09:19 02/09/2011

Giáo dục đào tạo góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.

Ngày 2/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn công tác của Chính phủ đã đến dự Lễ khai giảng năm học 2011-2012 của trường THPT chuyên Quốc học Huế, một ngôi trường có bề dày lịch sử 115 năm.

Ngày 2/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn công tác của Chính phủ đã đến dự Lễ khai giảng năm học 2011-2012 của trường THPT chuyên Quốc học Huế, một ngôi trường có bề dày lịch sử 115 năm.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho Nhà trường vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm học 2010-2011. Ảnh: Đức Tám - TTXVN


Được thành lập năm 1896, Trường PTTH chuyên Quốc học Huế là ngôi trường có bảng vàng thành tích và truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo mà các thế hệ thày và trò của trường đã dày công vun đắp . Đây cũng là ngôi trường có bề dày lịch sử vẻ vang, yêu nước và cách mạng, nơi mà nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng, nhà nước, nhiều nhà khoa học, nhà văn hoá, nhà giáo dục lỗi lạc của dân tộc ta đã từng học tập, giảng dạy, rèn tâm, luyện trí, truyền lửa cho các thế hệ đời sau. Chính tại ngôi trường này, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từng học tập, nung nấu ý chí cách mạng, quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước và trở thành lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hoá thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng máy vi tính cho trường. Ảnh: Đức Tám - TTXVN


Trong những năm qua, chất lượng đào tạo của nhà trường được duy trì ở mức cao, tỷ lệ tốt nghiệp THPT luôn đạt 100%, tỷ lệ học sinh thi đỗ đại học lên tới 95%, trong đó có nhiều em đỗ thủ khoa, á khoa và hàng trăm em giành được học bổng đi học tập ở nước ngoài, hàng nghìn em đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, nhiều học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi khu vực và quốc tế . Đặc biệt, học sinh ở đây không chỉ được truyền thụ tri thức mà còn được rèn luyện về nhân cách, bản lĩnh và lối sống, giúp cho các em thêm vững vàng trong sự nghiệp của mình. Đến nay, nhà trường đã xây dựng được một đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý tâm huyết với nghề, nhiều người đã được phong tặng danh hiệu Giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua, Nhà giáo ưu tú. Cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy và học được quan tâm đầu tư, ngày càng chuẩn hoá và hiện đại hoá.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục, coi đây là quốc sách hàng đầu trong chiến lược phát triển đất nước, một nhân tố có ý nghĩa quyết định để xoá đói giảm nghèo, đẩy mạnh công nghiệp hoá, phát triển nhanh - bền vững. Nhờ có sự quan tâm đó, cùng với sự nỗ lực của các thế hệ thầy cô giáo, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn với việc đẩy mạnh thực hiện nhiều cuộc vận động và phong trào thi đua trong toàn ngành giáo dục, đến nay nền giáo dục nước ta đã có bước phát triển đáng kể. Hệ thống và mạng lưới giáo dục ngày càng được hoàn thiện; qui mô tăng nhanh; chất lượng không ngừng được nâng lên; giáo dục ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng khó khăn được đặc biệt quan tâm. .. Thành tựu chung đó có sự đóng góp tích cực của mỗi thầy cô giáo, mỗi em học sinh, của từng trường học, từng cơ sở giáo dục đào đạo, từng cán bộ và đơn vị quản lý giáo dục, cũng như sự quan tâm chăm lo của các bậc phụ huynh, của mỗi gia đình, mỗi dòng họ và toàn xã hội, trong đó có tỉnh Thừa Thiên Huế và Trường THPT chuyên Quốc Học Huế -Thủ tướng nhấn mạnh .

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh trống khai giảng năm học mới. Ảnh: Đức Tám - TTXVN


Vui mừng về bảng vàng thành tích và truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của trường THPT chuyên Quốc học Huế , Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương sự cố gắng và những thành tích của ngành Giáo dục và Đào tạo trong cả nước, cũng như của tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt là sự cố gắng và thành tích xuất sắc của thầy và trò trường THPT chuyên Quốc học Huế đã đạt được trong những năm qua. Bên cạnh những kết quả đạt được , Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ những bất cập, yếu kém, chất lượng giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, trong đó có khu vực miền Trung như : Tỷ lệ học sinh yếu kém, học sinh trung bình năm học vừa qua còn cao (THCS miền Trung còn trên 8% yếu kém, trên 45% trung bình; THPT còn 11,5% yếu kém, 49,4% trung bình, đây là tỷ lệ khá cao so với cả nước) . Việc huy động học sinh ra lớp và duy trì tỷ lệ đi học vẫn còn nhiều khó khăn , phân luồng học sinh và giáo dục hướng nghiệp chưa thật sự hiệu quả, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, cơ cấu không đồng bộ ở các cấp học , năng lực sư phạm của một bộ phận giáo viên còn hạn chế ... là một trong những nguyên nhân làm cho chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, năm học 2011 - 2012 là năm học có ý nghĩa đặc biệt , năm học đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020, trong đó phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân là một khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước. Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Ngành giáo dục nói chung, trong đó có giáo dục Thừa Thiên Huế phải khẩn trương xây dựng và triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Phát triển giáo dục theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá và hội nhập quốc tế; tập trung đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục. Tiếp tục phát triển mạng lưới trường, lớp và tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị. Chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Đặc biệt quan tâm phát triển giáo dục ở những vùng khó khăn. Đẩy mạnh đổi mới công tác quản lý giáo dục. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, trong dạy và học. Khuyến khích các hoạt động khuyến học, khuyến tài; bảo đảm công bằng xã hội, thực hiện tốt chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong giáo dục; xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện để người dân được học tập suốt đời.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Thừa Thiên-Huế quan tâm xây dựng tập thể sư phạm nhà trường ngày càng vững mạnh về mọi mặt, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục. Chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cả về số lượng và chất lượng, gắn với đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo“. Mỗi cán bộ giáo viên phải thường xuyên cập nhật bổ sung kiến thức mới, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm, đạo đức nghề nghiệp, sáng tạo trong công việc, tận tâm, tận tuỵ, hết lòng vì thế hệ trẻ, vì học sinh thân yêu, thực sự là những tấm gương sáng để học sinh noi theo. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua "xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" nhằm tạo dựng một môi trường giáo dục lành mạnh; làm tốt công tác giáo dục toàn diện, đào tạo thế hệ trẻ phát triển cả về đạo đức, trí tuệ, thể chất và thẩm mỹ , đồng thời tiếp tục đổi mới công tác quản lý tài chính , thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa trong giáo dục, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất , trang thiết bị phục vụ tốt công tác dạy và học theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hóa ...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền địa ph­ương , các đoàn thể, các bậc cha mẹ học sinh cùng toàn thể nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như trong cả nước phải luôn quan tâm chăm lo và đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho sự nghiệp “trồng người”, tạo điều kiện tốt hơn, đầy đủ hơn cho việc học tập, rèn luyện và phấn đấu của con em chúng ta. Tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm hơn nữa, có chính sách ưu đãi cho đội ngũ giáo viên và học sinh của nhà trường, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để trường THPT chuyên Quốc Học Huế xứng đáng là một trong những trường có chất lượng hàng đầu, trường kiểu mẫu trong cả nước. Đồng thời , xây dựng Đại Học Huế xứng đáng là một trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao của cả nước, góp phần thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương./.

Thiện Thuật- TTXVN