Băn khoăn việc đổi mới thi ngữ văn

Việc giảm thời gian làm bài môn ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 xuống còn 120 phút (giảm 30 phút so với trước đây), đã tạo nên tâm lý lo lắng về chất lượng làm bài của thí sinh, dù đại diện Bộ Giáo dục - Đào tạo đã trấn an dư luận.


Cần sớm có hướng dẫn


Chỉ còn 2 tháng nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhưng theo chia sẻ của nhiều địa phương, giáo viên và học sinh các trường THPT vẫn rất băn khoăn và “tù mù” về việc dạy và học để chuẩn bị cho thi tốt nghiệp, đặc biệt là với môn ngữ văn, khi thời gian làm bài thi đã giảm xuống còn 120 phút (3/4 thời gian so với trước đây). Bản thân các sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cũng rất lúng túng và đang trông chờ những hướng dẫn cụ thể của Bộ GD-ĐT.

 

Thí sinh làm bài thi môn ngữ văn tại Hội đồng thi trường THPT Kim Sơn A, thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

 


Cô Phạm Thị Huệ, Sở GD-ĐT Nam Định cho biết: Nhiều giáo viên cho rằng, thời gian thi môn ngữ văn 120 phút là ít so với yêu cầu đề thi. “Môn ngữ văn có đặc thù khác môn tự nhiên. Một câu hỏi ngữ văn với thời gian 150 phút nhiều khi vẫn còn chưa đủ để thí sinh thể hiện, trong khi giờ chỉ còn 120 phút, mà bài thi vẫn phải đủ các ý. Vậy nên sẽ phải chuẩn bị kỹ năng cho học sinh để đảm bảo hoàn thành các yêu cầu đề bài trong thời gian cho phép. Thế nhưng đến hiện tại, chúng tôi vẫn chưa biết phải tập huấn cho học sinh như thế nào, vì Bộ vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, ví dụ như tỷ lệ phần đọc hiểu và làm văn chiếm bao nhiêu cũng chưa rõ, đọc hiểu ra theo hướng tích hợp kiến thức tiếng Việt, làm văn hay câu hỏi rời rạc cũng chưa được xác định”, cô Phạm Thị Huệ chia sẻ.


Cũng theo cô Phạm Thị Huệ, từ năm 2002, giáo viên đã rất “thấm nhuần” chương trình sách giáo khoa mới là dạy theo hướng tích hợp. “Với cách dạy này, những câu mở tự luận xã hội đòi hỏi học sinh vận dụng kiến thức tiếng Việt để làm văn thì không phải là thách thức lớn trong những kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm qua, nhưng với thời gian 120 phút thi của kỳ thi năm nay, thì sẽ là một đòi hỏi với các em khi phải vừa vận dụng kiến thức, thể hiện tính sáng tạo trong thời gian ngắn như vậy”, cô Phạm Thị Huệ nhấn mạnh.


Còn cô Trịnh Thị Huệ, giáo viên trường THPT Lê Hồng Phong (TP Hồ Chí Minh) trăn trở: "Với thời gian 120 phút, mà bài thi gồm hệ thống câu hỏi dày đặc, bao quát nhiều nội dung "vụn", thì liệu học sinh có làm được bài như mong muốn không?". Cũng theo cô Trịnh Thị Huệ, Bộ nên có hướng dẫn cụ thể về cấu trúc đề thi, nên chia thang điểm nhẹ nhàng hơn như đọc hiểu 5 điểm, đề văn học 5 điểm, trong đó đề văn học có thể cho học sinh tự chọn, còn phần đọc hiểu nên sử dụng văn bản gần gũi, thú vị, không nên quá rườm rà, làm khó học sinh.


Vì những lý do này, nên nhìn chung các địa phương đều mong chờ sớm có hướng dẫn từ Bộ. Cô Nguyễn Thị Thu Thanh, Sở GD-ĐT Hải Dương cho biết, cán bộ quản lý các trường đều đang trông chờ có hướng ôn tập môn ngữ văn. Còn cô Đỗ Thị Hương Bưởi, Sở GD-ĐT Hà Nam bày tỏ mong muốn Bộ sớm có văn bản thống nhất hướng dẫn cụ thể ra đề thi tốt nghiệp như thế nào, để cấp cơ sở triển khai. “Không nên tạo ra sự bất ngờ với giáo viên, học sinh, vì điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi sắp tới. Nếu không hướng dẫn nhanh, sợ rằng chúng tôi không kịp trở tay, vì thế sẽ khó có tâm thế tốt nhất cho kỳ thi”, cô Đỗ Thị Hương Bưởi lo lắng nói.


“Đổi mới” vẫn trong khuôn khổ


Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, đã từ lâu Bộ không ra cấu trúc đề thi, mà chỉ đưa ra ma trận đề thi và cách làm này là khoa học và đúng nghĩa hơn. Tương tự như vậy, năm nay Bộ cũng sẽ không có cấu trúc đề thi, mà đưa ra hình thức ra đề. Theo đó, đề thi sẽ gồm các phần: Phần đọc hiểu gồm văn bản tư liệu dẫn và ra câu hỏi theo cách đánh giá PISA (chương trình đánh giá học sinh quốc tế) và một bài viết.


Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, việc đổi mới thi ngữ văn là cần thiết, bởi lâu nay chúng ta đã dạy học theo cách mới, nhưng lại thi theo cách cũ, nên việc đổi mới vẫn chưa triệt để, giáo viên chưa làm quen với việc ra đề mở, hướng dẫn chấm mở. “Nên chăng năm nay chúng ta có sự thay đổi mạnh mẽ hơn các năm trước, phải quyết tâm thay đổi mạnh hơn”, Thứ trưởng nhấn mạnh.


"Không nên coi đây là thay đổi gì lớn, mà là quán triệt hơn mục tiêu dạy và học mà Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn lâu nay. Kiểm tra đọc hiểu là một yêu cầu bắt buộc của môn ngữ văn và điều này được thực hiện từ tiểu học, đến trung học, việc dạy năng lực đọc hiểu cũng chiếm tỷ trọng lớn trong thời gian cũng như kết cấu nội dung của bộ môn ngữ văn”, ông Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh.


Cũng theo ông Nguyễn Vinh Hiển, với đề thi năm nay, Bộ cũng đã cân nhắc để ma trận đề thi sẽ yêu cầu vận dụng kiến thức nhiều hơn, dung lượng cho học sinh làm bài cũng phải phù hợp với thời gian 120 phút, vì vậy học sinh và giáo viên cũng không nên quá lo lắng.


Lê Vân

Thứ trưởng GD-ĐT tiết lộ về Đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn
Thứ trưởng GD-ĐT tiết lộ về Đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn

Một trong những điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2013-2014 là thời gian làm bài thi môn Ngữ văn giảm từ 150 phút xuống còn 120 phút. Điều này gây nhiều băn khoăn về việc đề thi sẽ điều chỉnh như thế nào và hướng ra đề sẽ có những đổi mới ra sao?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN