vy-TTXVN


Tương tự, trường ĐH Điện lực, có chỉ tiêu xét tuyển là 200 nhưng theo thống kê sơ bộ, số thí sinh nộp hồ sơ đã lên tới gần 1.000. Nhiều trường khác cũng đang trong tình trạng “bội thu” hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 như: Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã nhận được hơn 2.000 bộ hồ sơ. Trường Đại học Thủy lợi (khu vực phía Bắc), số chỉ tiêu là 170, nhưng số hồ sơ trường này nhận trực tiếp không qua bưu điện đã hơn 1.000 bộ. Còn Học viện Ngân hàng, chỉ tiêu xét tuyển NV2 khối D1 có 30 chỉ tiêu, nhưng số hồ sơ đăng ký nộp vào xét tuyển đã khoảng 300.


Ngược lại, các trường ĐH, CĐ ngoài công lập có số lượng thí sinh đến nộp hồ sơ thưa thớt hơn. Năm nay, điểm chuẩn NV1 vào các trường công lập khá cao và theo quy định của Bộ GD - ĐT, điểm xét tuyển nguyện vọng sau không được thấp hơn nguyện vọng trước, nên điểm xét tuyển vào các trường này cũng sẽ cao, đây là cơ hội cho các trường ngoài công lập tuyển sinh với mức điểm đầu vào thường chỉ bằng điểm sàn trở lên. Tuy nhiên, việc lấp kín chỉ tiêu tuyển sinh tại các trường ngoài công lập không hề dễ. Trường ĐH dân lập Đông Đô (Hà Nội) có mức điểm xét tuyển chỉ bằng điểm sàn của Bộ GD - ĐT nhưng số hồ sơ nộp vào trường chỉ khoảng 400 hồ sơ, trong khi chỉ tiêu của trường là 1.300. Đại diện trường cho biết, nếu không đủ chỉ tiêu trong đợt xét tuyển này thì trường sẽ tiếp tục xét tuyển thêm. Tương tự, ĐH Lương Thế Vinh có lượng hồ sơ xét tuyển rất hạn chế và ít hơn nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh.


Cảnh giác với lừa đảo


Theo nhận định của nhiều trường, tình hình xét tuyển nguyện vọng bổ sung năm nay sẽ quyết liệt hơn so với mọi năm do số lượng thí sinh trên điểm sàn dôi dư khá lớn và theo quy định của Bộ GD - ĐT, thí sinh trượt NV1 nhưng đủ điều kiện tham gia xét tuyển nguyện vọng bổ sung sẽ được cấp tối đa 6 giấy chứng nhận (nếu thí sinh thi 2 khối) để tham gia xét tuyển. Như vậy, theo quy định mới, thí sinh sẽ được cấp tối đa 9 giấy chứng nhận kết quả (6 giấy chứng nhận kết quả ĐH và 3 giấy chứng nhận CĐ) sẽ dẫn đến tình trạng thí sinh nộp xét tuyển 1 lúc 3 ngành, thậm chí 6 ngành cùng một trường, sẽ đẩy số hồ sơ ảo lên cao.

Theo quy định của Bộ GD - ĐT, các trường bắt đầu xét tuyển NV2 từ ngày 20/8 và kết thúc vào 31/10. Trong thời gian này, các trường có thể xét tuyển nhiều đợt khác nhau, thời gian mỗi đợt xét tuyển là 20 ngày, tính từ ngày thông báo xét tuyển.


Hiện cũng đã xuất hiện nhiều chiêu thu hút thí sinh có tính chất lừa đảo, một số trung tâm, một số công ty tự đứng ra gửi giấy báo trúng tuyển cho thí sinh, nhận hồ sơ của thí sinh và hứa sẽ giúp thí sinh vào học tại trường đại học và cao đẳng nào đó, thậm chí một số trường hợp thí sinh dưới điểm sàn nhưng vẫn nhận được giấy báo trúng tuyển. Trước thực trạng này, ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cảnh báo: “Tất cả những trung tâm, công ty không có chức năng này. Thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh và trực tiếp tiếp xúc thông tin thông qua các kênh chính thức của nhà trường, của Bộ GD - ĐT và trực tiếp nộp hồ sơ với nhà trường để tránh lừa đảo. Các trường tuyệt đối không được phép gọi thí sinh dưới điểm sàn trúng tuyển nhập trường, kể cả với hình thức cho vào học lớp nợ đầu vào, nếu phát hiện vi phạm, Bộ sẽ có hình thức xử lý. Thí sinh không nên đăng ký học vào những lớp như trên để tránh bị thiệt thòi”, ông Tuấn nhấn mạnh.



Thu Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN