Ý kiến cử tri:

Đổi mới chương trình, SGK là cần thiết, nhưng phải có lộ trình cụ thể

Sáng 20/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.Theo dõi phiên họp qua sóng phát thanh và truyền hình trực tiếp, cử tri tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Thừa – Thiên Huế đã có nhiều ý kiến về Đề án.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng Nguyễn Xuân Trường phát biểu ý kiến. Ảnh: Nguyễn Dân- TTXVN.


* Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là cần thiết


Cử tri Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn nhất trí và ủng hộ việc thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa theo hướng tiếp cận năng lực học sinh của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cử tri Hồ Thiệu Hùng cho rằng, việc đổi mới chương trình sẽ giúp nâng cao hiệu quả giáo dục, phát huy năng lực của học sinh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đáp ứng được nhu cầu của xã hội về một công dân có năng lực làm việc được thế giới công nhận. Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa, cần thực hiện một cách khoa học và chặt chẽ, không thể gấp rút.

Cử tri Phan Thanh Tịnh, giáo viên trường Quốc học Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) nêu quan điểm, việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là việc làm cần thiết để phù hợp với xu hướng phát triển, nhất là trong giai đoạn hội nhập, tuy nhiên phải chú ý đến chất lượng của Đề án. Về chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa, cử tri Phan Thanh Tịnh cho rằng, chủ trương này sẽ mang lại nhiều lợi ích vì đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người sử dụng sách giáo khoa, phù hợp với từng vùng, miền, đặc điểm của địa phương, huy động trí tuệ của các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân...

Tuy nhiên, có nhiều bộ sách thì dễ xảy ra tình trạng "loạn sách giáo khoa", sản xuất nhiều nhưng kém chất lượng, không ai dùng; chỉ cần 4, 5 bộ sách là phù hợp. Để Đề án phát huy hiệu quả tốt nhất, song song với việc biên soạn và hoàn thiện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, cần có sự thay đổi toàn diện về phương pháp dạy và học, trang thiết bị giảng dạy, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, mấu chốt ở đây là các trường đại học sư phạm trong cả nước chủ động tham gia nghiên cứu, đổi mới công tác đào tạo, đào tạo lại giáo viên một cách toàn diện.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế đãi ngộ phù hợp đối với giáo viên để yên tâm công tác nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình, sách giáo khoa mới.

* Triển khai Đề án cần theo lộ trình cụ thể


Hoàn toàn nhất trí với nhiều nội dung trong đổi mới chương trình, sách giáo khoa, cử tri Kim Vĩnh Phúc, Nhà giáo Ưu tú, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo trình bày khá đầy đủ những nội dung đổi mới chương trình sách giáo khoa, đặc biệt trong đó đổi mới mạnh mẽ đối với hình thức tiếp cận năng lực của học sinh, giúp học sinh phát huy được năng lực học tập thật sự, đáp ứng được nhu cầu của xã hội đào tạo người lao động có khả năng làm việc được thế giới công nhận.

Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu ý kiến. Ảnh: Nguyễn Dân- TTXVN.


Cử tri Kim Vĩnh Phúc hoàn toàn đồng tình chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” và nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân được biên soạn sách giáo khoa. Tuy nhiên, Đề án cần thực hiện theo lộ trình, không nên thay toàn bộ sách giáo khoa cùng một lúc. Bên cạnh đó, cần có sự thống nhất giữa các bộ sách giáo khoa đi theo đúng một chương trình khung. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần định hướng cho các tổ chức, cá nhân khi viết sách.

Nhận định về quá trình cải cách giáo dục trong thời gian qua, cử tri Kim Vĩnh Phúc cho rằng vẫn còn những hạn chế, chưa phát huy năng lực phát triển tự nhiên của học sinh. Bên cạnh việc thay đổi sách giáo khoa phù hợp với thời kỳ mới, cần đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn và đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất của nhà trường để việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa được đồng bộ, tạo hiệu quả trong công tác giảng dạy và học tập.

Theo cử tri Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, thiết kế chương trình sách giáo khoa là việc quan trọng bậc nhất ảnh hưởng trực tiếp đến việc biên soạn bộ sách giáo khoa. Vì vậy, chương trình khung nếu được sự góp sức của xã hội, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp kinh doanh, sẽ nâng cao được hiệu quả thực tiễn của chương trình khung hơn.

Trong khi làm chương trình, cần có một người là Tổng Công trình sư am hiểu và có kinh nghiệm lâu năm, được các nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong lĩnh vực giáo dục được tín nhiệm cao, đóng vai trò độc lập để thẩm định chương trình khung đã được Hội đồng thẩm định thực hiện. Tổng công trình sư sẽ cùng với Hội đồng thẩm định tranh luận, trao đổi, phản biện quan điểm để đưa ra những ý kiến phù hợp, xác thực nhất trong thời kỳ hiện nay.

Đối với nội dung sách giáo khoa, cử tri Hồ Thiệu Hùng đồng tình chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa. Tuy nhiên, chương trình sách khối các môn khoa học tự nhiên có thể xây dựng dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của các nước có nền giáo dục tiên tiến, sau đó cải tiến, áp dụng phù hợp với truyền thống, trình độ học sinh Việt Nam.

Như vậy, sẽ tiết kiệm được rất nhiều kinh phí trong ngân sách của nhà nước khi thực hiện Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Còn về khối các môn học Khoa học xã hội, nhất thiết phải tự người Việt xây dựng chương trình để đảm bảo được những giá trị, tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc đã đúc kết từ hàng nghìn năm nay.

* Biên soạn sách giáo khoa mới phải có tính kế thừa

Đồng tình chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Cương, Bộ Khoa học và Công nghệ, n ếu có một chương trình khung hoàn chỉnh thì nên để cho các tổ chức, cá nhân biên soạn. Bên cạnh đó, khi biên soạn sách giáo khoa mới phải có tính kế thừa, bởi một số nội dung trong sách giáo khoa hiện hành vẫn dùng được và chỉ cần biên tập lại.

Bản chất của cơ chế này nằm ở chỗ nó thừa nhận tính tương đối của sách giáo khoa: Sách giáo khoa chỉ đóng vai trò là một trong những tài liệu tham khảo chủ yếu, quan trọng trong quá trình học tập chứ không phải là duy nhất và tuyệt đối. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đóng vai trò là nơi đưa ra khung hướng dẫn, quy chế thực hiện biên soạn, thẩm định, lựa chọn sách giáo khoa và giám sát việc thực hiện. Việc biên soạn nội dung cụ thể của sách giáo khoa sẽ trở thành quyền tự do của các cá nhân hoặc tập thể tác giả và nhà xuất bản.

 Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh phát biểu ý kiến. Ảnh: Nguyễn Dân- TTXVN.


Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Cương, trong quá trình thẩm định và lựa chọn sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải đảm bảo tính minh bạch, công khai, công bằng để tránh tình trạng tiêu cực dưới dạng “ưu ái” hay “phân biệt đối xử” đối với các bản thảo đăng kí thẩm định; đồng thời công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để giới chuyên môn và nhân dân theo dõi, giám sát.

Bên cạnh đó, Hội đồng thẩm định Quốc gia phải đảm bảo tính liêm chính, công bằng, tiêu chuẩn học thuật và các thành viên của Hội đồng từ nhiều cơ quan quản lý, trường đại học, viện nghiên cứu, liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật...

Cử tri Nguyễn Văn Tám, giáo viên Trường THCS Điền Hòa (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cũng cho rằng, việc biên soạn sách giáo khoa mới nên tiến hành trên cơ sở kế thừa và hoàn thiện những mặt hạn chế của sách giáo khoa cũ. Sách giáo khoa cần có sự phân bố cân đối giữa kiến thức và thực hành, khuyến khích học sinh tư duy. Cử tri Tám rất đồng tình với việc xã hội hóa biên soạn, xuất bản sách giáo khoa phổ thông, điều này sẽ huy động được nguồn trí tuệ và tài chính của xã hội, đồng thời tạo ra một cuộc thi đua để không ngừng nâng cao chất lượng sách giáo khoa.

Tuy nhiên, vấn đề là làm sao để khi triển khai đạt hiệu quả cao. Cần xây dựng cơ chế để khuyến khích các tổ chức cá nhân tham gia viết sách; quy định các điều kiện, tiêu chuẩn đối với người được tham gia viết sách, hội đồng thẩm định sách giáo khoa, trong quá trình biên soạn nên trưng cầu ý kiến của các nhà khoa học, giáo viên trực tiếp giảng dạy để tránh tình trạng sản xuất đại trà nhưng không chất lượng.

Những năm qua, ngành giáo dục đã tạo mọi điều kiện, đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, nhưng thực tế ở nhiều trường, nhất là ở vùng sâu vùng xa, trang thiết bị dạy và học chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu phòng học, phòng chức năng, vì vậy cần có cơ chế, chính sách trong việc trang bị thiết bị, cơ sở dạy và học cho các trường. Mặt khác, đổi mới chương trình học phải gắn với đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục và quản lý.

* Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phải gắn với đổi mới phương pháp dạy học

Theo nhà giáo Nguyễn Thị Kim Liên - Tập thể Trung Tự (Đống Đa - Hà Nội): Muốn đổi mới chương trình và sách giáo khoa chuẩn phải thay đổi gốc tư duy, cụ thể là con người và tổ chức. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải tổng kết lại những mặt được, mặt chưa được của Chương trình cải cách từ 1981 đến 2000 và từ 2001 đến 2012 trước khi đặt vấn đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015. Bên cạnh đó, Bộ cần xem lại cơ cấu của bậc học phổ thong, nhất là THPT, xem tự chọn nghĩa là thế nào? Mục tiêu cấp học THCS là gì? Các trường Đại học Sư phạm, Cao đẳng Sư phạm phải đổi mới đào tạo ra sao?...

Theo Đề án đổi mới là tích hợp cao các lĩnh vực giáo dục, các môn học ở tiểu học và trung học cơ sở để giảm tải, giảm kiến thức hàn lâm, giảm số lượng môn học bằng cách lồng ghép những nội dung gần nhau của nhiều môn học vào cùng một lĩnh vực hoặc bổ sung, phát triển môn học tích hợp đã có trong chương trình hiện hành, tạo thành môn học mới. Việc “tích hợp” ở đây không phải tích hợp kiến thức khoa học chung của các môn học trong các bộ sách giáo khoa. Hiện nay chưa có sách giáo khoa như vậy trên thế giới, nếu có chỉ là những sách chuyên khảo cho các chuyên gia trình độ rất cao.

Nhà giáo Nguyễn Thị Kim Liên cho rằng, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục hiện nay chưa bắt kịp yêu cầu đổi mới của chương trình, sách giáo khoa, yêu cầu về đổi mới phương pháp dạy học ở các trường phổ thông, chưa khắc phục được lối dạy học “truyền thụ một chiều”, chưa vận dụng có hiệu quả các phương pháp dạy học phát huy được tính tích cực chủ động của học sinh. Phương thức đánh giá chất lượng giáo dục còn lạc hậu...


PV
1
Quốc hội thảo luận đổi mới chương trình, SGK phổ thông
Quốc hội thảo luận đổi mới chương trình, SGK phổ thông

Sáng 20/11, Quốc hội làm việc tại Hội trường, biểu quyết thông qua hai dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) và Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), thảo luận về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN