Chủ động các phương án dự phòng
Cả nước đang chuẩn bị các phương án tốt nhất để đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc, nhất là chuẩn bị cơ sở vật chất ứng phó với mưa, bão tại các địa phương có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến kỳ thi.
Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Đắk Lắk cho biết: Sở tích cực chỉ đạo các nhà trường trong dạy học, không cắt xén chương trình, vừa dạy trực tiếp và trực tuyến hệ thống kiến thức cho các em. Sở đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh sẵn sàng bố trí các điểm thi dự phòng, huy động lực lượng chuyên trách kịp thời hỗ trợ ở những khu vực nguy hiểm, dễ xảy ra lũ quét, đảm bảo cho các em học sinh đến điểm thi an toàn.
“Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có nhiều điểm mới, do đó, Sở đã tập huấn, hướng dẫn cho các cán bộ coi thi nghiêm túc, ứng phó trước các tình huống xấu có thể xảy ra để có hướng giải quyết và xử lý kịp thời”, Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk chia sẻ.
Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Thành phố xác định việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Bởi vậy, công tác chuẩn bị cho kỳ thi này đang được tích cực triển khai. Thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo kỳ thi, xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức kỳ thi, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ đơn vị chủ trì, phối hợp, rõ tiến độ thời gian…
TP Hà Nội cũng sẽ triển khai tập huấn tới tất cả cán bộ, giáo viên trong ngành và phổ biến quy chế thi tốt nghiệp THPT cho tất cả học sinh lớp 12, để đảm bảo các em nắm vững nội dung, chấp hành nghiêm túc quy chế...
Phân quyền thanh tra
Năm nay, Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương, nên công tác thanh tra, kiểm tra cũng thay đổi, sẽ có thêm lực lượng thanh tra cấp tỉnh, thành phố tham gia thanh kiểm tra.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có cả 3 cấp bộ, tỉnh, sở tham gia và thực hiện nhiệm vụ ở tất cả các khâu của kỳ thi.
“Năm 2020, dù không được huy động trực tiếp coi thi, chấm thi, nhưng cán bộ, giảng viên các trường đại học sẽ có mặt trong các đoàn thanh tra, kiểm tra ở tất cả các khâu: Chuẩn bị kỳ thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, chấm thi phúc khảo. Phải phân rõ nhiệm vụ, thẩm quyền, mục tiêu, phương pháp, trách nhiệm của từng cấp thanh tra. Mọi công đoạn của công tác thi đều phải được thanh tra, kiểm tra với yêu cầu rõ nhất, không có khoảng trống, không có điểm mờ. Cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra phải được sàng lọc, lựa chọn kỹ lưỡng, có chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.
Trước những băn khoăn của địa phương về kỳ thi, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị các địa phương quan tâm, chỉ đạo sát sao việc chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi. Riêng địa bàn các tỉnh miền núi hay xảy ra mưa lũ cần có phương án dự phòng để bảo đảm an toàn cho điểm thi, hỗ trợ thí sinh đến dự thi kịp thời.
“Tới đây, Thanh tra Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi của các địa phương. Tôi đề nghị lực lượng thanh tra khi triển khai hoạt động này có kết luận để những nơi chưa làm tròn trách nhiệm khắc phục kịp thời”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu.