Cầu nối tình hữu nghị sinh viên Việt - Lào

SomPat ManiVong - sinh viên K49 ngành quản trị kinh doanh - khoa Kinh tế (ĐH Vinh) tâm sự: “Nhiều lưu học sinh Lào khi mới sang nói tiếng Việt rất kém. Nhờ sự giúp đỡ của sinh viên Việt Nam trong CLB Hoa Chăm Pa, khả năng nói tiếng Việt và kết quả học tập của lưu học sinh Lào cũng được nâng lên. Ở Việt Nam, chúng em cứ ngỡ như ở quê hương mình vậy”. Đó không chỉ là suy nghĩ của riêng SomPat ManiVong mà còn là cảm nhận chung của 700 sinh viên Lào đã và đang theo học tại trường Đại học Vinh.

CLB Hoa Chăm Pa của Liên chi đoàn khoa Kinh tế trường Đại học Vinh được thành lập vào đầu năm 2010. Tuy mới hoạt động được hơn một năm, nhưng CLB thực sự đã trở thành “cầu nối” tình hữu nghị giữa sinh viên 2 nước Việt - Lào.

Cứ mỗi dịp Tết cổ truyền Bun Pi May (13 - 15/4), Nguyễn Thị Quỳnh Trang - sinh viên K48 khoa Kinh tế lại cùng bạn bè lên chúc Tết các bạn lưu học sinh Lào đang sống ở ký túc xá của trường. Trang là người có sáng kiến thành lập CLB Hoa Chăm Pa và cũng là chủ nhiệm đầu tiên của CLB nên rất được các bạn sinh viên Lào quí mến và coi như người nhà. Cô sinh viên có dáng người nhỏ nhắn chia sẻ “mỗi lần lên chúc Tết Bun Pi May, được các bạn Lào buộc chỉ cổ tay, té nước “may mắn”, chúng em rất vui. Tình cảm của sinh viên Việt Nam cũng làm cho các bạn lưu học sinh Lào ấm lòng hơn khi đón Tết xa quê…”.

Hoạt động văn hoá văn nghệ của CLB Hoa Chăm Pa.


Các thành viên CLB Hoa Chăm Pa cho biết thêm: Mục đích của CLB không chỉ tạo điều kiện cho các lưu học sinh có thêm cơ hội rèn luyện tiếng Việt tốt hơn, từ đó nâng cao kết quả các môn chuyên ngành mà còn là nơi để sinh viên Lào và sinh viên Việt Nam giao lưu, trao đổi, học hỏi lẫn nhau. Chính vì vậy, CLB đã nhận được sự quan tâm của Ban giám hiệu nhà trường, Ban Chủ nhiệm khoa Kinh tế, Đoàn trường Đại học Vinh cũng như sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo sinh viên, đặc biệt là các bạn lưu học sinh Lào. Hiện nay, CLB đang quản lí 34 nhóm tình nguyện với 646 tình nguyện viên, trong đó đông nhất là khóa 51 với 18 nhóm, 430 tình nguyện viên.

Kể từ khi thành lập đến nay, CLB Hoa Chăm Pa đã thực hiện nghiêm túc lịch làm việc hằng tuần, hằng tháng và luân chuyển hợp lý các nhóm tình nguyện giúp đỡ lưu học sinh 3 khóa 40, 50, 51 học các môn đại cương, môn chuyên ngành thường xuyên, cố định vào tối thứ 2, 4, 6 hàng tuần. Riêng lớp dạy tiếng Việt, ngoài lưu học sinh khoa Kinh tế còn có sự tham gia của lưu học sinh đến từ khoa Ngoại ngữ, Xây dựng, sư phạm Toán, sư phạm Hóa, Giáo dục chính trị… Không chỉ dạy tiếng Việt trên giảng đường, các tình nguyện viên CLB Hoa Chăm Pa còn tổ chức dạy ngay tại ký túc xá theo đăng kí của lưu học sinh vào các tối trong tuần.

Ngoài nhiệm vụ học tập, CLB còn tăng cường các hoạt động chuyên đề, ngoại khóa tạo sân chơi thiết thực, bổ ích, thu hút sự tham gia của đông đảo sinh viên trong khoa, trong trường và các bạn lưu học sinh. Điển hình như việc tổ chức thành công cuộc thi “Cảm nhận Việt và ước mơ của tôi” thu hút 102 bài viết dự thi bày tỏ những tình cảm sâu sắc của các lưu học sinh đối với đất nước, con người Việt Nam. Hội thi “Giọng hát hay lưu học sinh khoa Kinh tế mở rộng lần thứ nhất” với sự tham gia của hơn 100 lưu học sinh Lào và Thái Lan.

Chương trình “Giao lưu văn hóa Việt - Lào” và mới đây nhất là hội thi “Giọng hát hay CLB Hoa Chăm Pa”, “Ngày hội Hoa Chăm Pa” với các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; thăm tặng quà làng trẻ SOS… đã tạo điều kiện cho lưu học sinh Lào và sinh viên Việt Nam có cơ hội giao lưu, tìm hiểu, cùng vun đắp tình hữu nghị lâu bền giữa hai nước. “Qua các hoạt động này, các thầy cô, các bạn sinh viên Việt Nam càng hiểu thêm về tâm tư, tình cảm của các bạn lưu học sinh, từ đó xích lại gần nhau hơn”, Lê Đắc Tuấn - sinh viên năm 2 khoa Xây dựng bày tỏ.

Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Vinh Nguyễn Quốc Dũng cho biết: Đại học Vinh là một trong những trường có số lượng lưu học sinh Lào tham gia học tập đông nhất trong cả nước. Tính đến thời điểm này, trường có hơn 700 sinh viên Lào đã và đang theo học. Do vậy, những mô hình hoạt động như CLB Hoa Chăm Pa thực sự rất cần thiết và bổ ích nhằm giúp lưu học sinh khắc phục bất đồng ngôn ngữ, sớm tiếp cận được với hình thức đào tạo theo tín chỉ. Hoa Chăm Pa cũng là 1 trong 10 CLB, đội, nhóm tiêu biểu hoạt động hiệu quả nhất được Ban Thường vụ Đoàn, Hội Sinh viên trường Đại học Vinh tuyên dương, khen thưởng. 

Bích Huệ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN