Chấn chỉnh việc mặc đồng phục sau vụ giáo viên cắt dép học sinh

Sau “sự cố” giáo viên cắt dép học sinh tạo dư luận xấu trong toàn ngành, ngành giáo dục Hậu Giang kiên quyết chấn chỉnh, loại bỏ những hành vi phản giáo dục, tạo môi trường sư phạm lành mạnh để các em phát triển tri thức, nhân cách.

Theo đó, ngành giáo dục Hậu Giang chỉ đạo kiểm điểm, kiện toàn hệ thống giáo dục, trong đó ban hành nội quy, quy định việc mặc đồng phục trong trường học phải tạo sự đồng thuận, nhất quán giữa phụ huynh, học sinh và nhà trường. Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang Lê Hoàng Tươi, quy định bắt buộc mặc đồng phục trong trường học là đúng, không chỉ tạo cho các em có ý thức giữ gìn nền nếp, phát triển nhân cách ngay từ nhỏ, mà còn tạo mỹ quan, môi trường sư phạm trong toàn ngành.

Tuy nhiên, việc quy định mặc đồng phục không quá cứng nhắc, đặc biệt là đối với các trường, học sinh vùng sâu vùng xa, vùng sông nước điều kiện đi lại còn khó khăn. Việc bắt buộc mặc đồng phục là quy định riêng của từng trường, nhưng phải dựa vào điều kiện thực tế địa phương, có lộ trình thực hiện dài hạn, tránh tự ý thay đổi, gây khó khăn cho học sinh.

Việc mặc đồng phục không quá cứng nhắc, đặc biệt là đối với các trường vùng sâu vùng xa, vùng sông nước điều kiện đi lại còn khó khăn. Ảnh minh họa. Nguồn: nld.com.vn


Thầy Trần Văn Ánh, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Phú Hữu, huyện Châu Thành (Hậu Giang), cho biết: Trước đây việc quy định bắt buộc mặc đồng phục của trường gặp không ít khó khăn. Nhưng đây là quy định chung của ngành, nhà trường không thực hiện thì bị “phê” vào kết quả thi đua, do đó nhà trường thực hiện nhưng rất linh động.

Cụ thể là trong vài năm nay, nhà trường làm việc với phụ huynh vào cuối năm học để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình cũng như đồng phục của học sinh, vận động phụ huynh mua giày cho con em vào dịp Tết để các em có đủ giày đi học. Đối với những trường hợp học sinh mang dép quai kẹp thì nhà trường tìm hiểu hoàn cảnh gia đình các em để giải quyết, dùng quỹ do giáo viên đóng góp để hỗ trợ giày đồng phục cho học sinh khó khăn. Cách làm của nhà trường nhận được sự đồng thuận, thống nhất của phụ huynh học sinh.

Trước tình trạng quy định mặc đồng phục mỗi nơi mỗi kiểu, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT về việc mặc đồng phục và lễ phục của học sinh, sinh viên nêu rõ: Việc may, mặc đồng phục trong trường phổ thông phải được sự đồng ý của Hội đồng trường và thống nhất với Ban đại diện cha mẹ học sinh. Các trường không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục hàng ngày đến trường. Ở những nơi có điều kiện và Ban đại diện cha mẹ học sinh đề nghị thì chỉ cần quy định học sinh mặc đồng phục một buổi/tuần vào ngày phù hợp.

Mẫu đồng phục phải đơn giản, phù hợp lứa tuổi, ổn định, dễ tìm mua hoặc may. Nhà trường tạo điều kiện thuận lợi, cho phép phụ huynh tự mua sắm đồng phục học sinh theo mẫu của nhà trường; tuyệt đối không tự ý thay đổi mẫu đồng phục. Nếu có thay đổi mẫu đồng phục, cần báo trước và được sự đồng thuận của phụ huynh...

Đầu năm học 2013-2014, một giáo viên ở Trường trung học phổ thông Vị Thủy - phân hiệu Vĩnh Thuận Tây (Vị Thủy, Hậu Giang) đã cắt dép học sinh chỉ vì vi phạm nội quy nhà trường. Việc làm này gây bất bình trong nhân dân, tạo dư luận xấu trong ngành giáo dục.


Huỳnh Sử

Bức xúc thầy tịch thu, cắt dép học trò
Bức xúc thầy tịch thu, cắt dép học trò

Những ngày qua, hàng chục phụ huynh, học sinh trường THPT Vị Thủy, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang rất bức xúc vì con em họ bị giáo viên tịch thu, cắt dép; trong số đó, nhiều học sinh thuộc diện gia đình nghèo, khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN