Băn khoăn 'ngoại ngữ' quanh cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT

Trước thông tin về dự thảo đổi mới thi và công nhận tốt nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó giảm số môn thi từ 6 môn xuống còn 4 môn, tâm trạng của đa số học sinh lớp 12 tỉnh Điện Biên rất phấn khởi. Tuy nhiên, một số cán bộ quản lý và thầy cô giáo lại có một số băn khoăn nếu bỏ môn thi bắt buộc là ngoại ngữ.

Thí sinh làm bài thi môn Ngữ Văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 - 2013. Ảnh: Quý Trung – TTXVN


Em Nguyễn Thị Thùy Linh, học sinh lớp 12 chuyên văn, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn - thành phố Điện Biên Phủ hào hứng phát biểu: Sau khi đọc dự thảo về cải tiến kỳ thi tốt nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, em rất thích thú vì nếu rút xuống thi 4 môn tốt nghiệp thì sẽ có nhiều thời gian tập trung ôn thi đại học hơn, ôn thi tốt nghiệp cũng đỡ vất vả hơn. Việc miễn thi tốt nghiệp cho học sinh giỏi cũng là chủ trương đúng, vì thông thường những học sinh này đều thi đỗ nên nếu được miễn thi thì sẽ dành được nhiều thời gian tập trung cho kỳ thi đại học.

Khi được hỏi về chủ trương không đưa môn ngoại ngữ là môn thi bắt buộc, em Hoàng Thị Hồng Ngọc, học sinh lớp 12C5, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho biết: Em đồng ý bỏ môn thi bắt buộc là môn thi ngoại ngữ, trên thực tế không phải ai cũng học tốt môn này. Ứng dụng của môn học này cũng cao, song nếu để ai thi đại học khối nào thì lựa chọn môn thi đó sẽ tốt hơn. Nếu sau này ai theo nghề gì cần đến ngoại ngữ thì có thể học thêm cũng được.

Với tư cách là giáo viên trực tiếp giảng dạy, cô Lê Thị Tuyết, giáo viên trường chuyên Lê Quý Đôn cho rằng: Phương án giảm số môn thi tốt nghiệp từ 6 môn xuống 4 môn là chủ trương đúng nhằm giảm tải sức học cho học sinh. Song cô vẫn băn khoăn về 2 môn tự chọn, bởi theo phương án này, học sinh sẽ chỉ chọn môn thi phù hợp với mình mà bỏ qua môn ngoại ngữ.

Theo cô thì nên chọn phương án 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ cùng một môn tự chọn. Đó là bởi trong thời kỳ hội nhập hiện nay, ở vùng sâu, vùng xa mà bỏ thi môn ngoại ngữ thì học sinh sẽ không chú trọng học môn này nữa. Bởi vậy, trình độ của học sinh miền núi chắc chắn sẽ bị tụt hậu so với học sinh miền xuôi.

Thầy giáo Lê Tuấn Anh, giáo viên dạy toán của trường thì cho rằng: Theo dự thảo 2 phương án mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố, học sinh sẽ chọn phương án thi 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn nhiều hơn. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập hiện nay, môn ngoại ngữ cũng là môn rất cần thiết cho học sinh sau khi tốt nghiệp THPT.

Theo thầy thì đối với các thí sinh ở những vùng thuận lợi, các em nên lựa chọn môn thi ngoại ngữ vì môn này rất cần cho các em sau này, hơn nữa khi thi các em lại được cộng điểm khuyến khích. Tuy nhiên, đối với các học sinh ở các vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn thì môn ngoại ngữ chưa chắc đã được các em lựa chọn, vì môn này các em chưa được đào tạo tốt, nên không tự tin để dự thi.

Phát biểu quan điểm của mình, thầy Phạm Hồng Phong, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho biết: Qua tìm hiểu về dự thảo 2 phương án thi tốt nghiệp mà Bộ Giáo dục và Đào tạo mới công bố, ông đang quan tâm đến 3 vấn đề: Việc miễn thi cho 20% học sinh giỏi hoàn toàn phù hợp, vì trong những năm vừa qua, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học qua các kỳ thi đều đạt tới gần 100%, như vậy học sinh có học lực yếu vẫn có thể thi đỗ tốt nghiệp, nên học sinh khá, giỏi thi đỗ là điều chắc chắn. Đối với học sinh giỏi cấp quốc gia, đạt các giải trong kỳ thi cấp tỉnh thì thi đỗ tốt nghiệp là chuyện đương nhiên.

Ông Phong không đồng tình với dư luận cho rằng chủ trương giảm số môn thi tốt nghiệp sẽ khiến xảy ra tình trạng học sinh học lệch. Theo ông “từ xưa đến nay, chúng ta hay nói đến vấn đề giáo dục toàn diện cho học sinh. Tuy nhiên, chúng ta cũng lại nói nhiều về vấn đề phân luồng cho học sinh, tất cả học sinh dự thi đại học hay học nghề để được phân luồng càng sớm càng tốt. Bởi vậy giảm số môn thi tốt nghiệp xuống 4 môn hoàn toàn phù hợp”.

Vấn đề thứ 3 là dự kiến không đưa môn ngoại ngữ vào môn thi bắt buộc, theo ông Phong thì việc học ngoại ngữ để tìm hiểu ngôn ngữ và văn hoá mới, hội nhập với thế giới. Nếu không còn là môn thi bắt buộc thì sẽ xảy ra tình trạng rất nhiều học sinh, nhất là ở các học sinh vùng sâu, vùng xa sẽ không quan tâm tới việc học ngoại ngữ nữa. Bởi vậy sẽ tạo ra khoảng cách giữa học sinh miền núi và học sinh đồng bằng và học sinh nước ngoài ngày càng xa, vì vậy môn ngoại ngữ vẫn nên là môn thi bắt buộc.
 

Chu Quốc Hùng
Nhiều thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014
Nhiều thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014

Chiều 2/1/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) đã tổ chức gặp gỡ báo chí công bố Dự thảo phương án thi và công nhận tốt nghiệp 2014. Theo đó, sẽ có nhiều thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014. Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã có những giải trình xung quanh dự thảo này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN