Độc đáo mô hình 'Công viên thắng tích xứ Thanh' trong trường học

Để tạo hứng thú cho học sinh với môn Lịch sử, Địa lý, đặc biệt là lịch sử địa phương, cô giáo Trần Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Trần Mai Ninh (thành phố Thanh Hóa) đã lên ý tưởng thành lập “Công viên thắng tích xứ Thanh” ngay trong khuôn viên nhà trường. Đến nay, mô hình đã trở thành nơi để cô trò nhà trường thỏa sức tìm tòi, sáng tạo, có những giờ học thú vị, bổ ích.

Chú thích ảnh
Mô hình cầu Hàm Rồng - nơi vùi xác hàng trăm máy bay trong kháng chiến chống Mỹ. 

Chia sẻ về ý tưởng thành lập “Công viên thắng tích xứ Thanh” ngay trong khuôn viên nhà trường, cô giáo Trần Thị Phương Lan cho biết, Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 có điểm mới là từ năm học 2021-2022 sẽ đưa môn giáo dục địa phương vào giảng dạy ở lớp 6. Nếu cứ dạy theo phương pháp cũ cô đọc, trò chép hay xem các hình ảnh trên máy chiếu, hiệu quả học tập sẽ không cao. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhà trường không thể tổ chức các chuyến tham quan thực tế để học sinh tìm hiểu về lịch sử, địa lý địa phương. Do vậy, việc xây dựng “Công viên thắng tích xứ Thanh” ngay trong khuôn viên nhà trường để học sinh được tận mắt chứng kiến di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nối tiếng xứ Thanh thông qua các mô hình là rất cần thiết.

Chú thích ảnh
Toàn bộ 15 di tích và địa danh nổi tiếng được mô phỏng sinh động với chất liệu bằng khung sắt hộp kẽm, ốp nhôm aluminium. 

Nhà trường dành 2.000m2 trong khuôn viên để bài trí 15 hạng mục là những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng xứ Thanh như, Thành Nhà Hồ, cầu Hàm Rồng, suối cá Cẩm Lương, động Hồ Công, khu du lịch Sầm Sơn, khu kinh tế Nghi Sơn…Tất cả các mô hình đều được mô phỏng sinh động, với chất liệu hoàn toàn bằng khung sắt hộp kẽm, ốp nhôm aluminium.

Ngay ở lối vào "Công viên thắng tích" là địa danh lịch sử Ba Đình (thuộc huyện Nga Sơn ) - nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa Ba Đình chống thực dân Pháp của quân và dân ta. Bên cạnh là địa danh núi Ngàn Nưa - nơi Bà Triệu dấy binh chống quân Ngô. Hình ảnh Bà Triệu cưỡi voi hiên ngang vùi xác quân giặc hiện lên sống động. Phía trung tâm là hình ảnh mô phỏng di tích Lam Sơn, địa danh lịch sử gắn liền với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi chống quân Minh, sau này lập ra nhà Hậu Lê. Địa danh cầu Hàm Rồng - nơi vùi xác hàng trăm máy bay trong kháng chiến chống Mỹ, Thành Nhà Hồ - Di sản Văn hóa thế giới được bày trí ngay phía ngoài công viên - nơi gần cổng trường.

Chú thích ảnh
Giáo viên và học sinh trong một giờ thảo luận, thuyết trình về Thành nhà Hồ - Di sản thế giới được UNESCO công nhận. 

Cùng với những di tích lịch sử, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng xứ Thanh như suối cá Cẩm Lương, động Hồ Công, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, hòn Trống Mái (Sầm Sơn), cầu cảng Nghi Sơn, hồ Cửa Đạt…được mô phỏng sống động, chân thực. 

Bên cạnh các di tích, danh lam đều có bảng thuyết minh với nội dung ngắn gọn, để ai đọc cũng hiểu và nắm được ý cốt lõi. Ví như “Khởi nghĩa Ba Đình (1886-1887) thuộc phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp. Địa danh Ba Đình (xã Ba Đình- huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) vinh dự được đặt tên cho quảng trường - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập…

Tuy mới triển khai được một thời gian nhưng mô hình "Công viên thắng tích xứ Thanh" đã mang lại nhiều điều bổ ích cho học sinh. Với học sinh chưa nắm được lịch sử địa phương, các em sẽ biết những dấu mốc quan trọng của lịch sử Thanh Hóa. Sau khi biết, các em sẽ có động lực chủ động tìm hiểu và thêm tự hào lịch sử, con người Thanh Hóa - một đất hai vua. Tự hào Thành Nhà Hồ được công nhận Di sản Văn hóa thế giới, cầu Hàm Rồng- cây cầu sắt bình thường nhưng đi vào huyền thoại, góp phần vào thắng lợi của kháng chiến chống Mỹ… Từ đó, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương và các giá trị văn hóa của dân tộc…, cô giáo Trần Thị Phương Lan chia sẻ thêm.

Chú thích ảnh
Tái hiện hình ảnh Khu di tích lịch sử Lam Kinh, xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân. 

Em Lê Hà Nhật Lâm, học sinh lớp 6A, Trường Trung học Cơ sở Trần Mai Ninh chia sẻ, từ khi có mô hình “Công viên thắng tích xứ Thanh”, em và các bạn rất hào hứng khi học môn giáo dục địa phương. Thay vì học trong sách vở, qua máy chiếu, chúng em xuống sân trường, tận mắt chứng kiến mô hình được mô phỏng lại chân thực, sinh động. Qua đó, trang bị cho chúng em những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội… của tỉnh. 

Em Trần Hữu Phước, học sinh lớp 6B, Trường Trung học Cơ sở Trần Mai Ninh tỏ ra thích thú với mô hình “Công viên thắng tích xứ Thanh”. Em Phước chia sẻ, sau mỗi giờ học, cô giáo thường dành ra 10 phút để giao nhiệm vụ cho học sinh tìm hiểu thông tin về di tích, thắng cảnh buổi học hôm sau. Trên cơ sở thông tin, học sinh phải biên soạn lại ngắn gọn khoảng một trang. Điều đặc biệt là toàn bộ nội dung bằng tiếng Việt sẽ phải dịch sang tiếng Anh để thuyết minh song song vào buổi tiếp theo. Những bài thuyết trình bằng tiếng Việt và tiếng Anh góp phần đẩy mạnh phong trào học tiếng Anh, hình thành kỹ năng thuyết minh, thuyết trình cho học sinh…

Được biết, mô hình “Công viên thắng tích xứ Thanh” của Trường Trung học Cơ sở Trần Mai Ninh đã đoạt giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật Thanh Hóa năm 2021. “Công viên thắng tích xứ Thanh” đang là một trong 20 mô hình được chọn để dự Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc gia năm 2021.

Bài, ảnh: Khiếu Tư  (TTXVN)
Nội dung chủ quyền lãnh thổ có ở môn học nào?
Nội dung chủ quyền lãnh thổ có ở môn học nào?

Giáo viên tại Khánh Hoà hỏi: Nội dung chủ quyền lãnh thổ đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào chương trình giáo dục phổ thông mới như thế nào?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN