Cân nhắc điều chỉnh việc không chấm điểm học sinh tiểu học

Sau 2 năm thực hiện, việc bỏ chấm điểm học sinh tiểu học theo Thông tư 30 vẫn bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt nhiều giáo viên “than” vất vả, mất quá nhiều thời gian so với phương pháp đánh giá học sinh như trước đây.

Đa số giáo viên thấy vất vả hơn

Tại diễn đàn khoa học đánh giá kết quả thực hiện Thông tư số 30 về quy định đánh giá học sinh tiểu học do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tổ chức ngày 20/5, đã công bố thực trạng khảo sát của PGS.TS Vũ Trọng Rỹ, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam.

Nhiều giáo viên tiểu học căng thẳng vì Thông tư 30. Ảnh: Quý Trung

Cụ thể, cuộc khảo sát được thực hiện với 630 giáo viên tiểu học ở các tỉnh/thành phố Hà Nội, Hải Dương, Hòa Bình/ Phú Thọ, Đà Nẵng. Kết quả cho thấy, tới 95,2% giáo viên được hỏi thấy vất vả hơn nhiều so với trước đây, nhất là giáo viên ở vùng nông thôn. Các giáo viên gặp khó khăn trong việc nhận xét kết quả học tập của học sinh vì thiếu kỹ năng diễn đạt, tìm từ ngữ sát hợp với từng trường hợp cụ thể để không bị trùng lặp. Vì vậy, một số giáo viên tìm cách đưa ra các loại ký hiệu thay cho điểm số như: Bông hoa, ngôi sao, hình mặt cười, mếu…, hoặc nhiều giáo viên chỉ có lời nhận xét chung chung như: “Em học tốt, em cần cố gắng hơn”…, mà không chỉ ra được tốt ở chỗ nào và cần cố gắng ở chỗ nào.

Đáng nói, hầu hết giáo viên cho rằng, đánh giá theo Thông tư 30 không làm cho học sinh chăm học hơn, giáo viên cũng không vì thế mà tích cực đổi mới phương pháp dạy học. Bởi lẽ đó, nhiều cán bộ quản lý và giáo viên cho rằng tiếp tục thực hiện việc đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 nhưng cần có sự điều chỉnh một số quy định cho phù hợp.

Đánh giá về Thông tư 30, ông Nguyễn Đức Minh, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, cho rằng, Thông tư 30 mang nhiều tính nhân văn, cụ thể là giảm áp lực cho học sinh và đây cũng là mục tiêu của giáo dục. Tuy nhiên, Thông tư lại đang làm giáo viên rất căng thẳng. Về nguyên tắc, Thông tư mới thì cách làm cần đổi mới. Thế nhưng, cách làm của nhiều giáo viên hiện vẫn theo phương thức cũ. Đến nay, nhiều giáo viên vẫn chưa biết cách nhận xét như thế nào để học sinh biết mình đang tốt, đang yếu ở đâu.

“Kết quả bước đầu của Thông tư 30 đã được xã hội chấp nhận. Nhiều phụ huynh có con học tiểu học đã cảm ơn vì giải tỏa áp lực cho học sinh. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất là tâm lý ngại đổi mới từ phía giáo viên. Giáo viên vẫn còn máy móc chỉ nhận xét bằng viết ra thôi nên đã tự làm khổ mình. Cán bộ quản lý cũng rất máy móc khiến giáo viên phải ghi nhận xét. Đây là bất cập tạo nên những tiếng kêu của giáo viên tiểu học trong thời gian gần đây”, ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD - ĐT khẳng định.

Nên có lộ trình thực hiện

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia giáo dục, cần phải điều chỉnh, có giải pháp “gỡ khó” cho giáo viên bởi chính họ đang bị căng thẳng khi thực hiện quy định của Bộ GD - ĐT. Đặc biệt, cần phải có lộ trình để thực hiện thông tư này.

Bà Đoan Trang, Phó hiệu trưởng Trường Thực nghiệm, Hà Nội, cho biết: “Tôi đồng thuận với Thông tư 30 nhưng phải có lộ trình thực hiện. Mặt khác, Thông tư này cần có tính liên thông trong hệ thống giáo dục Việt Nam, tránh tình trạng lên cấp II, nhiều phụ huynh sốc khi thấy con bị điểm thấp, chất lượng học tập kém. Trong khi đó, hiện nay, giáo viên đang chịu nhiều áp lực”.

Đồng tình với quan điểm này, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD - ĐT cho rằng, cần có khảo sát tổng thể về thực trạng thực hiện Thông tư 30 trong 2 năm qua. Thậm chí, cần thí điểm việc thực hiện Thông tư này ở quy mô hẹp hơn, sau đó mới triển khai rộng trong toàn bộ bậc tiểu học. Bởi chúng ta vẫn thiếu sự đồng bộ trong chính sách, công tác quản lý giáo dục vẫn còn yếu nên nếu có lộ trình, có sự chuẩn bị tốt thì việc triển khai các quy định mới không gặp khó khăn gì.

Theo Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển, Thông tư 30 có rất nhiều điểm cần phải sửa, nhưng sửa như thế nào cho hợp lý thì cần phải nghiên cứu.

“Điểm số là chất lượng đo lường, là cung cấp tư liệu cho đánh giá. Tuy nhiên, chỉ dựa vào điểm số thì cũng không được và cũng không thể coi thường việc đánh giá bằng nhận xét. Vì thế, cần cân nhắc việc sửa đổi Thông tư 30 sao cho hợp lý nhất”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định.
Lê Vân
Vẫn lúng túng bỏ chấm điểm tiểu học
Vẫn lúng túng bỏ chấm điểm tiểu học

Sau gần một năm thực hiện thông tư 30 của Bộ Giáo dục & Đào tạo, đến nay hầu hết giáo viên, phụ huynh và học sinh đã dần quen với cách đánh giá nhận xét thay cho điểm số. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập trong quá trình triển khai thông tư này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN