Hà Nội không cho phép dạy thêm ở bậc tiểu học

Học sinh tiểu học không cần phải học thêm - đó là ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý và của các nhà giáo khi góp ý kiến cho Quy định về dạy thêm học thêm trên địa bàn Hà Nội.

Bởi ở cấp học này hiện nay trên địa bàn Hà Nội đã được học cả ngày ở trường, tương đương 7 tiết các môn văn hóa. Đây là thời lượng đủ để hoàn thành chương trình học được thiết kế cho học sinh cả nước, trong khi hầu hết học sinh cả nước chỉ được học một buổi. Vì vậy, việc xóa bỏ hoàn toàn dạy thêm, học thêm ở bậc học này là cần thiết nhằm giảm những áp lực không đáng có, tạo điều kiện cho các em phát triển toàn diện.

Việc xóa bỏ hoàn toàn dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học là cần thiết nhằm giảm những áp lực không đáng có đối với các em học sinh. Ảnh: nld.com.vn



Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: Trong dự thảo tới đây Hà Nội dự kiến ban hành thì sẽ không cho phép dạy thêm, học thêm ở cấp tiểu học (cả trong và ngoài nhà trường) nên không hướng dẫn các nội dung liên quan cũng như chỉ đạo không cấp phép cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào dạy thêm học sinh tiểu học. Để hạn chế tình trạng mập mờ, lợi dụng việc tổ chức các hoạt động trong trường để dạy thêm, học thêm, các mô hình như trông giữ trẻ, bồi dưỡng về nghệ thuật, TDTT, rèn luyện kỹ năng sống, dạy 2 buổi/ 1 ngày ngoài nhà trường ở những nơi không đủ điều kiện cơ sở vật chất nhưng phụ huynh lại có nhu cầu thì bắt buộc phải có đề án và trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt và chịu sự giám sát chặt chẽ.

Đối với các cấp học khác, dự thảo quy định không dạy thêm với những học sinh đã được học 2 buổi/ 1 ngày. Trước nhu cầu chính đáng thì quy định cấm này học sinh muốn học thêm vẫn có thể tham gia học bằng cách tự tay làm đơn và cha mẹ (hoặc người giám hộ) phải ký tên và cam kết thực hiện những nội dung do trường quy định. Các giáo viên có nguyện vọng dạy thêm phải có đơn đăng ký dạy thêm; trong đơn có cam kết với nhà trường về việc hoàn thành tốt tất cả các nhiệm vụ của giáo viên theo quy định chung và các nhiệm vụ khác do nhà trường phân công, đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Để tránh những việc tự nguyện học thêm nhưng thực tế là ép buộc học sinh học chính khóa phải theo học ngoài giờ, dự thảo cũng quy định những giáo viên thuộc các cơ sở giáo dục đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được đứng ra tổ chức hoặc tham gia tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường. Giáo viên không dạy thêm cho học sinh đang theo học lớp chính khóa…

Thực tế đối với học sinh cuối cấp việc học thêm là nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của cả học sinh và nhà trường nhằm nâng cao tỉ lệ học sinh vượt qua kì thi tốt nghiệp, thi đỗ vào các trường phổ thông, đại học. Do vậy, nhiều trường tổ chức dạy tăng tiết, dạy phụ đạo dưới hình thức đều là tự nguyện, không ép buộc. Học sinh cuối cấp sau giờ học tăng tiết ở trường lại tự nguyện tìm đến chỗ các thầy cô dạy thêm để luyện thi. Mặt khác, giáo viên trường công lập phải dạy thêm cũng là để cải thiện thu nhập.

Dạy thêm, học thêm thực sự là nhu cầu từ cả giáo viên và học sinh cũng như phụ huynh học sinh. Để đưa hoạt động dạy thêm, học thêm đi đúng hướng, cần phải giải quyết đồng bộ công tác đổi mới cách thi cử, giảm tải chương trình học và nâng cao thu nhập cho giáo viên. Quy chế quy định dạy thêm, học thêm Sở GD&ĐT Hà Nội đang xây dựng sẽ giúp cho việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao chất lượng công tác dạy thêm, học thêm. Công tác quản lý dạy thêm, học thêm thực sự cần có sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành để các quy chế sớm đi vào thực tiễn.


P.A
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN