Không chấm điểm lớp 1 giúp học sinh cố gắng

Cô Nguyễn Thị Toan, Hiệu trưởng trường Tiểu học Năng Khả, xã Năng Khả, huyện Na Hang, Tuyên Quang: Đánh giá giúp học sinh cố gắng hơn


Sau khi nhận được công văn của Sở GD - ĐT Tuyên Quang, trường đã cho giáo viên đi tập huấn và bắt đầu triển khai không chấm điểm với học sinh lớp 1 từ ngày 1/10. Việc đánh giá, khuyến khích học sinh sẽ giảm áp lực đối với các em, đặc biệt với các em ở lứa tuổi từ mẫu giáo lên. Giáo viên sẽ vất vả hơn khi phải đưa ra nhận xét chi tiết với từng em, nhưng lại bù lại, các cô hứng khởi khi học sinh gần gũi hơn. Một số giáo viên của tôi tâm sự, khi nhận xét đánh giá như vậy, họ phải bỏ nhiều thời gian hơn, nhưng họ lại nắm bắt được học sinh của mình tốt hơn. Thay vì trước đây cho điểm kết hợp với nhận xét theo từng nhóm: Loại giỏi, loại khá, loại trung bình…

tGiờ tập viết của học sinh lớp 1E trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (Lào Cai) - trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I.


Với phương pháp mới này, cách khuyến khích các em cũng phải tế nhị. Ví dụ: “Bạn A hôm nay đã hoàn thành được 4 bài tập/5 bài tập cô giao, hơn hẳn hôm trước bạn chỉ làm được 2 bài tập/5 bài tập cô giao. Cô mong bạn A tiếp tục phát huy trong những hôm tới là hoàn thành cả bài tập cô giao nhé”. Sau khi cô giáo nói như vậy, cả lớp sẽ cùng vỗ tay tuyên dương bạn A. Khi đó học sinh cảm thấy rất thích thú và càng cố gắng hơn nữa. Cách biểu dương, khuyến khích, hay có ý phê bình các em cũng cần khéo léo, đòi hỏi kỹ năng của giáo viên. Quan trọng tạo ra niềm vui thích được đến trường, tự hào khi được cô khen, lắng nghe khi cô nhận xét. Tôi nghĩ đó là thành công của mỗi cô giáo khi dẫn dắt các em bước vào lớp 1.

 

Cô Lê Thanh Hà, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Bình Minh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội: Tạo tâm lý thoải mái khi trẻ đến trường


Chủ trương không chấm điểm đối với học sinh lớp 1 sẽ giảm áp lực cho các em về điểm số. Với học sinh lớp 1, nếu bị điểm kém, các em thường rất lo sợ, thậm chí sợ học. Ngay khi nhận được công văn chỉ đạo của Sở GD - ĐT Hà Nội, trường đã đưa ra một số sáng kiến để giờ học của các em thoải mái hơn. Cụ thể, thay vì điểm số, chúng tôi kèm theo lời nhận xét, đánh giá với những bông hoa. Bông hoa đỏ tương ứng với lời nhận xét bài làm giỏi, tốt. Bông hoa xanh tương ứng với lời nhận xét bài làm khá. Với những em chưa làm được, cô giáo cũng khuyến khích các em cho những buổi sau, tránh không quá phê phán các em… Cách làm này đã nhận được sự hào hứng từ phía học sinh.

 

Cô Phạm Ánh Tuyết, trường Tiểu học Ba Vì, Hà Nội: Tránh được sự so sánh điểm số cứng nhắc


Từ bậc mầm non lên tiểu học là bước chuyển giao khá quan trọng. Bước đầu nên tạo sự hứng thú, sự tập trung trong học tập. Việc khích lệ, động viên thay vì so sánh điểm số sẽ giúp học sinh thích đến trường hơn. Đây là tiền đề quan trọng cho những năm tiếp theo đến trường. Khi đã có ý thức, sự tập trung và quan trọng là niềm vui thích trong học tập các em sẽ thích đến trường hơn. Thậm chí, việc nhận xét trong quá trình học còn giúp các em tự nhận xét về nhau. Mặt khác, tránh được tâm lý không tốt với phụ huynh học sinh khi biết điểm số lại chỉ đem đi so sánh.


Giáo viên, thay vì cho những con số lạnh lùng, thì có những lời nhận xét riêng với học sinh hơn. Tôi nghĩ đây là việc không đơn giản, đòi hỏi giáo viên phải linh hoạt với từng em. Đây là phương pháp dạy học hiện đại, mỗi giáo viên cần tự nâng mình, để giáo dục được những em học sinh đồng đều về nhận thức, cảm thấy hạnh phúc khi đi học.


Lê Vân

Diễn đàn “Không cho điểm đối với học sinh lớp 1” -  Chủ trương đúng
Diễn đàn “Không cho điểm đối với học sinh lớp 1” - Chủ trương đúng

Chủ trương không cho điểm đối với học sinh lớp 1 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) năm học 2013-2014 đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của các nhà giáo dục, giáo viên, phụ huynh học sinh… Nhiều ý kiến cho rằng với cách đánh giá như vậy sẽ giảm bớt áp lực cho học sinh lớp 1 khi đến trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN