Học phí các trường đại học tự chủ tài chính tăng mạnh trong năm học 2017-2018

Phải tự hạch toán, tính đúng tính đủ để lấy thu bù chi nên học phí của các trường tự chủ tài chính khá cao và sẽ tăng lên theo lộ trình hàng năm. Tùy theo ngành học, mức học phí sẽ dao động từ 15 triệu đến gần 50 triệu đồng/năm/sinh viên.

Mới đây, trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP Hồ Chí Minh đã công bố mức học phí dự kiến cho năm học 2017-2018, trong đó chia làm 2 giai đoạn và mức thu cao nhất của trường có thể lên đến 4,4 triệu đồng/tháng. Thông báo trên đã khiến cho không ít thí sinh đã đăng ký nguyện vọng 1 vào trường tỏ ra khá hoang mang.


Theo đó, ở giai đoạn 1, mức thu học phí từ tháng 9/2017 đến hết tháng 12/2017 áp dụng cho tất cả các đối tượng sinh viên có hộ khẩu tại TP Hồ Chí Minh là 1,07 triệu đồng/tháng; sinh viên không có hộ khẩu tại TP Hồ Chí Minh mức học phí là 2,2 triệu đồng/tháng (vì các sinh viên này không được ngân sách TP Hồ Chí Minh cấp bù kinh phí đào tạo). 


Ở giai đoạn 2, từ tháng 1/2018, sau khi trường được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt đề án tự chủ tài chánh theo nhóm tự chủ tài chính toàn phần, dự kiến mức thu học phí khoảng từ 2,5 triệu đồng đến 4,4 triệu đồng/tháng tùy thuộc vào từng ngành. Như vậy, so với mức học phí đang được TP Hồ Chí Minh cấp bù kinh phí đào tạo hiện nay (khoảng 9 triệu đồng/năm), mức này tăng lên từ 2,7 đến 4,8 lần, tùy ngành.


Trong khi đó, trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh dự kiến trong năm 2017-2018 học phí chỉ khoảng 10,8 triệu đồng/năm đối với sinh viên học hệ chính quy. Đối với các trường ngoài công lập, học phí cho ngành dược khá cao, cùng nằm ở mức khoảng 40 triệu đồng/năm. Chẳng hạn, mức học phí dự kiến của trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ đào tạo ngành dược trong năm học 2017-2018 từ 38 - 42 triệu đồng/năm và chương trình này học trong thời gian 5 năm; trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng có mức học phí đào tạo ngành dược dự kiến là 34,5 triệu đồng/năm, còn học ngành điều dưỡng có mức học phí 31 triệu đồng/năm...

Học phí của các trường đại học tự chủ tài chính dự kiến sẽ tăng theo từng năm.

Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh là một trong những trường ĐH tự chủ tài chính đã được Chính phủ phê duyệt. Hiện mức học phí của trường vẫn được tính theo số lượng tín chỉ sinh viên đăng ký mỗi học kỳ, tương đương khoảng 17,5 triệu đồng/năm đối với hệ đại trà và khoảng 30 - 40 triệu đồng/năm đối với hệ chương trình học chất lượng cao. Riêng với các chuyên ngành Toán tài chính, Thống kê kinh doanh thì mức học phí bằng một nửa mức học phí trên, tức khoảng 9 triệu đồng/năm. Mức học phí hệ đại trà của trường dự kiến từ năm 2017 - 2021 từ 17, 5 triệu đồng đến 20,5 triệu đồng/năm.


Tương tự, trường ĐH Tài chính Marketing cũng là trường hoạt động theo mô hình tự chủ tài chính và mức học phí của trường cũng thuộc phân khúc trung bình khá. Tùy vào số lượng tín chỉ đăng ký mỗi kỳ, mức học phí có thể sẽ khác nhau. Mức học phí của trường được chia ra làm ba phân khúc, gồm hệ đại trà, chất lượng cao và chương trình quốc tế. Nếu như trong năm học 2016 - 2017, học phí hệ đại trà tại trường là 16,5 triệu đồng/năm thì trong năm 2017 - 2018 sẽ tăng lên 1 triệu đồng (17,5 triệu đồng/năm), chương trình chất lượng cao có học phí 36,3 triệu đồng/năm và 55 triệu đồng/năm đối với chương trình quốc tế.


Trường ĐH Tôn Đức Thắng là một trong những trường hàng năm có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường khá cao, bởi trường được biết đến là trường có cơ sở vật chất tốt và chất lượng đào tạo cũng được đánh giá cao. Đây cũng là một trong những trường đại học tại TP Hồ Chí Minh thực hiện tự chủ tài chính từ rất sớm, do vậy mức học phí của trường cũng được tính toán để phù hợp với mức đầu tư của trường.


Theo đó, thông báo mới nhất về mức học phí của trường ĐH Tôn Đức Thắng trong năm học 2017 - 2018 cho các nhóm ngành Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc, Luật, Xã hội học, Công tác xã hội, Việt Nam học, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Tài chính ngân hàng, Quan hệ lao động, Quản lý thể thao, Toán ứng dụng, thống kê là 17,5 triệu đồng/năm; ở nhóm ngành Kỹ thuật điện – điện tử, Kỹ thuật điện tử truyền thông, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Khoa học máy tính, Kỹ thuật phần mềm, Truyền thông và mạng máy tính... học phí là 20,5 triệu đồng/năm; riêng ngành Dược học phí là 19 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, đối với chương trình chất lượng cao, học phí của các ngành cao gấp đôi, dao động từ 35 - 45 triệu đồng/năm.


Hiện nay, mức học phí tại một số trường chưa thuộc diện tự chủ tài chính như trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh có mức học phí chỉ nằm ở mức 6 -7 triệu đồng/năm, hay như trường ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh học phí có nhỉnh hơn nhưng cũng chỉ ở mức dưới 10 triệu đồng/năm.


Đan Phương/Báo Tin Tức
Hàng trăm thí sinh được tuyển thẳng vào đại học
Hàng trăm thí sinh được tuyển thẳng vào đại học

Sáng 21/7, hàng loạt trường đại học công bố danh sách thí sinh được tuyển thẳng: Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ĐH Y khoa- ĐH Thái nguyên, Học viện Khoa học Quân sự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN