Học sinh miền núi học chung với rét

Bộ GD- ĐT đã có quy định về việc cho học sinh một số tỉnh, thành được nghỉ học mỗi dịp rét đậm (dưới 100C). Tuy nhiên, các tỉnh miền núi phía Bắc có đặc thù là rét đậm, rét hại thường kéo dài, nên nếu áp dụng quy định này thì các trường không thể đảm bảo chương trình học. Tăng cường áo ấm, chăn ấm tới trường, cung cấp lò sưởi, học xuyên buổi trưa, đang là một trong những giải pháp điển hình của các địa phương này để giúp học sinh “học chung với rét”.

Thời tiết rét đậm rét hại, thậm chí có nơi đóng băng, nhưng thầy và trò ở vùng cao vẫn luôn nêu cao tinh thần: Đi học chuyên cần.

Học sinh vùng cao Y Tý (huyện Bát Xát, Lào Cai) đến lớp trong giá rét.


Một số tỉnh như: Điện Biên, Lai Châu… căn cứ vào điều kiện thời tiết để chủ động bố trí thời gian dạy và học. Ông Lê Văn Quý, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD – ĐT) Điện Biên cho biết, Điện Biên cũng như các tỉnh lân cận một ngày có tới 4 mùa, nhiệt độ xuống thấp nhất vào ban đêm, chênh lệch nhiệt độ giữa ban đêm và buổi trưa có thể lên tới hàng chục độ. Vì thế, căn cứ vào thời tiết này, ngành giáo dục điều chỉnh tiết học phù hợp cho học sinh. Học sinh có thể đi học muộn, học ca trưa để nghỉ sớm vào buổi chiều.

Ông Đỗ Văn Hán, Giám đốc Sở GD – ĐT Lai Châu cho biết, từ đầu vụ rét tới nay, Sở GD- ĐT chưa ban hành chỉ đạo nào về nghỉ rét. Học sinh ở đây học từ 8 giờ sáng tới 2 giờ chiều. Có những hôm thứ bảy, chủ nhật nhưng thời tiết ấm, thầy cô vẫn huy động học sinh ra lớp. Thời gian học như vậy là để bù cho tháng nghỉ Tết dài của các đồng bào dân tộc thiểu số. Tùy từng vùng, từng xã, ngành giáo dục có ứng phó phù hợp với phong tục tập quán, điều kiện sống để học sinh đi học chuyên cần.

Theo quy định của Bộ GD – ĐT, các tỉnh có điều kiện khó khăn, gặp thiên tai, lũ lụt, rét đậm… có thể điều chỉnh thời gian học để không bị chậm chương trình. Những giải pháp thường thấy là học sinh các khu vực này thường tựu trường, khai giảng sớm, có nơi sớm hơn hai tuần, có nơi hơn 1 tháng.

Còn những vùng gặp phải tình trạng rét đậm đến mức đóng băng thì học sinh buộc phải nghỉ học. Từ đầu đợt rét đến nay, trường học ở một số xã như: Tủa Chùa, Sín Chải, Trung Thu (tỉnh Điện Biên), học sinh phải nghỉ học. Ông Lê Văn Quý, Giám đốc Sở GD – ĐT Điện Biên cho rằng, giải pháp tốt nhất để duy trì sĩ số lớp và đảm bảo chương trình học là chăm lo về điều kiện cơ sở vật chất, chăm lo phần nào cái ăn, cái mặc cho học sinh để các em yên tâm.

Ông Đỗ Văn Hán, Giám đốc Sở GD – ĐT Lai Châu cũng cho biết, giải pháp đầu tiên và mang tính quyết định là chăm lo đời sống cho học sinh, trước hết là về cái ăn, mặc, sau đó là đến học hành. Tỉnh Lai Châu chỉ trừ thị xã là có điều kiện, còn các huyện thì đa số khó khăn. Nếu chăm lo được điều này sẽ thu hút được học sinh đến trường, gia đình yên tâm để con đi học.

“Hiện nay các chương trình mục tiêu quốc gia chưa có những hỗ trợ về vật chất vào những dịp thời tiết khắc nghiệt. Vì vậy, địa phương cũng như các phòng giáo dục huyện phải tự điều chỉnh. Cụ thể, học sinh ở Sìn Hồ đến trường chuyên cần được cũng nhờ một phần ở lớp học có máy sưởi. Còn lại những vùng khác là cung cấp áo ấm, chăn ấm cho học sinh tới lớp…”, ông Đỗ Văn Hán chia sẻ.

Ông Đỗ Mạnh Hưng, Giám đốc Sở GD – ĐT Lạng Sơn bày tỏ: “Cùng những giải pháp nhưng ứng với mỗi vùng chúng tôi lại thực hiện khác nhau. Điều kiện đồng bào còn khó khăn, khi biết trời rét đậm nhưng con mình được mặc ấm, được ăn no… khi tới trường, đa số đồng bào đều bằng lòng”.

Lê Vân

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN