Dạy học bằng bản đồ tư duy – giảm tải, không giảm yêu cầu

Chúng tôi đến trường THCS Nam Trung Yên, Hà Nội vào những ngày đầu tiên của năm học mới 2011 – 2012. Không khí hồ hởi, vui vẻ và hào hứng tràn ngập trong giờ giải lao với màn múa hát tập thể và các trò chơi dân gian như: tung bóng, nhảy bao bố,… Khi tiếng trống báo giờ học mới vang lên, tất cả học sinh lại nhanh chóng ổn định vào lớp. “Con có thấy tiếc khi lại phải vào học không?” Trả lời câu hỏi của chúng tôi, các cô bé, cậu bé gần như đồng thanh: Giờ học còn vui hơn nữa ạ!

Cách “làm mới” nhẹ nhàng mà hiệu quả

Đúng là giờ học của các em vui thật vì các cô giáo của trường đang cho học sinh ôn tập và hệ thống lại kiến thức của năm học cũ bằng phương pháp bản đồ tư duy (BĐTD). Cô hướng dẫn cả lớp vẽ một BĐTD với nhiều màu sắc sinh động và cuốn hút. Chưa đầy 10 phút, toàn bộ nội dung kiến thức trong 2- 5 trang sách đã được tóm gọn bằng một BĐTD. Phần thời gian còn lại, cô giáo cho các học trò thỏa sức sáng tạo và phát triển ý tưởng liên hệ của mình.

Dạy học bằng bản đồ tư duy khiến tiết học sinh động và cuốn hút.


Cô giáo Vũ Thị Ngân, tổ trưởng Tổ Xã hội cho biết: Sau khi được bồi dưỡng về Phương pháp dạy học bằng BĐTD, tôi thấy công việc của mình đỡ vất vả nhiều so với cách dạy truyền thống đọc – chép trước đây. Dạy học bằng BĐTD giúp học sinh thuộc bài ngay tại lớp, nhớ nhanh, nhớ sâu, nhớ lâu và nhớ chính xác những nội dung bài học. Còn cô Nguyễn Minh Châu, giáo viên dạy giỏi môn ngoại ngữ nhận xét: Phương pháp BĐTD giúp các em không thấy nhàm chán vì bài học dài dòng mà luôn sôi nổi, hào hứng từ đầu đến cuối tiết học. Phương pháp này đặc biệt có ích trong việc củng cố kiến thức và rèn luyện, phát triển tư duy lôgíc cho HS. Với chủ trương giảm tải thực hiện từ năm học này, phương pháp BĐTD rất hiệu quả vì cô và trò không bị mất thời gian vào các chi tiết vụn vặn và trùng lặp mà tập trung thảo luận sâu và phát triển vấn đề cốt lõi của bài.

Em Nguyễn Anh Vũ, HS lớp 9 nói: BĐTD giúp tự em lập dàn ý nhớ toàn bộ cốt lõi bài học mà không sa vào chi tiết, học vẹt. Còn Mai Anh Kiệt thì nói: Như vừa học vừa chơi, thoải mái, không áp lực, không buồn ngủ nữa…

Việc yêu cầu các em hệ thống bài học cuối mỗi tiết bằng acách vẽ một BĐTD đã tạo cho các em cơ hội trình bày bài theo cách hiểu của mình, rèn luyện kỹ năng làm việc theo nhóm và trình bày trước đám đông.

Không chỉ phù hợp ở các thành phố lớn mà ngay cả Sở GD – ĐT tỉnh miền núi như Tuyên Quang mới đây cũng đã ban hành công văn hướng dẫn để triển khai rộng rãi phương pháp này. Bộ GD-ĐT cũng có văn bản khẳng định: “Tài liệu tập huấn cho GV về mô hình đổi mới phương pháp dạy học, đẩy mạnh CNTT và BĐTD đã mang lại những kiến thức mới mẻ được GV các địa phương đánh giá cao”.

Giúp giảm tải mà không giảm yêu cầu

Nhiều nước trên thế giới đã ứng dụng BĐTD trong giảng dạy, học tập, làm việc, kinh doanh… từ 15-20 năm nay. Nhưng tại Việt Nam, BĐTD mới chỉ được biết đến vài năm nay. Trong 3 năm gần đây, TS Trần Đình Châu và TS Đặng Thị Thu Thủy, cùng các cán bộ Viện Nghiên cứu Giáo dục Việt Nam, Dự án Phát triển Giáo dục THCS II kết hợp với Vụ Giáo dục Trung học và Cục Nhà giáo của Bộ GD-ĐT đã tìm tòi nghiên cứu để cụ thể hóa việc ứng dụng phương pháp này vào dạy học tại Việt Nam. Trên 30 bài báo khoa học cùng với 4 cuốn sách: “Dạy tốt- học tốt các môn học bằng bản đồ tư duy” dùng cho GV và HS từ lớp 4 đến lớp 12 và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học của hai tác giả trên do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành.

Năm 2010, ứng dụng BĐTD trong dạy và học đã được triển khai thí điểm tại 355 trường trên toàn quốc. Hè 2011, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho tiến hành giảm tải nội dung dạy học từ năm học 2011- 2012, phương pháp dạy học bằng BĐTD là 1 trong 5 chuyên đề dạy học tích cực được tập huấn cho 4.000 giáo viên cốt cán bậc THCS cả nước.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển đã khẳng định: Toàn ngành nỗ lực giảm tải mạnh mẽ nội dung dạy học theo 5 tiêu chí trên nguyên tắc vẫn phải giữ được mạch kiến thức và tính thống nhất của chương trình. Điều đó có nghĩa là giảm tải những nội dung trùng lắp, nhàm chán, không phù hợp... nhưng không giảm yêu cầu. Muốn vậy, cùng với giảm tải phải tiến hành áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, từng bước chuyển cách dạy và học từ chỗ trang bị kiến thức cho người học sang dạy học sinh cách tiếp nhận và tìm tòi kiến thức, vận dụng vào thực tế và biến thành kỹ năng của riêng mình. Cùng với các phương pháp dạy học tích cực khác, việc triển khai dạy học bằng BĐTD chính là một công cụ phù hợp mà các trường đang thực hiện để tiến hành giảm tải đạt chất lượng.

Hoàng Hoa

Giảm tải chương trình năm học 2011 – 2012: Nơi thực hiện, nơi chưa
Giảm tải chương trình năm học 2011 – 2012: Nơi thực hiện, nơi chưa

Đầu năm học mới 2011 – 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 5842/BGDĐT-VP gửi các Sở GD – ĐT toàn quốc hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học phổ thông nhằm giảm tải chương trình. Đến nay tại Hà Nội, đã có trường triển khai nhưng có trường vẫn chờ hướng dẫn từ Sở GD – ĐT.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN