Giải trình “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non và bảo đảm chất lượng giáo dục phổ thông”

Ngày 25/12, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non và bảo đảm chất lượng giáo dục phổ thông. Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng dự.

 

Phát triển đội ngũ giáo viên mầm non

 

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Vũ Luận, đội ngũ giáo viên mầm non đã phát triển về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng. Toàn ngành hiện có trên 345.500 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. Tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên đạt 96,2%. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên mầm non còn thiếu nhiều, chưa đáp ứng yêu cầu tăng số trẻ ra lớp.


Chất vấn tại phiên giải trình, nhiều đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết các giải pháp nhằm đảm bảo số lượng và tăng cường chất lượng giáo viên mầm non. Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, những năm gần đây, Chính phủ đã rất coi trọng giáo dục mầm non nhưng bước đầu mới chỉ giải quyết được cho mầm non 5 tuổi. Đối với các khu vực khó khăn, Chính phủ có chủ trương chuyển các trường ngoài công lập vào công lập dù trong tình hình chung, đây là việc không đơn giản, phải làm từng bước do nguồn lực không cho phép. Đối với đội ngũ giáo viên mầm non hiện làm việc ngoài công lập chưa vào được công lập ngay theo lộ trình, Bộ đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố vận dụng trong điều kiện ngân sách có thể để hỗ trợ cho họ được hưởng các chính sách như giáo viên mầm non công lập.


Lãnh đạo Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính cũng đã giải trình thêm những vấn đề về biên chế; đảm bảo kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non...

 

Đổi mới việc dạy và học phổ thông


Đối với giáo dục phổ thông, theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, chất lượng giáo dục đại trà đã có những chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục “vùng trũng” được nâng lên, chất lượng giáo dục “đỉnh cao” có những khởi sắc và tiếp tục được khẳng định bằng những thành quả đáng trân trọng. Mặc dù vậy, chất lượng, hiệu quả của công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chưa như mong muốn, còn những bất cập.


Đại biểu Huỳnh Thành Đạt (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, bên cạnh những ưu điểm đáng kể, cần nghiên cứu, sửa đổi trong chương trình sách giáo khoa nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu giáo dục toàn diện, tránh xa rời thực tế, mang nặng tính chất hàn lâm, gây khó khăn cho giáo viên và sự tiếp thu của học sinh. Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, một trong những nguyên nhân là “chúng ta chưa thay đổi phương pháp dạy, phương pháp học và phương pháp thi nên SGK vẫn là truyền thụ kiến thức và yêu cầu học sinh nhắc lại kiến thức đó còn khả năng ứng dụng, vận dụng ít”.


Trả lời câu hỏi của các đại biểu về giải pháp khắc phục tình trạng học lệch ở bậc phổ thông, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Từ năm 2015, sẽ thực hiện tích hợp nhiều hơn để giảm dần các môn, giảm dần kiến thức hàn lâm, sách vở, đưa các kiến thức gần với cuộc sống, kỹ năng cần có của học sinh vào chương trình giảng dạy. Đồng thời, thay đổi cách thi và kiểm tra. Việc ra đề thi tuyển sinh sẽ hướng tới yêu cầu tổng hợp, phát huy vốn sống, gần với cuộc sống xã hội, suy nghĩ nhận thức của học sinh hơn. Để giải quyết việc này một cách căn bản, theo Bộ trưởng, phải tính toán đến việc đổi mới việc dạy và học từ thiết kế mục tiêu, chương trình đến SGK, cách thi cử, đánh giá.


Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đã trả lời nhiều câu hỏi của các đại biểu về các vấn đề: Chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc miền núi; thanh tra việc dạy thêm học thêm; nhà trẻ cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi; xã hội hóa giáo dục mầm non; chất lượng đào tạo ở các trường sư phạm; đẩy mạnh phân luồng...


Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, qua giải trình, có thể thấy, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục mầm non và đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông đã cơ bản đáp ứng các yêu cầu đặt ra của thực tiễn; đã quan tâm chăm lo sự nghiệp giáo dục toàn diện cho học sinh, kể cả về kiến thức văn hóa và hình thành nhân cách. Đồng thời, làm rõ những mặt tích cực, hạn chế cũng như trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành liên quan, các địa phương trong triển khai thực hiện.


Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Cần tiếp tục xây dựng văn bản pháp quy liên quan đến giáo dục phổ thông và chương trình sách giáo khoa; đổi mới công tác quản lý trong bậc học phổ thông; tăng cường công tác kiểm tra, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Đặc biệt, quan tâm các vùng khó khăn; đảm bảo chất lượng chung nhưng có đặc thù, không cào bằng; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm định chất lượng; phối hợp triển khai giữa Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành liên quan và các địa phương.


Thanh Hòa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN