Cần cơ chế phù hợp để phát huy tốt “Hai không”

Đã chia tay với nhiệm vụ quản lý (từ tháng 6/2011) nhưng TS Huỳnh Công Minh (ảnh) (nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) vẫn chưa dứt duyên nợ và bầu nhiệt huyết với sự nghiệp giáo dục. Là người đi cùng cuộc vận động “Hai không” từ những ngày đầu, ở một thành phố “nóng” nhất nước, gặp ông một sáng cuối tháng 7, nghe giọng nói của ông vẫn đầy khí thế.

Ông đánh giá thế nào về kết quả cuộc vận động “Hai không” trong ngành giáo dục?

Phải nói rằng khi chủ trương được đề ra, có một tác động hết sức to lớn về mặt nhận thức. Thành công nhất của cuộc vận động, theo tôi là đã tạo ra một tiếng nói thống nhất về xây dựng tính trung thực, tạo nên một sức mạnh, một ảnh hưởng rộng trong từng nhà trường, từng gia đình và toàn xã hội. Chính thực tế đó đã đem lại kết quả tích cực. Tại TP.HCM, từ trước đến nay, chúng tôi đã chú ý xây dựng tốt một môi trường giáo dục lành mạnh, thực chất. Khi triển khai cuộc vận động, chúng tôi nhận thấy đây là cơ sở để ngành phát huy và tôn vinh những phẩm chất đạo đức của người giáo viên, của nhà trường và tạo điều kiện cho địa phương và các cá nhân có tinh thần làm việc vì trách nhiệm; đồng thời cô lập những trường hợp không đi vào thực chất của nhiệm vụ chính trị và phẩm chất trung thực của người thầy giáo. Chuyển biến rõ nét nhất của giáo dục TP.HCM từ khi phát động cuộc vận động này chính là nâng cao chất lượng giảng dạy và đảm bảo tốt tỉ lệ tốt nghiệp các cấp một cách thực chất nhất. Cùng với phong trào thi đua Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, cuộc vận động đã tạo nên một sinh khí mới cho giáo dục trong việc xây dựng văn hóa trường học và đổi mới phương pháp giảng dạy.

Nếu có một trăn trở nào đó từ cuộc vận động này, với ông, đó là vấn đề gì?

Giờ học của học sinh Trường THCS Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ (Hà Nội), trường đạt chuẩn quốc gia. Ảnh : Bích Ngọc – TTXVN


Tôi còn trăn trở về mặt chiều sâu của vấn đề. Thời gian qua, ý tưởng hay nhưng chúng ta chưa đủ thời gian để có một sự chuyển động sâu sắc. Chúng ta cần làm cho mọi người hiểu được chiều sâu của vấn đề mà cuộc vận động đặt ra. Nghĩa là, mọi người cần hiểu tính trung thực trong nhà trường không chỉ được đánh giá trong thi cử. Nếu chỉ đơn giản nhìn tổng thể ngành giáo dục bằng khía cạnh đó là không hợp lý. Tính trung thực trong giáo dục còn là quan điểm, thái độ, cách ứng xử giữa giáo viên và học trò, giữa nhà quản lí và giáo viên, là khả năng làm gương của nhà giáo để xây dựng cho học sinh một hệ thống giá trị cũng như khả năng phát triển toàn diện. Có một thực tế là, vừa qua, khi đánh giá về tính trung thực trong nhà trường, có khi chúng ta chỉ nhìn vào tỷ lệ thi đậu mà không thấy toàn diện các hoạt động của nhà trường. Điều đó dẫn đến những cái nhìn và nhận xét có phần chủ quan.

Vậy theo ông, cần làm gì để tinh thần cuộc vận động “Hai không” phát huy hơn nữa hiệu quả tích cực?

Cuộc vận động sẽ mang lại một hiệu quả tuyệt vời hơn nữa, nếu chúng ta xây dựng tốt hơn cơ chế đánh giá phù hợp.

Từ cuộc vận động này, chúng ta đã có sức mạnh chung, tiếng nói chung thống nhất, sự đồng thuận mạnh mẽ, nhưng trong cơ chế tổ chức thực hiện của chúng ta vẫn còn những điểm chưa phù hợp. Tuy nhiên, không phải vì thấy một vài nơi còn bất ổn mà chúng ta phủ nhận những kết quả đạt được.

Chúng ta cần bắt đầu từ quan điểm: Tính trung thực không chỉ giới hạn trong việc thi cử, tỷ lệ đậu tốt nghiệp mà cần xét đến nhiều yếu tố toàn diện. Ví dụ như hiện nay, việc đánh giá giáo viên còn đơn thuần dựa vào kết quả thi cử mà chưa đánh giá toàn bộ quá trình giảng dạy của giáo viên và hoạt động học tập rèn luyện của học sinh.

Thứ nữa, cần trân trọng tính trung thực của từng giáo viên và phát huy nó, tạo thành một hệ thống giá trị chứ không chỉ dừng lại ở những báo cáo. Nghề giáo là nghề tự trọng, sâu lắng, cơ chế cũng cần phù hợp để kích thích phát huy cái tốt. Người ta muốn sống trung thực hơn, một cách tự nguyện hơn khi cấp quản lí tạo điều kiện để họ làm việc trung thực và cộng đồng xung quanh họ vươn tới trung thực. Làm giáo dục là đụng chạm tới con người, không nên dùng những giải pháp có thể đánh mất lòng tự trọng của con người.

Vấn đề thứ ba là trong quản lí cũng cần tránh ôm đồm và phải phân cấp mạnh mẽ hơn, đi kèm một cơ chế kiểm tra giám sát khoa học hơn, xử lý nghiêm minh hơn các sai phạm. Có như vậy mới tạo dựng được niềm tin và thu hút mọi người vươn lên với giá trị chân thiện mỹ.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Gia Khánh (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN