Diễn đàn “Phương án tuyển sinh đại học 2014”:

Cần thận trọng với tự chủ tuyển sinh

GS. Phạm Minh Hạc - Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Phải thay đổi tâm lý cho phù hợp với thời đại


Tuyển sinh vào đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) là việc hệ trọng không chỉ với các em học sinh, mà cả với quốc gia. Nó ảnh hưởng lớn đến việc nguồn nhân lực trình độ ĐH - CĐ có đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, có trở thành người có khả năng giải quyết những công việc không chỉ của cá nhân, gia đình, mà của cả cộng đồng, đất nước hay không. Nó tác động đến việc các em có trở thành những người đủ khả năng đem lại sức mạnh cho đất nước, để sức mạnh đó tác động thực sự vào công cuộc xây dựng đất nước, phát triển kinh tế xã hội bảo vệ Tổ quốc.

 

Kỳ tuyển sinh ĐH - CĐ 2012 tại trường ĐH Hà Nội.


Việc Bộ GD - ĐT đưa ra phương án thực hiện tự chủ tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm 2014 là rất đáng hoan nghênh. Nhất là trước đó, Bộ đã đưa ra dự thảo lấy ý kiến nhân dân và các em học sinh làm căn cứ để quyết định phương án tuyển sinh hợp lý nhất cho các em và phù hợp với tình hình của nước nhà. Những trường tự tuyển sinh năm nay không chỉ các trường ngoài công lập, mà có cả các trường công lập như Đại học Quốc gia Hà Nội. Các bậc phụ huynh và các em học sinh không nên e ngại, vì tuyển sinh riêng là chuyện rất phức tạp, phải có đủ trình độ, đủ đội ngũ tổ chức ra đề, chấm thi... nên chỉ những trường có đủ điều kiện và cũng phải được sự đồng ý của Bộ GD - ĐT mới được tự tuyển sinh.


Bộ GD - ĐT cần chú trọng hơn tới hoạt động hướng nghiệp. Trong những đề án này cũng có nhắc đến việc hướng nghiệp nhưng nói chưa được nhiều. Ở nước ngoài, công tác hướng nghiệp rất được chú trọng, được “ngấm” dần từ bậc tiểu học, trong khi ở nước ta, cũng đã có nhưng hoạt động hướng nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu và còn có phần hơi muộn. Tôi thấy chính các em, những người dự thi, phải hiểu xem năng lực, nguyện vọng, hứng thú, đam mê của mình, rồi khả năng của gia đình đến đâu và đặc biệt là đất nước bây giờ đang cần gì, để có lựa chọn tốt nhất cho bản thân, gia đình, cũng như đất nước. Bản thân các em là người quyết định nên thi ở trường nào, ngành gì.

Các em học sinh, nếu cảm thấy không đủ khả năng học ĐH, CĐ, nếu thấy nhu cầu của gia đình cấp thiết, hoặc trình độ tri thức còn hạn chế, thì có thể chọn học trường nghề và sau đủ điều kiện sẽ quay lại học đại học. Ở nước ngoài, sinh viên 25, 27 tuổi quay trở lại học ĐH là bình thường và chúng ta cũng phải thay đổi tâm lý về vấn đề này cho phù hợp với thời đại.

 

GS. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: Tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm


Kiến nghị “5 bỏ” mà Hiệp hội các trường ĐH - CĐ ngoài công lập vừa trình lên Bộ GD - ĐT có nhiều vấn đề bất ổn. Hiệp hội kiến nghị bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH là không đúng tinh thần của luật giáo dục ĐH. Luật giáo dục ĐH quy định, các trường được tự chủ lựa chọn phương thức tuyển sinh, có thể xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp cả hai. Do đó, nếu bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH là vi phạm quyền tự chủ tuyển sinh.


Bộ GD - ĐT không có thẩm quyền quyết định việc bỏ hay không bỏ kỳ thi ĐH. Bỏ hay không bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH là thẩm quyền của từng cơ sở đào tạo. Chắc chắn các trường cần có đề án tuyển sinh riêng, vì “3 chung” chỉ còn được duy trì tối đa trong 3 năm nữa. Theo đó, các trường sẽ phải tự xây dựng đề án tuyển sinh riêng, căn cứ trên điều kiện thực tế, nhu cầu thực tế của mình. Bộ GD - ĐT chỉ can thiệp trên tinh thần hướng dẫn ở cấp độ Nhà nước, không có trách nhiệm phê chuẩn, mà chỉ hướng dẫn xem đề án đó đã đúng và phù hợp hay chưa.


Hiện chúng ta đang hiểu tự chủ một cách nhầm lẫn. Tự chủ nhưng không có nghĩa là muốn làm gì thì làm. Tự chủ bao giờ cũng nằm trong khuôn khổ, hành lang pháp lý. Nếu để các trường muốn làm gì thì làm sẽ dẫm chân lên nhau trong nhiều vấn đề. Tự chủ phải gắn với tự chịu trách nhiệm.


Tự chủ cũng cần phải thật thận trọng. Mục đích của tuyển sinh là lựa chọn được người phù hợp với các chương trình đào tạo. Hiện chất lượng giáo dục THPT chưa tốt, chưa đáng tin, nên phải kiểm tra lại năng lực học tập của học sinh bằng một kỳ thi nữa, kỳ thi tuyển sinh ĐH - CĐ. Và để đánh giá một cách khách quan, công bằng, chúng ta cần có một “ngưỡng” chất lượng nhất định với đầu vào tuyển sinh. Điểm sàn là ngưỡng kiểm định chất lượng của “3 chung”. Khi Bộ đã giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường thì điểm sàn của “3 chung” không còn phù hợp nữa. Lúc đó, chúng ta lại phải nghĩ ra một ngưỡng chất lượng mới cho phù hợp với hình thức tuyển sinh mới.


Khái niệm khối mang tính quy ước. Hiện chúng ta chia khối theo các nhóm ngành nhưng vẫn còn rất rộng. Khi tự chủ tuyển sinh là tạo điều kiện cho các trường tuyển được những người phù hợp với các nhóm ngành nghề cụ thể đang đào tạo. Các trường căn cứ các ngành nghề đào tạo để xác định môn thi, đề thi, nội dung học... Hiểu khối trong một trường ĐH gắn với một ngành học thì không có vấn đề gì. Khối hiểu theo A, B, C, D như hiện nay thì nên bỏ vì chúng ta đã xác định tuyển sinh riêng theo nguyện vọng, yêu cầu cụ thể.


Bài và ảnh: Hà Liên - Thu Hòe

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN