Kỳ thi THPT quốc gia: Chỉ nên cải tiến kỹ thuật

Mới đây, bày tỏ về định hướng thi THPT quốc gia năm 2018, một số địa phương, trường đại học kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo giữ lại phương thức, cách tổ chức thi ổn định như kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 và chỉ cải tiến phần kỹ thuật để phù hợp hơn.

Đánh giá của các Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đã nhận được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân và ở khía cạnh nào đó đã tạo được dấu ấn tốt đẹp.

Địa phương không muốn thay đổi nhiều trong kỳ thi THPT quôc gia 2018 vì sẽ ảnh hưởng đến nhà trường, thí sinh. Ảnh: TTXVN

Theo bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD – ĐT Thanh Hóa, Bộ cần sớm hoàn thiện và công bố phương án thi THPT quốc gia 2018 và vẫn nên tiến hành như năm 2017, nhưng ở bài thi tổ hợp, số môn thi thành phần có thể giảm đi. Đồng thời, Bộ nên cân nhắc lại phương án điều động cán bộ, giảng viên về địa phương cùng phối hợp, coi thi. Nên duy trì giáo viên các trường THPT tiếp tục làm công tác coi thi, nhưng giáo viên trường nào không được coi thi ở trường đó để tránh tiêu cực.


Bà Phạm Thị Hằng cũng đề nghị: Bộ cũng cần sớm ban hàng quy định về các tiêu chí điểm ưu tiên tuyển thẳng, cộng điểm từ các kỳ thi học sinh giỏi, cộng điểm cho học sinh giỏi các cấp khi thi tuyển đầu cấp học.


Đồng quan điểm, ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD – ĐT Nam Định cho rằng, Bộ nên giữ ổn định phương thức thi, điều chỉnh khâu kỹ thuật để tránh có những xáo trộn cho địa phương.


Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An cũng khẳng định, nên duy trì phương án kỳ thi THPT quốc gia 2017; nhưng ở một số điểm kỹ thuật thì nên lắng nghe, tiếp thu, cầu thị để chỉnh sửa. Các địa phương sẽ góp ý để phương án thi năm sau hoàn chỉnh hơn.


Bà Nguyễn Thị Minh Giang, GĐ Sở GD- ĐT tỉnh Kiên Giang nhận định: “Qua nhiều năm, kỳ thi THPT quốc gia thực hiện "2 không" nhưng gặp khó khăn thì ở kỳ thi THTP quốc gia 2017 có sự hỗ trợ của công nghệ, kỳ thi đã diễn ra nghiêm túc, an toàn”.


Bà Nguyễn Thị Minh Giang cũng kiến nghị Bộ nên công bố phương án của kỳ thi ngay từ đầu năm học để địa phương, học sinh, phụ huynh có thời gian chuẩn bị tốt hơn.


Bàn về vấn đề này, GS Hoàng Minh Sơn, ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định: “Phương thức tổ chức thi THPT quốc gia là đổi mới hết sức thành công, mặc dù có một số bất cập kỹ thuật. Nhưng năm 2018 tiếp tục giữ ổn định và có chỉnh sửa về mặt kỹ thuật. Kỳ thi đợt xét tuyển có những thành công lớn và được xã hội đánh giá cao. Những gì đang tốt, giữ ổn định, những gì còn bất cập thì chỉnh sửa, trong bài thi tổ hợp có những khó khăn trong tổ chức thi. Bài thi tổ hợp thành một bài chứ không chia thành môn thi riêng biệt nữa”.


Tuy nhiên, nhìn nhận ở góc độ khác, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đánh giá: “Kỳ thi THPT quốc gia là để công nhận tốt nghiệp cho học sinh sau 12 năm học phổ thông; còn việc tuyển sinh là việc của các trường. Tùy yêu cầu đặc thù của từng trường mà có cách tuyển phù hợp”.

 

Đến nay, Bộ GD – ĐT vẫn tiếp tục lắng nghe ý kiến từ địa phương, các chuyên gia để sớm có quyết định chính thức trong đề án thi và tuyển sinh năm 2018.


LV (Báo Tin tức)
Điểm thi THPT Quốc gia: 'Cơn mưa' điểm 10 từ các địa phương
Điểm thi THPT Quốc gia: 'Cơn mưa' điểm 10 từ các địa phương

Ngày 6/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố gói dữ liệu điểm thi của các địa phương. Rất nhiều điểm 10 từ các môn thi, trong đó có các môn xã hội, thậm chí có thí sinh đã “ẵm” luôn ba điểm 10.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN