05:09 31/05/2011

Gian nan trọ học ở các xã vùng cao biên giới

Nằm xen lẫn giữa các tán cây ở khu Vườn ươm thuộc tổ 7, thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện miền núi Nam Giang (Quảng Nam) là những túp lều đơn sơ do các em học sinh người dân tộc thiểu số sinh sống ở các xã vùng cao biên giới về đây dựng lên để ở trọ và học tập.

Nằm xen lẫn giữa các tán cây ở khu Vườn ươm thuộc tổ 7, thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện miền núi Nam Giang (Quảng Nam) là những túp lều đơn sơ do các em học sinh người dân tộc thiểu số sinh sống ở các xã vùng cao biên giới về đây dựng lên để ở trọ và học tập.

Năm học 2010-2011, trường THPT Nam Giang có hơn 1.200 học sinh, trong đó có 969 em là người dân tộc thiểu số phải đi học xa nhà. Do phòng nội trú của trường không thể đáp ứng hết tất cả nhu cầu trọ học, những học sinh nghèo của trường PTTH Nam Giang đã xin đất của bà con họ hàng xa dựng lều trọ học. Trong những căn lều đơn sơ này, các em đang miệt mài gánh gồng với nhiều nỗi lo để theo đuổi những giấc mơ con chữ mà các em đang ươm mầm từ hôm nay. 

Bám trụ với con chữ


Trong túp lều nhỏ được ghép tạm bợ bằng những tấm phên nứa, cứ mỗi lần gió thổi là chực tốc lên, cô học trò nhỏ Hiên Thị Hương đang cùng các bạn cặm cụi học bài trên chiếc bàn cột bằng nứa đập dập. Ghế ngồi chỉ là một tấm ván đã hỏng được đóng trên chiếc cọc cắm xuống đất. Nhà Hương ở thôn 49, xã Đắc Pring, cách trường tới gần 100 km.

Một góc khu lều trọ học của học sinh Trường THCS Mường Lý, huyện Mường Lát-Ảnh internet


Xa quá nên cứ 2 tháng Hương mới về nhà một lần. Mỗi lần về như vậy Hương đều mang theo gạo, muối và kèm theo 200.000 đồng – những thứ ba mẹ em phải tích cóp, dành dụm cả mấy tháng trời mới có được để trang trải sinh hoạt cá nhân và ăn uống trong cả 2 tháng này. “Nhà nghèo nên chúng em phải chắt chiu từng đồng thì mới có thể bám trụ được đến bây giờ đấy.

Một lần đi chợ, bọn em phải tính toán để nấu ăn được 3-4 ngày. Sau giờ học, cả nhóm lại chia nhau ra rìa rừng để hái rau dại và lượm củi về nấu, chứ tiền mẹ cho không đủ mua thức ăn. Đến cái ăn trong nhà còn khó, huống gì chi phí tiền cho em ăn học nữa ?” Hiên Thị Hương cúi mặt cố giấu đôi mắt đỏ hoe vì xúc động.

Cũng giống như hoàn cảnh của Hương, Zơ Râm Trượm ở thôn Pà Oi, xã La Dêê xuống thị trấn để theo học THPT. Không đủ tiêu chuẩn để xin vào ở nội trú, Trượm xin dựng lều ở trọ trong vườn của một người họ hàng xa để tiếp tục theo học THPT. Nhà Trượm có 6 anh chị em, hai anh chị đầu học xong lớp 12 rồi cũng quay về núi làm nương rẫy với bố mẹ, còn 3 em đang đi học.

Mỗi lần về mẹ Trượm vét hết túi và vay mượn hơn 300.000 đồng cho em mang đi học. Trừ hết 60.000 đồng tiền xe từ xã đến trường, số tiền còn lại Trượm cố gắng thắt chặt chi tiêu, ăn uống, cố gắng xoay trở để tiếp tục con đường học hành. Trượm tâm sự: Trước mắt em phải tập trung lo ôn thi tốt nghiệp. Điều kiện học hành không có nên giấc mơ đại học với chúng em vẫn là một thứ xa xỉ. Được đi học đã là một điều may mắn lắm rồi. Chỉ hi vọng em đủ sức để vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp, rồi sau đó mới tính tiếp.

Ông Hiên Văn Nhào, tổ trưởng tổ 7, khu Vườn ươm cho biết: Những căn lều tranh, vách nứa là nơi hơn 10 năm nay, con em đồng bào dân tộc thiểu số Ve, T’riềng, Cơ-tu rèn chữ, rèn người. Điều kiện khó khăn nên các em đã tìm cách bám trụ với từng con chữ bằng việc xin đất vườn của những người dân và dựng lều trọ học. Những túp lều tranh ngày càng nhiều, nằm rải rác khắp các tổ, thôn xung quanh thị trấn. 

Riêng ở khu vực Vườn ươm đã có tới trên 30 túp lều tranh, với khoảng 100 em học sinh từ các xã vùng cao, biên giới về sinh sống và học tập. Nhìn các em chăm lo học tập, người dân trong khu vực Vườn ươm rất mừng, phấn khởi và thường xuyên cổ động, nhắc nhở, bảo ban các em cố gắng hơn nữa. Nhiều gia đình, giúp các em bằng những bó rau, củ quả hái được trên nương rẫy.

Chia sẻ với chúng tôi, thầy Ngô Văn Ái, Hiệu trưởng Trường PTTH Nam Giang bộc bạch: Được sự đầu tư của ngành giáo dục và địa phương, một khu nội trú mới đang được gấp rút xây dựng và sẽ được đưa vào sử dụng vào đầu năm học 2011-2012, giảm tải được rất nhiều nhu cầu về chỗ ở cho học sinh vùng cao về trường học tập. Trường cũng vừa tham mưu huyện xây dựng đề án thành lập trường THPT Nguyễn Văn Trỗi tại xã biên giới La Dêê, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh các xã vùng cao biên giới theo học THPT. 

Hướng nghiệp

Để nâng cao trình độ dân trí, đồng thời phát triển bền vững ngành giáo dục ở vùng cao, t háng 10/2008, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định thành lập Trường Trung cấp Nghề thanh niên dân tộc - miền núi Quảng Nam trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tại xã Cà Dy huyện Nam Giang. Trường đảm nhận việc đào tạo nghề cho con em dân tộc thiểu số vùng cao trên địa bàn tỉnh. 

Hàng năm, trường tuyển sinh 100 chỉ tiêu hệ trung cấp các ngành: may và thiết kế thời trang, sửa chữa máy tính, mộc và trang trí nội thất, điện dân dụng; chưa kể các khóa đào tạo sơ cấp mà nhà trường liên kết với các địa phương trên địa bàn đào tạo lưu động theo yêu cầu cho con em người dân tộc. Với đặc thù là một trường chuyên nghiệp dành riêng cho học viên người dân tộc thiểu số, t hầy Nguyễn Quí Quý, Hiệu trưởng nhà trường bộc bạch: Xác định nghề đào tạo phải gắn với đầu ra.

Nếu ngành nghề đang đào tạo gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết việc làm cho học viên, nhà trường sẽ linh hoạt chuyển sang ngành nghề khác. Con đường đi học của học viên người dân tộc thiểu số không phải là đơn giản. Vì vậy, dù chỉ có chức năng đào tạo, song nhà trường đang liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn và khu vực lân cận để giới thiệu việc làm cho học viên, nhằm giảm tải phần nào áp lực việc làm ở nhóm thanh niên vùng cao.

Tại các trường THPT ở vùng cao, vào mỗi kỳ tuyển sinh, ngoài việc tham gia các đợt tư vấn, hướng nghiệp do ngành giáo dục tổ chức, học sinh còn được ban tuyển sinh của trường Trung cấp Nghề thanh niên dân tộc - miền núi Quảng Nam phối hợp cùng chính quyền địa phương và một số doanh nghiệp trên địa bàn mở các đợt tư vấn, hướng nghiệp về đào tạo nghề. “Lấy kinh nghiệm từ những năm trước, năm học này nhà trường sẽ tổ chức một đợt tư vấn, hướng nghiệp nữa sau khi kì thi tốt nghiệp THPT kết thúc bởi đây là thời điểm mà học sinh hiểu rõ được trình độ học vấn của mình và tiếp nhận các nguồn thông tin tuyển sinh về đào tạo nghề” - thầy Nguyễn Quí Quý cho biết thêm.

Con đường phía trước của các em còn rất dài. Để hỗ trợ hiệu quả những nỗ lực hiện tại của học sinh, rất cần sự phối hợp từ nhiều phía; trong đó có việc tạo môi trường học tập tốt và cách hướng nghiệp phù hợp với trình độ của mỗi em.

Hứa Chung