12:17 28/12/2014

Giáo dục đại học: 'Canh bạc' trong thời buổi suy thoái kinh tế

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp vô vàn khó khăn với những biến động không ngừng thì quyết định có nên đầu tư vào giáo dục hay không là một “canh bạc” lớn.

Giáo dục bậc đại học là một trong những cột mốc quan trọng và tiêu tốn khá nhiều tiền của trong cuộc đời của mỗi sinh viên. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp vô vàn khó khăn với những biến động không ngừng thì quyết định có nên đầu tư vào giáo dục hay không lại là một “canh bạc” lớn.

Thật vậy, một khóa học đại học, mặc dù chỉ kéo dài từ 3-5 năm nhưng có thể biến sinh viên thành một “con nợ” trong hàng chục năm. Lấy Mỹ - quốc gia chưa bao giờ hết đau đầu về vấn nạn nợ sinh viên làm ví dụ. Các sinh viên bước vào cánh cửa đại học với mong ước về một tương lai tươi sáng song không có gì đảm bảo được rằng sau khi ra trường họ có thể kiếm tìm kiếm một công việc tốt với thu nhập ổn định, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay.

Thống kê của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED, Ngân hàng trung ương) cho thấy trong vòng một thập niên qua, gánh nặng nợ nần của sinh viên Mỹ đã tăng gấp hơn ba lần, vượt ngưỡng 1.200 tỷ USD và đang trở thành một “quả bom nổ chậm” nguy hiểm không kém khoản vay thế chấp dưới chuẩn từng đẩy nền kinh tế số một thế giới vào cuộc khủng hoảng năm 2007-2009.

Một báo cáo do công ty dịch vụ tín dụng Experian thực hiện cho hay do tiền học phí và các chi phí khác đều leo thang nên ở thời điểm hiện tại có hơn 40 triệu người Mỹ dù đã ra trường nhiều năm, thậm chí hàng chục năm, vẫn 'mang trên mình gánh nợ' từ thời sinh viên.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Anh quốc khi chính phủ nước này quyết định tăng học phí gấp ba lần, lên đến 9.000 bảng/năm kể từ năm 2012 để bù đắp thâm hụt ngân sách từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2007-2009. Tiền học tăng, đồng nghĩa với việc nợ sinh viên cũng tăng, và gánh nặng trang trải tiền học đè lên đôi vai của sinh viên ngày càng lớn.

Theo một báo cáo của Ủy ban Kinh doanh, Đổi mới và Kỹ năng của Anh quốc, với mức tiền học 9.000 bảng/năm, nợ sinh viên của nước này sẽ tăng lên nhiều chục tỷ bảng Anh trong vòng 30 năm tới.

Giáo dục cần phải được định hướng. Khuyến khích giáo dục cần phải được đi kèm với một cơ chế phân tích và định hướng ngành nghề để bắt kịp xu hướng tuyển dụng của thị trường. Một khóa học đại học có thể kéo dài từ 3-4 năm, thậm chí là 5 năm và trong khoảng thời gian đó, kinh tế xã hội và chính trị thế giới sẽ có rất nhiều thay đổi.

Ví dụ, năm 2006, thời kỳ đỉnh cao của tài chính thế giới, một sinh viên bắt đầu khóa học chuyên ngành tài chính với hy vọng sau này tốt nghiệp sẽ làm trong lĩnh vực đó. Tuy nhiên, đến năm 2010 khi khóa học kết thúc, khả năng được một công việc tốt của sinh viên này sẽ thấp hơn nhiều so với những sinh viên khác theo học những ngành học cơ bản như sản xuất, kỹ thuật,... do đây là khoảng thời gian mà cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009 đang khiến cả thế giới “khốn đốn”.

Tái cơ cấu ngành giáo dục, một phần trong chính sách cải cách mà Chính phủ Hy Lạp quyết tâm thực thi để vực dậy nền kinh tế từng đứng trước nguy cơ vỡ nợ, đã vấp phải làn sóng biểu tình phản đối của sinh viên tại thủ đô. Ảnh: AFP/ TTXVN.


Tuy nước Anh và Mỹ là hai “ông trùm” về giáo dục, nhưng hai quốc gia này vẫn luôn phải “đau đầu" với mối lo về thất nghiệp. Theo Viện nghiên cứu chính sách công của nước Anh (IPPR), nguyên nhân của việc thất nghiệp tăng cao là do có một sự chênh lệch giữa những gì người trẻ tuổi được đào tạo và công việc có sẵn.

Ví dụ, theo báo cáo của IPPR được công bố trong tháng 8/2014, có tới 94.000 người được đào tạo trong lĩnh vực làm đẹp nhưng chỉ có 18.000 việc làm, trong khi đó chỉ có 123.000 sinh viên được đào tạo trong các lĩnh vực xây dựng và kỹ thuật để đáp ứng 275.000 việc làm.

Bên cạnh đó, suy thoái kinh tế đã khiến bản thân các trường đại học không coi sinh viên là ưu tiên hàng đầu mà lại dành vị trí này cho các hoạt động nghiên cứu, vốn mang lại rất nhiều doanh thu. Trong năm 2013, doanh thu của Viện công nghệ Massachusetts (M.I.T) của Mỹ là 3,2 tỷ USD nhưng chỉ có chưa đến 10% (khoảng 310 triệu USD) là doanh thu từ tiền học.

Yếu tố đóng góp lớn nhất là tiền thu từ tài trợ nghiên cứu, chiếm gần 50% tổng doanh thu. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với hai trường đại học lớn của Anh quốc là Đại học Cambridge và Imperial College London. Học phí mỗi năm cho bậc đại học tại đây là khoảng 15.000 USD. Tuy nhiên, chỉ có 297 triệu USD trong số 2,3 tỷ USD là nguồn thu từ tiền học.

Tất nhiên, trong thời đại khi mà khái niệm “kinh doanh giáo dục” đang ngày càng trở nên phổ biến, các trường đại học sẽ tập trung vào lĩnh vực sinh lợi nhất, nhất là khi lĩnh vực này có thể đưa trường lên vị trí cao hơn trong bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới. Ngoài ra, đối với một số sinh viên, đôi khi chỉ đơn giản là đang theo học tại một trường đại học có uy tín là đủ và họ cũng không quan tâm nhiều đến chất lượng giảng dạy mà mình nhận được.

Song việc mải mê chạy theo các thứ hạng cao không những đã không làm tăng mà còn làm giảm chất lượng giáo dục đại học do nó khiến các trường chạy theo những yêu cầu bên ngoài để tăng hạng và bỏ qua nhiệm vụ cung cấp những chương trình giáo dục phù hợp để đáp ứng sự phát triển của xã hội.

Điều này càng được thể hiện rõ hơn nếu nghiên cứu kỹ tiêu chí đánh giá các trường đại học trên thế giới của Quacquarelli Symonds (QS) - một tổ chức chuyên nghiên cứu về giáo dục uy tín hàng đầu thế giới của Anh quốc. QS tiến hành xếp hạng các trường đại học dựa trên sáu tiêu chí chính: danh tiếng học thuật; danh tiếng sinh viên tốt nghiệp được tuyển dụng; tỷ lệ giảng viên sinh viên; số lần trích dẫn/giảng viên; tỷ lệ sinh viên quốc tế và tỷ lệ nhân viên quốc tế.

Trong khi danh tiếng học thuật chiếm trọng lượng lớn nhất: 40%, số lần trích dẫn/giảng viên chiếm 20% thì yếu tố duy nhất liên quan đến chất lượng giảng dạy bậc đại học là tỷ lệ giảng viên/sinh viên, chỉ chiếm có 20%, song yếu tố này lại không cung cấp nhiều thông tin về chất lượng giáo dục hay giá trị của ngành học tại mỗi trường. Do vậy kết quả của bảng xếp hạng phụ thuộc quá nhiều vào tính hàn lâm học thuật mà bỏ qua nhu cầu cơ bản của sinh viên như ký túc xá hay các câu lạc bộ...

Mặc dù phía QS biện minh rằng yếu tố tỷ lệ giảng viên/sinh viên có thể đưa ra những cái nhìn xác thực về việc các sinh viên có nhận được sự quan tâm sâu sát từ phía giảng viên hay không và rằng “việc đo lường chất lượng giáo dục trên phạm vi toàn cầu là không thể” nhưng đối với sinh viên, việc bỏ ra một “núi tiền” để theo học tại một ngôi trường hàng đầu không phải là chuyện nhỏ, và họ cần phải biết những thông tin về chất lượng giáo dục, cũng như khả năng kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.

Tại M.I.T, mỗi sinh viên sẽ phải trả 43.000 USD tiền học phí cho một khóa học dài chín tháng. Ngoài mong muốn được “thơm lây” từ danh tiếng theo học tại trường đại học số một thế giới, họ cũng mong muốn được đào tạo một cách chất lượng sao cho xứng đáng với đồng tiền bát gạo đã bỏ ra.

Mặc dù vẫn biết “canh bạc” là rủi ro song cũng không thể phủ nhận vai trò của giáo dục đối với phát triển xã hội, nhất là tại các nước đang phát triển. Mới đây, Liên hợp quốc (LHQ) đã công bố một báo cáo khẳng định giáo dục đại học là điều kiện tiên quyết cho hàng triệu thanh niên ở các nước đang phát triển nhằm tìm kiếm việc làm ổn định và có thu nhập tốt.

Giám đốc Vụ chính sách việc làm của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Azita Berar Awad cho biết báo cáo đã khẳng định vai trò của giáo dục trong định hình thị trường lao động đối với thanh niên đồng thời nhấn mạnh yêu cầu phải đầu tư nhiều hơn cho giáo dục chất lượng, từ cấp tiểu học đến đại học.

Việc chỉ hoàn thành giáo dục phổ thông là chưa đủ để bảo đảm cho thanh niên ở các quốc gia thu nhập thấp. Báo cáo cũng nêu bật vấn đề tồn tại từ lâu: chênh lệch giữa trình độ kỹ năng của người đi xin việc và yêu cầu của công việc đòi hỏi trên thị trường lao động.

Người lao động trẻ ở các nền kinh tế thu nhập thấp thường có trình độ giáo dục thấp và không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận các công việc bấp bênh. Sự chênh lệch này phần lớn là do nghèo đói, nhiều thanh thiếu niên đã không thể tới trường vì không có khả năng chi trả học phí hoặc phải làm việc để phụ giúp gia đình kiếm sống

Một báo cáo vừa do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công bố cho thấy tại các quốc gia đang phát triển, cứ một người trẻ tuổi thì có đến bốn người không biết đọc và có đến 175 triệu người trẻ không được trang bị những kiến thức đọc viết cơ bản nhất. Điều này cho thấy nạn mù chữ tại những quốc gia này đang ngày càng gia tăng.

Đặc biệt mười quốc gia là Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Bangladesh, Nigeria, Ethiopia, Ai Cập, Brazil, Indonesia và Cộng hòa Dân chủ Congo chiếm gần 3/4 số người mù chữ trên thế giới. Trong năm 2011 đã có 774 triệu người mù chữ, giảm 1% so với năm 2000, và con số này được dự báo sẽ giảm nhẹ xuống còn 743 triệu USD trong năm 2015.


Phương Nga (TTXVN)