Chốt phương án một kỳ thi THPT quốc gia

Sau hơn 1 tháng lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, ngày 9/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) đã chính thức công bố phương án về một kỳ thi quốc gia năm 2015.

Thi bốn môn từ năm 2015

 

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD - ĐT cho biết, đa số ý kiến nhất trí phương án thi theo môn (phương án 1). Phương án này bảo đảm tính liên tục của lộ trình đổi mới, không gây xáo trộn lớn đối với giáo viên, học sinh và các trường phổ thông. Từ năm 2015, tổ chức một kỳ thi quốc gia (gọi là kỳ thi trung học phổ thông quốc gia) lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ.

 

Theo Bộ GD - ĐT, sẽ không có mâu thuẫn giữa việc đổi mới thi và chương trình giáo dục hiện hành. Ảnh: Phương Vy - TTXVN

 


Về môn thi, để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ, thí sinh phải thi 4 môn gồm 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn vật lí, hóa học, sinh học, lịch sử và địa lý. Ngoài 4 môn thi tối thiểu, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ đăng ký các môn thi phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ. Thí sinh không học môn ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không bảo đảm chất lượng được chọn môn thi thay thế môn ngoại ngữ trong số các môn tự chọn. Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định do Bộ GD - ĐT công bố sẽ được miễn thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp.

 

Về thời gian làm bài thi, các môn toán, ngữ văn, lịch sử, địa lí: Thi tự luận, thời gian thi 180 phút; các môn vật lí, hóa học, sinh học, ngoại ngữ: Thi trắc nghiệm, thời gian thi 90 phút. Đề thi đánh giá thí sinh ở 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, bảo đảm phân hóa trình độ thí sinh.

 

Về khâu tổ chức thi, việc coi thi, chấm thi được tổ chức theo cụm. Bộ GD - ĐT sẽ công bố các cụm thi và giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức coi thi, chấm thi cho các trường đại học đủ năng lực. Các sở GD - ĐT kết hợp sử dụng kết quả 4 môn thi tối thiểu với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm khuyến khích (nếu có) để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

 

Ông Mai Văn Trinh cho biết, trước ngày 1/1 hàng năm, các học viện, trường ĐH, CĐ công bố mức độ và cách thức sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh. Căn cứ kết quả thi, Bộ GD - ĐT công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu đối với từng môn. Các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi dựa trên ngưỡng điểm này để tuyển sinh theo quy định của quy chế. Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường ĐH, CĐ và kết quả thi của mình, thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường theo nguyện vọng cá nhân. Các trường ĐH, CĐ tuyển sinh theo các phương thức khác phải xây dựng và công bố công khai Đề án tự chủ tuyển sinh theo quy định của quy chế.

 

Bộ GD - ĐT cũng cho biết, tại các địa phương không có cụm thi do trường đại học chủ trì, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những thí sinh tham dự kỳ thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, Bộ GD - ĐT sẽ thống nhất với UBND cấp tỉnh tổ chức một số cụm thi do các sở GD - ĐT chủ trì.
Tương đương đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ

 

Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD - ĐT, đề thi đánh giá thí sinh ở 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, bảo đảm phân hóa trình độ thí sinh. Đề thi năm 2015 phải bảo đảm được những điểm này và sẽ tiếp tục được “làm đậm” hơn so với năm 2014. Đó là, tiếp tục ra đề mở, độ khó sẽ giống như với tuyển sinh ĐH, CĐ 2014, bảo đảm tính ổn định và tiếp cận với đổi mới chương trình sách giáo khoa. Các môn thi và thời gian thi giống như kỳ thi trước. Đề thi bảo đảm tính ổn định, không khác so với năm trước để thí sinh ổn định ôn thi trong năm nay.

 

Về những băn khoăn liên quan đến việc công nhận chứng chỉ ngoại ngữ để được miễn thi tốt nghiệp, ông Trần Văn Nghĩa cho biết, Bộ GD - ĐT sẽ quy định rõ những chứng chỉ cụ thể nào được chấp thuận. Trong năm nay, Bộ GD - ĐT sẽ thành lập các trung tâm ngoại ngữ quốc gia, bảo đảm chất lượng ngoại ngữ, dần dần thay việc thi tập trung. Vì vậy, người học có thể thi nhiều lần trong một năm vào những thời gian khác nhau. Chứng chỉ này hoàn toàn tin cậy để công nhận tốt nghiệp THPT.

 

Ông Trần Văn Kiên, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD - ĐT cũng nhấn mạnh, kỳ thi quốc gia 2015 sẽ kế thừa những gì thành công nhất của năm 2014. Đề thi của một kỳ thi quốc gia sẽ chủ yếu nằm trong chương trình phổ thông, nhất là chương trình học của lớp 12. Trong đề thi, sẽ có phần nâng cao để tạo điều kiện, giúp các trường ĐH, CĐ lựa chọn học sinh khá giỏi. Việc xét công nhận tốt nghiệp căn cứ trên điểm thi 4 môn tối thiểu kết hợp với điểm đánh giá kết quả học tập lớp 12. Còn các vấn đề khác, Bộ GD - ĐT sẽ thể hiện trong quy chế sửa đổi bổ sung quy chế thi tuyển sinh trong năm 2015.

 

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, Hà Nội: Trước mắt, thi theo môn là hợp lý

Tôi đồng tình với phương án thi theo môn trong kỳ thi quốc gia năm 2015 mà Bộ GD - ĐT đã chính thức công bố. Trước mắt phương án này đáp ứng được với tình hình hiện nay. Tuy nhiên, về lâu dài thì cần tính đến thi tích hợp. Bởi thời gian chuẩn bị cần kỹ lưỡng hơn và thay đổi cả về sách và chương trình học nữa. Bộ cần có lộ trình rõ ràng cho những năm tới chứ không nên thông báo trong thời gian quá ngắn mà các cơ sở giáo dục, giáo viên và học sinh chưa có sự chuẩn bị, xã hội chưa có sự hiểu biết cho nên khó tạo được sự đồng thuận.

 

Bà Nguyễn Thị Thọ, Hiệu trưởng trường THPT Trần Quang Khải, Hà Nội: Phương án 1 chỉ nên áp dụng trong 1 - 2 năm

Phương thức thi theo môn là phù hợp với việc lựa chọn khối thi vào các trường đại học, cao đẳng của học sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2015 và những thí sinh đã tốt nghiệp trước đó. Đây là phương án khá hợp lý trong tình hình hiện nay. Do đa số các thí sinh đã lựa chọn khối thi ngay từ khi lớp 10. Thực tế, nhiều trường đã dạy theo môn. Đơn cử như thi môn nào học môn ấy, còn những môn không thi thì “cho qua”. Tuy nhiên, phương án 1 cũng chỉ nên áp dụng trong 1 - 2 năm. Bởi cần thay đổi cách dạy và cách học như hiện nay theo hướng đánh giá năng lực học sinh. Nếu thực hiện đổi mới dạy và học theo chương trình và sách giáo khoa mới, thì việc kiểm tra, đánh giá trong 12 năm học, đặc biệt là thi THPT quốc gia phải có sự thay đổi phù hợp.

GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD - ĐT: Cần có cơ chế quản lý chặt để tránh tiêu cực

Bộ GD- ĐT chọn phương án thi theo môn là phù hợp, chứ nếu ngay trong năm nay mà thi luôn theo kiểu bài thi tích hợp thì không một giáo viên, học sinh nào có thể “chạy theo” nổi. Dù sao đây cũng là lựa chọn của Bộ rồi, chúng tôi chỉ thấy rằng đã thay đổi thì cần phải làm thật tốt, quản lý thật chặt. Bởi điều mà tôi lo ngại là không ít trường sẽ tận dụng kết quả kỳ thi này để trục lợi, thương mại hóa giáo dục, nhất là những trường ĐH chưa có danh tiếng, thậm chí cả những trường công lập ở nhiều địa phương đang thiếu đầu vào. Vấn nạn này vẫn được nêu ra hàng ngày trên mặt báo, nhiều trường cố tình xét tuyển điểm rất thấp vì không có người học, chạy theo chỉ tiêu, thu nhập và lợi nhuận, doanh nghiệp kiếm lời từ điều này. Nếu quản lý không chặt kết quả kì thi, có thể có nhiều trường sẽ rơi vào tình trạng như vậy, tự do tuyển dụng để đủ số lượng sinh viên nhằm kiếm lời.

 

Lê Vân

Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Không thay đổi gì về yêu cầu dạy và học
Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Không thay đổi gì về yêu cầu dạy và học

“Trước mắt, Bộ GD - ĐT chưa yêu cầu học sinh thay đổi nhiều trong cách học hay phải bổ sung kiến thức gì mới ngoài chương trình phổ thông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN