Kiến nghị các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên

Nhiều giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên nước ta đã được các nhà nghiên cứu đề xuất tại Hội thảo khoa học "70 năm Sư phạm Việt Nam- Đổi mới và phát triển" tổ chức sáng 21/12/2016.

Hội thảo là hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm ngành học Sư phạm Việt Nam, đồng thời quán triệt sâu sắc chủ trương của Bộ GD-ĐT về phát triển ngành Sư phạm, góp phần cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, NQ 29 về Đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục đào tạo, trong đó phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý là khâu hết sức quan trọng.

Nhiều nhà giáo lão thành, các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ GD- ĐT và các nhà nghiên cứu tham gia  Hội thảo  khoa học "70 năm Sư phạm Việt Nam- Đổi mới và phát triển".

70 năm kể từ ngày 8/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành sắc lệnh số 194/SL về việc thành lập ngành học Sư phạm, đánh dấu mốc quan trọng khởi nguồn cho sự phát triển của ngành sư phạm cách mạng, đến nay, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân, ngành Sư phạm đã không ngừng lớn mạnh. Từ một vài cơ sở đào tạo giáo viên đầu tiên, đến nay cả nước đã có 114 trường sư phạm, cơ sở đào tạo đa ngành có khoa sư phạm, ngành sư phạm; cùng 4 cơ sở đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, tham gia đào tạo cho đất nước lực lượng đông đảo 1,2 triệu nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam đang đặt ra yêu cầu đổi mới toàn ngành giáo dục. Trong tình hình đó, hệ thống giáo dục sư phạm đối mặt với một số thách thức. Đó là năng lực đào tạo vượt nhu cầu về số lượng giáo viên cần đào tạo, nhưng chưa đáp ứng được về yêu cầu chất lượng, dẫn tới tình trạng sinh viên Sư phạm ra trường khó có việc làm, dư dôi và mất cân đối trong đội ngũ giáo viên, năng lực nghề nghiệp của nhiều giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu. Số lượng trường Sư phạm nhiều mà sự kết nối chưa tốt do quy hoạch chưa tổng thể. Chính các trường sư phạm còn tồn tại "khoảng vênh" trong cơ sở vật chất, đội ngũ chuyên gia, nội dung, phương thức đào tạo... 

Tham luận vể thực trạng và phương hướng phát triển của ngành Sư phạm Việt Nam nhận được sự quan tâm của đông đảo đại biểu.

Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ GD- ĐT phát biểu tại Hội thảo sau khi chúc mừng những thành tựu lớn của ngành giáo dục sư phạm nước ta, đã thẳng thắn nhận xét: giáo dục Sư phạm nước ta còn thiên về đào tạo thầy cô dạy chữ, chưa quan tâm đúng mức tới đào tạo các nhà giáo dục. Bàn về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, bà Nguyễn Thị Bình, cho rằng: Để xác định triết lý giáo dục, trước hết là mục tiêu giáo dục cho hiện tại và tương lai, cần có tổng kết sâu sắc về sự phát triển của giáo dục trong 30 năm đổi mới; đồng thời, xem xét hướng phát triển của giáo dục thế giới. Điều đáng lo ngại hiện nay là những khía cạnh nhân bản và sự phát triển cá nhân chưa thực sự được coi trọng. Việc dạy làm người, dạy cách nghĩ, cách học còn bị xem nhẹ, duy trì quá lâu phương pháp giáo dục lạc hậu mang tính áp đặt, nhồi nhét, đẩy học sinh, sinh viên đến chỗ thụ động, thiếu ý thức tự chủ và khả năng suy nghĩ độc lập. 


Theo bà Nguyễn Thị Bình, không thể tiếp tục giáo dục học sinh, sinh viên chạy theo mục tiêu thi cử mà quên lãng vấn đề cốt lõi là giáo dục nhân cách. Để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới giáo dục Việt Nam, cần có sự đổi mới cả về tư duy và hành động, trong đó, phát triển nhân cách người học phải được coi là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tiến trình đổi mới giáo dục. 


35 tham luận tại Hội thảo đã phân tích các vấn đề chung của ngành sư phạm Việt Nam, nhìn nhận lại những bài học kinh nghiệm quý báu của ngành Sư phạm Việt Nam 70 năm qua. Đặc biệt, các ý kiến được thảo luận tập trung phân tích thực trạng cũng như đề xuất để giáo dục Sư phạm Việt Nam đổi mới và phát triển phục vụ sự nghiệp đổi mới căn bản toàn diện giáo dục- đào tạo nước nhà. Các giải pháp chính được đề xuất: tái cấu trúc mô hình quản lý hệ thống sư phạm và quản trị nhà trường; xây dựng chương trình, giáo trình mới, đổi mới phương pháp đào tạo và kiểm tra đánh giá; đào tạo bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý; xây dựng cơ sở vật chất và đầu tư...


TS Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT tiếp thu ý kiến của các nhà sư phạm, nhà nghiên cứu giáo dục các thời kỳ và cho biết: Hiện nay Bộ GD- ĐT đang hoàn thiện chuẩn nghề nghiệp giáo viên, đề án đào tạo giáo viên các cấp, xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ..., theo hướng chuẩn hoá đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo. Các trường Sư phạm với vai trò đầu tàu được phát triển nhằm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Ngành giáo dục ưu tiên đầu tư xây dựng một số trường sư phạm, sư phạm kỹ thuật trọng điểm; khắc phục tình trạng phân tán trong hệ thống các cơ sở đào tạo nhà giáo. Đổi mới mạnh mẽ mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của nhà giáo theo yêu cầu nâng cao chất lượng, trách nhiệm, đạo đức và năng lực nghề nghiệp. Từng bước hoàn thiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.


Kiều Hà
Hy vọng cải cách giáo dục đạt hiệu quả như trả lời của Bộ trưởng
Hy vọng cải cách giáo dục đạt hiệu quả như trả lời của Bộ trưởng

“Tôi nghĩ có nhiều đại biểu chưa thực sự hài lòng và yên tâm lắm với những câu trả lời của Bộ trưởng”, đại biểu Nguyễn Thị Khá nói về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN