Nghệ An:

Học sinh oằn lưng chạy 'sô' - chính quyền 'biết vậy'

Năm học mới 2012-2013 bắt đầu chưa đầy một tháng nhưng em Phan Hữu Sơn, học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Lê Mao, thành phố Vinh đã tất bật “học sô”. Giúp đỡ làm việc nhà vừa sức cũng được mẹ cho đặc cách để Sơn thực thi mục tiêu mà phụ huynh đặt ra là đỗ vào trường chuyên của thành phố Vinh.


“Thấy con học nhiều tôi cũng thương lắm nhưng không học thì không được, bởi các bạn trong lớp cũng đều đi học như thế cả. Ngoài học các cô giáo trên lớp, các phụ huynh cũng muốn gửi con đi học các thầy cô giáo ở trường khác để bổ trợ và nâng cao kiến thức cho con”, phụ huynh em Sơn bày tỏ.

Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ tháng 7/2012. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, dường như Thông tư này vẫn chưa được cụ thể hóa.

Đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An chưa tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định về dạy thêm, học thêm. Tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn tồn tại mà chính quyền địa phương chưa vào cuộc ngăn chặn.

Hiện một số giáo viên tiểu học ở Nghệ An vẫn ngang nhiên mở các lớp dạy thêm, học thêm tại nhà. Cô Nguyễn Thị Hồng, giáo viên chủ nhiệm lớp 5C trường Tiểu học Hưng Bình, thành phố Vinh là một ví dụ. Lớp học của cô giáo Hồng thực chất là sân nhà rộng chưa đầy 15m2 được kê thêm chục dãy bàn ghế, một chiếc bảng, một chiếc quạt treo tường, hai chiếc đèn nê-ông treo quá cao không đảm bảo ánh sáng cho học sinh. Thế nhưng lớp học lúc nào cũng có 15-20 em. Một lớp khai giảng từ tháng 6/2012 và một lớp khai giảng từ tháng 9/2012, học phí 30.000 đồng/em/buổi, tuần 4 buổi cho cả hai lớp.

Theo Điều 6 của Thông tư 17 về tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường thì tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm phải cam kết với UBND xã, phường nơi đặt điểm dạy thêm, học thêm thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường và trách nhiệm giữ gìn an ninh, trật tư, đảm bảo vệ sinh môi trường nơi tổ chức dạy thêm, học thêm. Phải công khai giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm; thời khoá biểu dạy thêm, học thêm; mức thu tiền học thêm.

Theo lãnh đạo phường Hưng Bình, chưa có trường hợp nào trên địa bàn báo cáo với UBND phường về tổ chức dạy thêm, học thêm tại nhà.

Điều 4 của Thông tư 17 cũng quy định các trường hợp không được dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học; đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm…

Cô Hồng không chỉ là trường hợp duy nhất của Trường Tiểu học Hưng Bình tổ chức dạy thêm, học thêm tại nhà. Các giáo viên giỏi ở các trường tiểu học khác trên địa bàn như các trường tiểu học Hà Huy Tập, Lê Mao, Lê Lợi, Trường Thi, Hưng Dũng, Trung Đô cũng tổ chức dạy thêm mà không tuân thủ đầy đủ quy định theo Thông tư của Giáo dục và Đào tạo.

Một nghịch lý là kết quả số học sinh thi đỗ vào Trường THCS Đặng Thai Mai vẫn được Phòng Giáo dục và Đào tạo Tp Vinh coi là tiêu chí quan trọng để đánh giá kết quả thi đua của các trường tiểu học. Cách làm này vô tình đã gây sức ép đối với các trường tiểu học và sự kỳ vọng của cả phụ huynh lẫn học sinh.

Theo thầy Trần Thế Sơn, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, từ khi có Thông tư số 17, Phòng đã có văn bản tới các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh, nhà trường cũng đã thông báo tới các cán bộ, giáo viên của trường và cấm dạy thêm, học thêm tại nhà dưới bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, không tồn tại hiện tượng dạy thêm cả lớp; các cô giáo lách luật, dạy thêm theo nhóm và nếu ai hỏi, coi là nhận dạy kèm theo nhu cầu phụ huynh và học sinh.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Bình cho biết, nhà trường sẽ kiểm tra, nếu phát hiện ra trường hợp nào dạy thêm, học thêm tại nhà sẽ nhắc nhở và có biện pháp mạnh tay hơn đối với trường hợp cố tình chây ì, không sửa chữa như báo cáo với Phòng Giáo dục và Đào tạo để luân chuyển giáo viên ra vùng ngoại thành. Tuy nhiên, nghe thông tin thì đã nhiều nhưng muốn xử lý thì cũng phải bắt được họ, phải có chứng cứ như tài liệu soạn giáo án, vở ghi của học sinh…chứ không hề đơn giản.

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã có văn bản gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành, thị chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Thông tư 17. Đối với trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, các Phòng không được cấp phép cho giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường, các trường không được tổ chức dạy thêm các môn văn hoá trong trường (trừ trường hợp bồi dưỡng học sinh năng khiếu).

Các trường cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn quản lý chặt chẽ, chấm dứt tình trạng dạy thêm ở tiểu học. Tổ chức thanh kiểm tra, phát hiện và xử lý đúng mức những sai phạm trong dạy thêm, học thêm ở tiểu học. Trên thực tế, vẫn có nhiều điểm dạy thêm, học thêm không hợp pháp ở Nghi Lộc, Vinh, Quỳnh Lưu.

Rõ ràng, các nhà trường và giáo viên đã không chấp hành nghiêm văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo. Điều đáng tiếc là đến thời điểm này, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An vẫn chưa hoàn thành việc tham mưu cho UBND tỉnh Nghệ An ban hành quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh.



Bích Huệ

Cần chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm
Cần chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm

Ngày 5/8, tại TP Cần Thơ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức “Hội nghị Tổng kết năm học 2011 - 2012 và triển khai nhiệm vụ năm học 2012 - 2013, sơ kết phong trào thi đua Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN