Ryo Desmidt, ba tuổi, đang theo học năm đầu tiên tại nhà trẻ ở Hong Kong (Trung Quốc) và bố mẹ Ryo cho biết bé đã có thể giao tiếp bằng ba thứ tiếng. Ngay từ khi Ryo mới 10 tháng tuổi, cô Momoe, mẹ của Ryo, đã đưa cậu bé đến một trung tâm ngôn ngữ ở thành phố năm lần một tuần để Ryo được nghe, nói và giao tiếp bằng tiếng Anh, tiếng Trung (Quan thoại) và tiếng Nhật.
Các em bé học nói tiếng Anh với giáo viên người Mỹ ở trường. |
Đây chỉ là một trong nhiều ví dụ về việc phụ huynh ở Hong Kong đang “gồng đôi vai” và “cuồng đôi chân” trong cuộc đua kiếm chỗ cho con vào trường tiểu học tốt mà ở đó, con cái họ rơi vào một cuộc cạnh tranh được đẩy đến đỉnh điểm.
Muốn học phải xếp hàng
Việc ngày càng có nhiều bậc phụ huynh ở Trung Quốc đại lục muốn gửi con em họ đến học đã khiến hệ thống các lớp học quốc tế ở Hong Kong ngập trong đơn đăng ký nhập học.
Vì vậy, để giành được ưu thế, nhiều bậc phụ huynh đã lập ra kế hoạch học tập cho con ngay cả khi các bé còn chưa chào đời, mặc dù độ tuổi chính thức bắt đầu tới học tại các trường mẫu giáo là ba tuổi. Các bé cũng được cho đi học sớm hơn để “đánh bật” hàng ngàn ứng viên khác.
Cô Momoe cho biết vào thời điểm đặt bút đăng ký học cho “cái thai 8 tháng tuổi trong bụng”, danh sách chờ đã trải dài trong khoảng 1 năm. “Ở đây, nếu không được học ở một trường mẫu giáo hay nhà trẻ, sẽ rất khó để được vào học ở một trường tiểu học tốt. Đó là lí do vì sao bạn phải có sẵn kế hoạch khi bạn còn đang mang thai”, cô chia sẻ.
Vào thời điểm này của năm, các bậc phụ huynh xếp những hàng dài để điền mẫu đăng ký nhập học vào các trường trên khắp Hong Kong. Tại quận phía bắc, các bậc phụ huynh còn cắm trại qua đêm để đảm bảo họ “chạm được tay” vào các mẫu đăng ký.
Theo trường mẫu giáo Fung Kai ở quận Sheung Shui, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường chỉ có 240 học sinh thì đã có khoảng 2.000 người sắp hàng để đăng ký nhập học trong ngày 7/10. Thậm chí cảnh sát đã được triệu tập tới để xử lý những vụ phàn nàn về việc nhiều người chen ngang.
Trước việc ngày càng có nhiều trẻ em từ bên ngoài Hong Kong đến xin học, nhiều bậc phụ huynh ở Đặc khu này đã bắt đầu không hài lòng. Họ cho rằng trẻ em tại Hong Kong nên được ưu tiên hơn những trẻ ở nơi khác. Hiện nay, Cục Giáo dục Hong Kong ước tính con số những người ra vào Đặc khu để học tập lên tới 17.000 người, khoảng một nửa số đó là các bé học tại trường mẫu giáo hoặc trung tâm giữ trẻ.
”Quân sư phụ huynh”
Một bà mẹ ở Hong Kong cho biết, chủ đề duy nhất xuất hiện trong bữa ăn trưa là việc học tập của con cái. Các bậc phụ huynh lùng sục thông tin trên các diễn đàn online và thông báo cho nhau thời điểm các trường bắt đầu nhận đơn và làm thế nào để nộp đơn.
Để chắc ăn hơn, một số người thậm chí còn đăng ký cho con tham dự các lớp kỹ năng trả lời phỏng vấn. “Một số giáo viên nhà trẻ, quen thuộc với quá trình phỏng vấn ở một số trường mẫu giáo danh tiếng, sẽ giúp đào tạo đứa trẻ vượt qua sự nhút nhát và quen với việc trả lời các câu hỏi từ người lạ”, một người mẹ giải thích.
Ngay cả khi đã sắp xếp thành công cho con vào một trường mẫu giáo, nhiều người vẫn tiếp tục tìm kiếm những trường tốt hơn. Có trường hợp trẻ học ở trường địa phương buổi sáng và đi học ở trường quốc tế buổi chiều.
Nói về vấn đề này, bà Nicola Weir, làm việc tại trường quốc tế Yew Chung, cho biết: "Vấn đề không phải là việc đứa trẻ của bạn hoàn hảo như thế nào vì đứa trẻ nào cũng có điểm đặc biệt”. Theo bà, ngoài việc đánh giá trẻ, các trường học còn nhìn vào gia đình của các em để đánh giá quan điểm về việc giáo dục. Bà nhấn mạnh, bên cạnh việc trẻ thể hiện tốt khả năng của mình thì mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường cũng vô cùng quan trọng.
Anh Minh (Theo CNN)