Gieo chữ trên đất Mù Cả

Người cần việc làm, người thích trải nghiệm, họ gặp nhau chung một điểm đến là đất Mù Cả để dạy chữ. Đặt chân lên vùng khó này, giao thông cách trở, trường lớp tạm bợ, ai cũng chùn bước, muốn bỏ về. Nhưng rồi, nhìn học trò ngây thơ, nghèo đói, họ lại mủi lòng ở lại và gắn bó với mảnh đất này.


Ông Toán Má Tơ, Bí thư Đảng ủy xã Mù Cả, cho biết: “Nghe đến Mù Cả mọi người đều nghĩ là khó khăn lắm, người dân nghèo đói và mù chữ, vì ở đây cách thành phố Lai Châu gần 300 km. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người dân, nhất là đội ngũ giáo viên mang cái chữ về bản, thì giờ đây Mù Cả đã sáng lên rồi”.

Đường cô giáo Gương

Đêm Mù Cả, biên cương đông lạnh, sương mù bao phủ. Ngồi bên mâm cơm, chúng tôi chúc nhau chén rượu, rồi bắt tay đại đoàn kết. Nghe các thầy cô giáo kể về công việc dạy chữ, dồn hết thảy tình yêu thương để chăm sóc học trò, tôi thấy trong lòng ấm áp.

Các em học sinh tới trường được thầy cô giáo yêu thương chăm sóc như con.

Học trung cấp mầm non ra trường, cô giáo Trần Thị Gương ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội) dạy hợp đồng 4 năm ở quê, không vào được biên chế. Xem ti vi thấy tỉnh Lai Châu đăng thông báo cần tuyển giáo viên, Gương làm hồ sơ gửi bưu điện để xét tuyển. Nhận được thông báo trúng tuyển, bố mẹ không cho đi, vì sợ thân gái dặm trường, không người thân. Thuyết phục mãi, bố mẹ mới đồng ý và nói con đi lên đó, khó khăn thì về. Bắt xe khách lên Lai Châu, tiếp tục bắt xe đi vào trung tâm huyện Mường Tè, rồi đi xuồng ngược sông Đà lên, đến Pắc Ma thì leo núi theo đường dân sinh hơn 20 km để vào xã Mù Cả.

Nhớ lại ngày đầu lên Mù Cả, cô giáo Gương tâm sự: “Vào đến trường, thấy trường lớp tềnh toàng, tạm bợ, tôi muốn bỏ về. Nhưng anh chị giáo viên động viên, học trò quấn quít cô giáo và phụ huynh mang mớ rau, bó củi cho, thấy tình cảm, nên cố gắng ở lại. 10 năm rồi, tôi xem mảnh đất này như quê hương thứ hai, đùm bọc các em học sinh như con mình”.

Nhờ tâm sức của đội ngũ giáo viên nên chất lượng giáo dục ở xã Mù Cả có sự chuyển biến tích cực.

Sau một tuần nhận công tác, cô giáo Gương được Ban giám hiệu trường phân công cắm bản Gò Cứ, cách trung tâm xã 8 giờ đi bộ xuyên rừng, lội suối. Chưa biết đường, Gương nghĩ đi đến đâu thì hỏi dân bản ắt sẽ vào tới nơi. Nhưng cô không hiểu được, người dân ở đây hầu như mù chữ, không biết nói tiếng phổ thông, nên chỉ trả lời “mà sì nha - không biết”. Đi mãi vẫn chưa thấy bản Gò Cứ, đêm khuya vẫn lạc trong rừng sâu gần sang bia kia biên giới. Ngồi nghỉ bên suối, nhóm củi đốt lửa sưởi ấm một lúc rồi men theo lối cũ để quay ra, 3 giờ sáng mới về lại được trung tâm xã. Từ đó, chính quyền xã và dân bản quen gọi đường này là đường cô giáo Gương.

“Lúc ấy một mình tôi rất sợ, nhưng khi người ta không có gì để bấu víu, dựa dẫm thì sẽ mạnh mẽ”, cô Gương nhớ lại.

Không nghĩ riêng cho mình

Hôm sau, trở vào bản, cô giáo Gương thấy lớp học làm bằng gianh, nứa giột nát tạm bợ thì ứa nước mắt. Người dân, học sinh thấy cô giáo vào thì quý lắm, người mang ít gạo, người mang củ sắn, nải chuối chín đến cho. Thấy thế, Gương cũng không đành ra về được. Gương nghĩ, mình quay ra, thì một nữ giáo viên khác cũng sẽ phải vào thay thế thì có khác đâu. Các thầy giáo dạy điểm trường tiểu học thương, nên động viên ở lại, cái gì cũng dành phần hơn cho, vậy là Gương ở lại.

Trăn trở trước lớp học tạm, cô giáo Gương đã nảy mấy câu thơ:

Đơn sơ vậy cũng là lớp học
Mái lều nghiêng vì cột đã mục rồi
Ai cũng bảo rừng già lắm gỗ
Để cô trò ngồi liếp nứa đan
Ấy thế mà bao ánh mắt ngây thơ
Miệng cong tròn nhìn cô âu yếm…

Ở Gò Cứ được một năm, Ban giám hiệu trường quyết định rút cô giáo Gương ra trung tâm, nhưng dân bản viết đơn lên xã và đến gặp trực tiếp hiệu trưởng đề nghị, để cô giáo ở lại dạy chữ cho con em mình. Ở đây, không có gì quý bằng tình cảm, giáo viên và học sinh, dân bản đùm bọc và san sẻ khó khăn để sống. Mỗi lần về quê, mua nhiều thuốc chữa bệnh lên để sẵn, người nào trong bản bị cảm cúm, bệnh thông thường thì lấy cho. Thầy cô giáo ốm, dân bản cắt cử người đến nấu cháo và chăm sóc… Giáo viên trong bản Gò Cứ, một tháng ra điểm trường trung tâm họp một lần, tiện mua luôn gạo, trứng và cá khô, mì tôm vào ăn. Dân bản hái măng, rau rừng và săn được thú rừng đều mang cho thầy cô giáo. Để làm quen với phong tục, tiếng dân tộc Hà Nhì, người nào cũng dành riêng một quyển sổ để ghi chép và học. “Sống lâu, sinh quen và trở thành người dân bản lúc nào không ai hay nữa”, cô giáo Gương tâm sự.

Sau 9 năm dạy ở điểm bản, Gương đã được điều về điểm trường trung tâm làm chủ tịch công đoàn Trường Mầm non xã Mù Cả, nhưng cô không thể quên được khoảng thời gian ở Gò Cứ. Kỷ niệm ở Gò Cứ thì nhiều, buồn có, vui có, nhưng hằn sâu trong lòng, vì lời nói dối. “Có lần, cụ trưởng bản đến, thấy tôi đang đắp chăn nằm thì hỏi con ăn cơm chưa? Tôi đùa vui, nói con hết gạo rồi nên nhịn. Ông không nói gì, liền quay về. Một lúc sau, cụ mang lên rá cơm và một túi gạo nhỏ, rồi nói con ăn cơm đi kẻo đói, còn gạo để hôm sau nấu. Mắt tôi cay xè. Ông cụ đã mất rồi, nhưng tôi không thể quên được…”, cô giáo Gương kể.

Cầm tấm hình cậu con trai, Gương rơm rớm nước mắt. Vợ chồng không sống được với nhau, cô nhận nuôi con và gửi ông bà ngoại ở Hà Nội. Nói đến sự vất vả và cống hiến của giáo viên nơi đây, cô giáo Gương trải lòng: “Nói đến giáo viên vùng cao biên giới, thì không thể kể hết sự gian nan, vất vả và sự thiệt thòi, trèo đèo lội suối để dạy chữ, vì sự học vùng cao nên gắn bó lâu dài, chứ nghĩ đến vật chất thì không thể sống được”. Theo lời cô giáo Gương, nhiều trường hợp ở Mù Cả, thầy, cô giáo có vợ hoặc chồng tận dưới xuôi, một năm được gặp nhau 2 lần, nhưng mọi người ai cũng vui vẻ, lạc quan để yêu nghề, yêu trẻ. Cô giáo Nguyễn Thị Nga, hiệu phó trường mầm non vì lên đây công tác mà chồng bỏ, một tay chăm sóc cô con gái 2 tuổi, nhưng quyết sống chết với nghề đã chọn.

Chiều ở Mù Cả, ánh nắng tắt sớm, sương ôm đỉnh núi. Tan giờ học, về phòng cất giáo án, các thầy cô giáo cùng học sinh lấy nước tưới và chăm sóc vườn rau xanh. Trên sân trường, thầy cô đánh cầu lông, học sinh vây quanh reo hò cổ vũ sôi động.
Bài và ảnh: Việt Hoàng
Gieo chữ, gieo tình người
Gieo chữ, gieo tình người

Gắn bó trọn vẹn tuổi thanh xuân với những học trò người Mông vùng núi đá tới 19 năm, cô giáo Nguyễn Thị Thêu (Trường Tiểu học Phố Cáo, huyện Đồng Văn, Hà Giang) là một tấm gương tiêu biểu cho lòng quả cảm, tình yêu nghề và tình người dành cho những học trò người Mông.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN