Giáo dục đạo đức, lối sống kém hiệu quả

Những vụ việc học sinh đánh nhau, trò cãi thầy, thậm chí hành hung thầy giáo... liên tiếp xảy ra thời gian gần đây đã phản ánh phần nào sự xuống cấp về đạo đức, lối sống trong học sinh, sinh viên.


Bất cập trong giảng dạy


“Trong 22 triệu học sinh, sinh viên (HS,SV), số em có đạo đức lối sống không tốt chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ nhưng số lượng tuyệt đối thì lại không nhỏ. Những hậu quả từ sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của HS, SV đang gây bao nỗi băn khoăn, lo lắng cho xã hội”, TS Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đào tạo và Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết tại hội thảo về công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, SV do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) tổ chức ngày 11/4, tại Hà Nội.


Chỉ ra nguyên nhân của vấn đề, TS Nguyễn Đắc Hưng cho rằng: “Giáo dục đạo đức, lối sống trong nhà trường hiện nay kém hiệu quả. Nhà trường chú trọng truyền đạt kiến thức hơn là giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, SV. Giáo dục hiện nay đang nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người”.

Tổng hợp xếp loại hạnh kiểm học sinh từ 25 tỉnh, thành phố của Văn phòng Chủ tịch nước cho thấy có sự suy giảm về đạo đức trong học sinh phổ thông theo thời gian, cấp học. Cụ thể: Ở bậc THCS tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt đạt 70,7% nhưng lên THPT giảm xuống 65,6%; Tỷ lệ học sinh xếp loại khá bậc THCS 23,5%, THPT: 24,9%; Trung bình: THCS là 5%, THPT: 5,58%; Yếu: THCS là 0,69%, THPT: 3,8%.


Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Trần Quang Quý cũng cho rằng: “Những vụ việc, hành vi không đẹp của HS, SV xảy ra thời gian vừa qua rất đáng buồn. Không phủ nhận việc dạy giáo dục công nhân (GDCD) trong nhà trường có vấn đề, một số bài không phù hợp với lứa tuổi. Tuy nhiên, giáo dục đạo đức cho HS, SV cũng là trách nhiệm của gia đình và xã hội”.


Theo một khảo sát của Văn phòng Chủ tịch nước tại 7 tỉnh, thành phố (Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Ninh Bình) cho thấy, 39% giáo viên coi GDCD là môn phụ, 52% cho rằng môn này chưa được quan tâm đúng mức, 47% cho rằng trình độ, chất lượng đội ngũ giáo viên dạy môn học này hiện chưa đảm bảo... Đặc biệt, đa số ý kiến đều cho rằng giáo trình, chương trình, sách giáo khoa môn đạo đức, GDCD ở cả 3 cấp đều “đơn điệu”, sách giáo khoa chỉ in đen trắng, ít tranh ảnh minh họa (sách lớp 8 không có hình ảnh). Từ năm 2002 đến nay, nội dung chương trình không có gì thay đổi, không cập nhật thực tiễn.


TS Chu Văn Yêm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh: “Cá biệt, vì không có giáo viên đúng chuyên môn nên có trường ở Hà Tĩnh còn bố trí cả giáo viên toán, lí, hóa, ngoại ngữ... dạy môn GDCD, coi đây như một nghĩa vụ “quay vòng” đối với tất cả giáo viên trong trường”.


Cần chú trọng môn giáo dục công dân


TS Chu Văn Yêm đề xuất “Cần thống nhất nhận thức coi môn đạo đức, GDCD là môn học đặc thù, quan trọng bởi môn học này góp phần đặc biệt trong giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ. Từ đó, có chính sách phù hợp dành cho môn GDCD cũng như hỗ trợ đời sống giáo viên dạy môn học này”.


“Ngoài ra, cần nghiên cứu đổi mới nội dung và hình thức sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy môn GDCD cho phù hợp với thực tiễn và tâm lý từng lứa tuổi, từng cấp học; tăng thời lượng môn học một cách hợp lý (thông qua hoạt động ngoại khóa, hoạt động từ thiện, xã hội, áp dụng mô hình tư vấn tâm lý học đường...). Đặc biệt, chú trọng bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ giáo viên, nhất là kỹ năng giảng dạy, tổ chức hoạt động thực hành đạo đức và kiến thức pháp luật. Cần coi trọng việc nêu gương người tốt, việc tốt...”.


Bên cạnh những vấn đề cần đổi mới trong dạy chữ, dạy người, nhiều chuyên gia giáo dục khẳng định, gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc định hình hành vi, đạo đức của con trẻ. TS Nguyễn Đắc Hưng nhấn mạnh: “Trẻ em hư hỏng, trách nhiệm trước hết thuộc về gia đình, nhất là các bậc cha mẹ. Bởi vì, mọi hành vi, cử chỉ, thái độ tình cảm của những người thân xung quanh, nhất là cha mẹ đều tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến sự hình thành nhân cách của trẻ từ lúc mới sinh ra cho tới khi trưởng thành”.


Để nâng cao khả năng tự nhận thức, tự giáo dục rèn luyện của thế hệ trẻ, kịp thời phát hiện và điều chỉnh những hành vi lệch lạc về đạo đức, lối sống trong HS, SV, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Trần Quang Quý cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ gắn chương trình học GDCD với thực tế, tránh những bài giảng sáo rỗng. Đồng thời, tăng cường hoạt động ngoại khóa, giáo dục về truyền thống, lịch sử cho HS, SV qua những đợt thăm quan hơn là để các em ngồi nghe giảng trên lớp. Bên cạnh đó, những bài học trừu tượng cũng được loại bỏ khỏi chương trình. Đặc biệt, ngành GD - ĐT sẽ tiếp tục tăng cường bồi dưỡng đội ngũ thầy cô dạy môn GDCD, đây là phải là những người có kinh nghiệm trong cuộc sống, nắm bắt được tâm lý của lứa tuổi HS, SV”.


Lê Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN