Giữ hay bỏ điểm sàn?

Mới đây, một số trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) ngoài công lập đã đề xuất chỉ coi điểm sàn là một căn cứ để xét tuyển ĐH, CĐ đồng thời xét thêm các tiêu chí khác để tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập tuyển sinh. Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD - ĐT) đang xem xét, nghiên cứu đề xuất này; tuy nhiên, trong mùa tuyển sinh năm nay, nhiều khả năng Bộ sẽ chưa đưa ra một phương án tuyển sinh nào mới.

 

Kiến nghị được tự chủ tuyển sinh


Trong buổi họp của Ban Thường vụ Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (gọi tắt là Hiệp hội) mới đây, Ban lãnh đạo Hiệp hội đã kiến nghị lên Bộ GD-ĐT để tất cả các trường ngoài công lập (NCL) được tự chủ tuyển sinh vào đợt tuyển sinh sắp tới, không dựa vào kỳ thi ĐH, CĐ “3 chung” và điểm sàn của Bộ GD- ĐT. Trước đó, 4 trường ĐH thuộc Hiệp hội và 1 trường NCL khác đã gửi đề án tuyển sinh riêng lên Bộ GD-ĐT.
Trong những năm qua, việc tuyển sinh của một số trường ĐH, CĐ NCL gặp nhiều khó khăn khiến một số ngành phải tạm dừng vì không tuyển được sinh viên. Ông Phan Quang Trung (Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội) khẳng định: “Nếu tình hình không được cải thiện thì trong vài năm nữa sẽ có một số trường phải đóng cửa”.


 

GS Trần Phương phân tích những bất cập của việc tuyển sinh theo phương án “ba chung”.

 

GS Trần Phương (Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ) cho rằng: “Cái khó nhất của các trường NCL chính là tuyển sinh. Trước đây, Bộ GD-ĐT đặt ra tiêu chí: Số lượng sinh viên các trường NCL chiếm 40% tổng số sinh viên, nhưng 10 năm nay, con số này chỉ ở mức 15%”. GS Phương khẳng định: “Điểm sàn tạo nên sự bất bình đẳng giữa các trường công lập và NCL, giữa miền núi và đồng bằng. Vì điểm sàn, mỗi năm chúng ta đã đẩy hàng ngàn học sinh ra nước ngoài du học, dẫn đến tình trạng chảy máu ngoại tệ nặng nề”.


Nếu bỏ phương án điểm sàn truyền thống thì cần có một phương án tuyển sinh khác thay thế. Tuy nhiên, các chuyên gia lại có những ý kiến khác nhau về vấn đề này. GS Trần Phương đề nghị: “Năm nay, nếu vẫn thi ba chung, vẫn có điểm sàn thì nên coi đó chỉ là một căn cứ (20%) để tuyển sinh. Còn kết quả thi tốt nghiệp phổ thông (30%), học bạ 3 năm học (30%), xét thêm các tiêu chí khác (20%). Nếu làm theo cách này sẽ không trường nào thiếu sinh viên”, ông Phương nói.


Theo PGS.TS Bùi Thiện Dụ (Hiệu trưởng ĐH Phương Đông), “ba chung” có đóng góp trong một giai đoạn nhất định, nay hoàn cảnh đã khác, có thể kết thúc phương án “ba chung”. Bộ GD-ĐT nên dồn “ba chung” vào “một chung” là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Còn theo GS.TS Trần Hữu Nghị (Hiệu trưởng ĐH dân lập Hải Phòng), Bộ GD-ĐT nên chuyển sang tuyển sinh đa tiêu chí, bỏ điểm sàn, bỏ “ba chung” và chỉ cần phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, một số trường ĐH, CĐ NCL còn kiến nghị tổ chức thi tốt nghiệp 8 môn: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử và Ngoại ngữ để làm tiêu chí xét tuyển ĐH, CĐ.

 

Tất cả còn phải... chờ


Hiện nay, 10 trường có đề án tự chủ tuyển sinh, trong đó 5 trường đã trình đề án lên Bộ GD - ĐT. GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội cho biết: “Hiệp hội sẽ kiên trì kiến nghị lên Bộ và Chính phủ cho các cơ sở giáo dục ĐH NCL được tự chủ tuyển sinh ngay trong năm nay”.

Theo GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội, hiện một số quy định chưa hợp lý đang “làm khó” các trường NCL như tỉ lệ giảng viên/sinh viên phải tính đối với giảng viên cơ hữu; quy định tuyển sinh mỗi năm phải được 200 sinh viên trở lên, ổn định trong 3 năm mới cho phép tiếp tục đào tạo... “Một số trường vội vàng tuyển giảng viên mới ra trường thay vì thuê các giảng viên trình độ cao về giảng dạy. Điều quan trọng theo tôi là chất lượng đội ngũ giảng viên chứ không phải là thỉnh giảng hay cơ hữu. Hơn nữa, quy định trường nào cũng phải tuyển từ 200 sinh viên trở lên sẽ khiến một số trường bị xóa sổ. Quy định này là phi thực tế”, ông Quân cho hay.
GS Quân cho biết thêm, chúng ta có rất nhiều loại trường, mỗi trường có mục tiêu, nhiệm vụ riêng, không thể cào bằng theo cách tuyển sinh “ba chung”. Vì vậy, cần xây dựng giải pháp tuyển sinh đa tiêu chí nhưng không phải là tiêu chí giống hệt nhau mà phù hợp với từng môn học, từng ngành trường. Để làm được điều đó, Bộ phải giao cho từng trường, chứ Bộ không thể bao quát hết.


Luật Giáo dục ĐH đã có hiệu lực từ tháng 1/2013, quy định các cơ sở đào tạo ĐH được tự chủ các phương thức tuyển sinh thi tuyển, xét tuyển... Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên các trường ĐH, CĐ NCL vẫn như “ngồi trên đống lửa”. Hiện, Bộ chưa có câu trả lời chính thức về phương án tuyển sinh riêng mà một số trường thuộc Hiệp hội đề xuất.



Bài và ảnh: Hoàng Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN