Hướng đến mục tiêu giáo dục toàn diện

Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” được triển khai tại Nam Định thông qua việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh đã mang lại hiệu quả tích cực.

Đề án đã góp phần phát huy thế mạnh của thiết chế bảo tàng và các di sản văn hóa, tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử, yêu nước và đấu tranh cách mạng của quê hương, bồi dưỡng kiến thức, nhân cách, kĩ năng sống và ý thức trách nhiệm công dân.

Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định tổ chức.

Các hoạt động giáo dục diễn ra tại Bảo tàng tỉnh Nam Định và các di sản văn hóa tiêu biểu khác trên địa bàn tỉnh với những nội dung, chương trình học tập và lượng kiến thức ở cấp độ khác nhau, phù hợp với học sinh các cấp, từ mầm non đến trung học phổ thông, sinh viên các trường cao đẳng trên địa bàn.

Từ tháng 2/2016 đến nay, Đề án đã tạo điều kiện cho hơn 10.000 học sinh, sinh viên tại 10 huyện, thành phố của tỉnh tiếp cận với các kiến thức lịch sử, văn hóa xã hội và trải nghiệm thực tế, trong đó nhiều nhất là thành phố Nam Định với gần 8.500 học sinh.

Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định cho biết, để chuẩn bị hoàn thiện các điều kiện bảo đảm cho tổ chức các hoạt động giáo dục, Bảo tàng đã đầu tư nhiều trang thiết bị, phương tiện như âm thanh, dù che, ghế ngồi, phòng trải nghiệm và các dụng cụ phục vụ trò chơi dân gian, trình diễn văn hóa phi vật thể.

Bảo tàng đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng kịch bản tổ chức các trò chơi dân gian, các nội dung tìm hiểu lịch sử văn hóa địa phương bằng hình thức trắc nghiệm. Cùng với đó, đơn vị đã mời các nghệ nhân dân gian múa rối nước, hát chầu văn, làm đèn ông sao… cũng như các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa để cộng tác, hướng dẫn học sinh trong các hoạt động trải nghiệm thực tế.

Đội ngũ hướng dẫn viên và cán bộ tổ chức chương trình được gửi đi học các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu mới của công việc, ngoài hướng dẫn, giới thiệu tư liệu còn đảm bảo kết nối, giao lưu với các học sinh.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Bảo tàng tỉnh Nam Định đã tổ chức chương trình trải nghiệm các phong tục đón Xuân cho hơn 500 học sinh và các thầy, cô giáo của các Trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt, Trung học cơ sở Lộc Vượng, Trung học cơ sở Lý Tự Trọng (thành phố Nam Định).

Các em đã được trực tiếp tham gia và tìm hiểu những nét đẹp truyền thống trong ngày Tết như: Cách bày mâm ngũ quả, thi viết thư pháp, cách mặc trang phục trong nghi lễ chầu văn, ý nghĩa của tục xin chữ đầu Xuân và những nét văn hóa đón Tết truyền thống của dân tộc.

Ngoài các phần thi, các học sinh được nghe sự tích bánh chưng ngày Tết, ý nghĩa mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên, giải thích ý nghĩa một số chữ Hán thư pháp như “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín” nhằm giáo dục con người hướng tới chân, thiện, mỹ…

Trong khuôn khổ các hoạt động của Đề án, học sinh tại Nam Định đã được đi tham quan thực tế và nghe giới thiệu về: Lịch sử xã hội tỉnh Nam Định trải qua các thời kì từ tiền sơ sử tới thời kì cách mạng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; ý nghĩa các tác phẩm điêu khắc đá phản ánh tôn giáo, nghệ thuật, tín ngưỡng của người Việt bao gồm bia đá, tượng người, tượng linh vật có niên đại từ thế kỉ 13 đến thế kỉ 20, nhóm vũ khí, khí tài của quân đội tham gia chiến đấu, bảo vệ bầu trời Hà Nam Ninh (bao gồm các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình hiện nay) trong kháng chiến chống Mỹ.

Các em còn được hướng dẫn tìm hiểu về loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng ở Nam Định “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Bản sắc và giá trị”.

Đề án được thực hiện thông qua việc tổ chức kết nối một số tuyến điểm tham quan hệ thống bảo tàng và di tích lịch sử, di sản văn hóa tại Nam Định. Trong mỗi chuyến đi thực tế, Bảo tàng tỉnh Nam Định phối hợp với các địa phương bố trí hướng dẫn viên giới thiệu cụ thể giúp học sinh tìm hiểu những giá trị nổi bật của các di sản.

Để tạo hứng thú cho học sinh, Bảo tàng tổ chức nhiều trò chơi dân gian kết hợp vận động xen kẽ giữa các tiết học ngoại khóa như chơi ô ăn quan, kéo co, bịt mắt đánh trống, leo cột kéo cờ, mèo đuổi chuột, bịt mắt bắt dê…

Cô Vũ Thị Thúy Hà (giáo viên trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt, thành phố Nam Định) cho biết: Đây là lần thứ hai trường Trung học sở sở Lý Thường Kiệt đưa học sinh tới tham gia các hoạt động trải nghiệm thuộc Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ”, các em đều rất hào hứng tham gia nhiều hoạt động khác nhau.

Nội dung các tiết học và hoạt động trải nghiệm được xây dựng ngắn gọn, dễ hiểu, thú vị, đảm bảo các yêu cầu về tính sư phạm và tính khoa học. Một số phần thi tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và ý nghĩa của các phong tục ngày Tết còn được thể hiện qua dạng câu hỏi trắc nghiệm, phù hợp với nhận thức của đa số học sinh, giúp các em hiểu về lịch sử và truyền thống văn hóa của vùng đất mình sinh ra và lớn lên.

Cùng với nội dung chương trình kiến thức học trên lớp, các hoạt động thực tế sẽ góp phần hướng đến mục tiêu giáo dục toàn diện, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định, thời gian tới, Nam Định sẽ tiếp tục triển khai và củng cố các hoạt động của Đề án, đồng thời tập trung vào nội dung giới thiệu về tín ngưỡng thờ Mẫu - tín ngưỡng mới được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại nhằm phát huy giá trị của quần thể di tích Phủ Dày (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), một trong những trung tâm lớn nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu tại Việt Nam.

Hiền Hạnh (TTXVN)
Hòa Bình nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
Hòa Bình nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Là tỉnh miền núi, còn nhiều khó khăn nhưng công tác giáo dục và đào tạo của tỉnh Hòa Bình những năm gần đây đạt nhiều kết quả khả quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN