Ban phụ huynh cũng lắm “nỗi niềm”

Những thông tin về việc “Ban phụ huynh tiếp tay cho lạm thu”, rồi việc đặt ra câu hỏi liệu có nên tồn tại Ban phụ huynh, khiến thời gian qua xã hội đã có cái nhìn khá sai lệch về vai trò của các Ban phụ huynh. Tuy nhiên, đây chỉ là một mặt của hoạt động Ban phụ huynh, còn thực tế, vai trò của Ban phụ huynh cũng rất cần thiết và những người hoạt động trong Ban phụ huynh thực ra là “làm dâu trăm họ”.

Chị Nguyễn Thị Hoài Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) có thâm niên 5 năm làm trưởng ban phụ huynh của con tâm sự: “Có những trường hợp dở khóc dở cười. Có lần, trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, vì phản đối việc không muốn mua máy chiếu cho con, một phụ huynh đã đập bàn và nói những lời lẽ rất gay gắt. Khi tôi đứng lên nói một phần suy nghĩ của mình thì phụ huynh này như tìm được nơi trút, vậy là chị ấy đã nói những lời lẽ khá xúc phạm. Lúc ấy tôi phải kiềm chế rất nhiều để không có những bất hòa đáng tiếc. Sau khi con học xong tiểu học, chiếc máy chiếu ấy đã giúp ích rất nhiều cho việc học tập của lớp”.

Mặc dù có thắc mắc nhưng ít phụ huynh chia sẻ tại cuộc họp đầu năm.Ảnh: phutho.edu.vn


Anh Tuấn Anh, có con đang học một trường cấp II tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), cũng đã nhiều năm làm trưởng ban phụ huynh của lớp. Là một người rất cởi mở, nên anh Tuấn Anh thường lên kế hoạch tổ chức các hoạt động dã ngoại nhằm giúp các con gắn kết, đồng thời cũng tạo sự hiểu biết, thân thiện hơn giữa các phụ huynh với nhau, giữa các phụ huynh với thầy cô giáo. “Mỗi lần tổ chức hoạt động dã ngoại, các con vui lắm, con nào cũng háo hức được tham gia. Bản thân các bậc phụ huynh cũng rất hào hứng sau khi tham gia các hoạt động này. Tuy nhiên, để tổ chức được lại không hề đơn giản, bởi sự thờ ơ của các bậc phụ huynh”, anh Tuấn Anh chia sẻ.

Hoạt động mới nhất đây mà lớp của con anh Tuấn Anh tổ chức là tham gia lễ Hallowen của trường. Dù Ban phụ huynh đã gửi email thông báo trước cả 2 tuần, đồng thời nhắn tin tới tất các bậc phụ huynh trong lớp đề nghị cùng tham gia tổ chức cho các con và góp ý cho chương trình, nhưng tới sát ngày cũng chỉ nhận được... 2 email phản hồi của 2 phụ huynh ở trong Ban phụ huynh, còn lại là sự im lặng không biết đồng tình hay phản đối. “Nhắn tin, gửi email nhắc nhở tới 3 lần vẫn không ai thèm trả lời, nên các thành viên Ban phụ huynh đành phải tự đứng ra đi mua đồ, tổ chức cho các con. Thế nhưng rồi cuối năm, khi họp phụ huynh, lại nhiều phụ huynh đứng ra chất vấn tại sao tổ chức hoạt động mà không thông báo để họ tham gia, hoặc có ý kiến về việc sao chi tiêu nhiều thế, thật sự rất bức xúc”, anh Tuấn Anh cho biết.

Cũng theo anh Tuấn Anh, Ban phụ huynh lẽ ra chỉ là “cầu nối” thông tin giữa giáo viên và phụ huynh trong lớp, có thể “đứng mũi chịu sào” trong mọi hoạt động nhưng cũng cần có ý kiến của các phụ huynh đóng góp, thế nhưng các phụ huynh cuối cùng coi mọi việc là trách nhiệm của Ban phụ huynh. “Chúng tôi cũng chỉ vì các con mà đứng ra làm, nhưng rồi có vấn đề gì thì sẽ lại bị trách móc, lên án; như thế là không công bằng”, chị Thanh Thủy, người cùng trong Ban phụ huynh của anh Tuấn Anh cho biết.

“Trên thực tế, tham gia Ban Phụ huynh đòi hỏi thời gian và tâm sức nhiều hơn là vấn đề tiền bạc. Bản thân tôi rất bận với công việc cơ quan, nhưng vẫn dành thời gian để quan tâm tới học tập của con. Những công việc mà Hội phụ huynh phải làm gồm rất nhiều đầu việc. Có lúc như kẻ “vác tù và hàng tổng” và không ít phụ huynh hiểu được điều này. Thậm chí, khi tôi không muốn làm vị trí này nữa thì họ lại ra sức đề nghị tôi quay lại vị trí”, anh Tiến Cường, trưởng Ban phụ huynh lớp 7A3 một trường cấp II của quận Ba Đình cho biết.

Nhìn nhận về ban đại diện phụ huynh, một hiệu trưởng trường tiểu học quận Ba Đình (Hà Nội) khẳng định: “Hơn 20 năm làm hiệu trưởng nhà trường, tôi biết có nhiều vị phụ huynh “vác tù và hàng tổng” khi hoạt động trong Ban phụ huynh. Họ là những người nhiệt tình, có trách nhiệm trong việc phối hợp với giáo viên, nhà trường để thực hiện các hoạt động giáo dục học sinh. Sự thành công của nhà trường có một phần không nhỏ của họ. Và Ban huynh nên được duy trì trên tinh thần của Điều lệ do Bộ GD - ĐT quy định”.

Còn thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý Hà Nội, Hiệu trưởng THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng: “Có những “con sâu” trong Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh đã khiến dư luận bất bình. Đặc biệt, khi việc lạm thu đầu năm học đang trở thành vấn nạn như những năm gần đây, trong đó trách nhiệm một phần bị quy về Ban phụ huynh. Do vậy, không ít người đã đồng tình nên loại bỏ ban đại diện này đi. Nhưng tôi cho rằng không nên làm như vậy. Bởi trong quá trình giáo dục học sinh không thể tách rời nhà trường với gia đình mà Ban phụ huynh chính là cầu nối đắc lực. Vấn đề mà các trường cần làm là loại bỏ được những tồn tại trong hoạt động của Ban phụ huynh và cùng với đó, Hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm về hoạt động của Ban phụ huynh”.

Lê Vân

Ban phụ huynh tiếp tay cho lạm thu
Ban phụ huynh tiếp tay cho lạm thu

Thay vì đứng ra đảm bảo hoạt động học tập, kết nối giữa gia đình và nhà trường, những năm gần đây, Ban phụ huynh đã trở thành... ban thu tiền mỗi mùa tựu trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN