Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở giáo dục đại học

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa kết luận và cho biết dự án Luật Giáo dục đại học đã được xây dựng công phu, nghiêm túc, có chất lượng, đủ điều kiện trình Quốc hội khóa XII xem xét tại kỳ họp thứ hai. Để làm rõ hơn về luật này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS. Bùi Văn Ga (ảnh) – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

´Xin ông cho biết về việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở GDĐH quy định trong dự thảo Luật Giáo dục đại học?


Việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở GDĐH là một yêu cầu khách quan, tất yếu và phù hợp với xu thế phát triển của GDĐH hiện nay.

Đây là tư tưởng xuyên suốt của Dự án luật này. Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học đã được quy định cụ thể trong các chương của dự thảo luật.

Cụ thể, dự thảo luật đã thiết kế một điều riêng (Điều 28) quy định 6 nội dung tự chủ và tự chịu trách nhiệm, gồm: Tổ chức và nhân sự; tài chính và tài sản; hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

Để được giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho cơ sở giáo dục đại học, dự thảo luật quy định ba điều kiện là: vị trí, vai trò, nhiệm vụ của cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân; điều kiện bảo đảm thực hiện quyền tự chủ; cam kết trách nhiệm khi thực hiện tự chủ và kết quả kiểm định chất lượng của cơ sở giáo dục đại học.

Giờ học lý thuyết của lớp đào tạo cử nhân tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.


´Tại sao việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở giáo dục đại học phải có điều kiện, thưa ông?

Hệ thống cơ sở giáo dục đại học của nước ta hiện nay rất đa dạng, có trường có bề dày truyền thống và kinh nghiệm hoạt động hàng trăm năm, có trường mới thành lập, mới hoạt động hoặc mới nâng cấp; có trường có cơ sở vật chất, thiết bị khang trang, hiện đại, có đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, cán bộ quản lý giáo dục nhiều kinh nghiệm, nhưng cũng có trường còn khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ chưa đồng bộ; nhiều trường quản lý tốt, hoạt động nghiêm túc, hiệu quả, nhưng cũng có trường quản lý còn yếu, có biểu hiện vi phạm quy định của pháp luật;...
Vì vậy, việc giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho cơ sở giáo dục đại học là có lộ trình, không đồng loạt và với mức độ khác nhau để phù hợp với năng lực quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục đại học.

´Trong dự thảo Luật Giáo dục đại học có quy định giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở giáo dục đại học về nhiệm vụ cụ thể nào không?
Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở giáo dục đại học thể hiện xuyên suốt trong dự luật này, ngoài quy định một điều riêng (Điều 28) như trên, trong các điều tại từng chương của dự thảo luật đã quy định cụ thể quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học. Ví dụ:
- Về chỉ tiêu tuyển sinh, đã được quy định tại Điều 30 như sau: “Cơ sở giáo dục đại học tự chủ, tự chịu trách nhiệm xác định chỉ tiêu tuyển sinh, công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học”.

- Về tổ chức tuyển sinh, đã được quy định tại Điều 30 như sau: “Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh”.

- Về tổ chức và quản lý đào tạo, đã được quy định tại Điều 33 như sau: “Cơ sở giáo dục đại học tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tổ chức và quản lý đào tạo theo khóa học, năm học và học kỳ theo quy chế và chương trình đào tạo đối với mỗi trình độ đào tạo, hình thức đào tạo”.

- Về văn bằng giáo dục đại học, đã được quy định tại Điều 34 như sau: “Cơ sở giáo dục đại học in ấn phôi văn bằng, cấp văn bằng cho người học; công bố công khai các thông tin liên quan về văn bằng cho người học trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học”.

- Về hoạt động khoa học và công nghệ, đã được quy định tại Điều 37 như sau: “Tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc ký kết hợp đồng khoa học và công nghệ; thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; đăng ký tham gia tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ”.

´Những cơ sở giáo dục đại học có vi phạm khi giao quyền tự chủ thì sẽ bị xử lý như thế nào thưa Thứ trưởng?

Tất cả các trường hợp vi phạm, tùy thuộc mức độ, mà bị xử lý theo quy định của pháp luật. Bên cạnh việc đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở giáo dục đại học, thì cần có chế tài để xử lý nghiêm túc đối với các trường hợp vi phạm.

Vấn đề này đã được thể hiện tại Điều 66 dự thảo luật như sau: “Người nào có một trong các hành vi sau đây thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật: Thành lập cơ sở giáo dục đại học hoặc tổ chức hoạt động giáo dục trái pháp luật; Vi phạm các quy định về tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục đại học;…”.
Đồng thời, dự thảo Luật Giáo dục đại học (Điều 28) cũng quy định: “Trường cao đẳng, trường đại học, học viện và đại học không còn đủ năng lực để thực hiện quyền tự chủ hoặc có hành vi vi phạm về hoạt động đào tạo: hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động hợp tác quốc tế; bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, thì các quyền tự chủ bị thu hồi”.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Hoa - Ngọc Anh (thực hiện)


 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN