11:07 16/11/2011

Gian nan Giữ rừng ở vườn quốc gia: Khoán rừng để giữ rừng

Thực tế cho thấy, bên cạnh những vườn quốc gia đang được bảo vệ tốt, vẫn còn nhiều cánh rừng hàng ngày hàng giờ bị đe dọa suy giảm diện tích và mất đi nhiều loài gỗ quý. Nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng đặc dụng nói chung, vườn quốc gia nói riêng đang là vấn đề được quan tâm hiện nay.

Thực tế cho thấy, bên cạnh những vườn quốc gia đang được bảo vệ tốt, vẫn còn nhiều cánh rừng hàng ngày hàng giờ bị đe dọa suy giảm diện tích và mất đi nhiều loài gỗ quý. Nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng đặc dụng nói chung, vườn quốc gia nói riêng đang là vấn đề được quan tâm hiện nay.

Khoán rừng để giữ rừng

Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế xã hội tại địa phương là hai bài toán cần song song giải quyết để bảo vệ rừng bền vững tại các vườn quốc gia. Tuy nhiên, rừng tại các vườn quốc gia đang bị suy giảm chất lượng nghiêm trọng, do những bất cập đặc thù.

Bài học từ giao khoán rừng theo cộng đồng

Vườn quốc gia Xuân Sơn (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) nằm ở điểm cuối của dãy Hoàng Liên Sơn là một trong 30 vườn quốc gia của nước ta. Với diện tích tự nhiên gần 33.700 ha, vùng lõi trên 15.000 ha, vùng đệm trên 18.600 ha, Vườn quốc gia Xuân Sơn trải dài cả địa phận xã Xuân Sơn và một phần của 6 xã khác thuộc huyện Tân Sơn.

Lực lượng kiểm lâm thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng ngập mặn Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định). Ảnh: An Đăng – TTXVN


Theo Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Sơn, từ 1999 - 2000, Vườn quốc gia Xuân Sơn đã kết hợp với các chương trình dự án trong nước, nguồn tài trợ của các dự án nước ngoài với mục tiêu quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của Vườn quốc gia Xuân Sơn một cách bền vững. Trong quá trình thực hiện, Vườn quốc gia Xuân Sơn đã phối hợp với chính quyền địa phương các xã đưa ra một số giải pháp giao khoán bảo vệ rừng như: Giao khoán theo cộng đồng, dòng họ, tổ chức (Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên…).

Qua nhiều năm thực hiện hình thức giao khoán rừng, đã phát huy được sức mạnh tập thể. Vai trò, tiếng nói của các già làng, trưởng bản được nâng cao trong quá trình tuyên truyền giáo dục cho cộng đồng, nâng cao ý thức, trách nhiệm của từng thành viên trong cộng đồng về việc tham gia đấu tranh và tố giác tội phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng… Hình thức giao khoán rừng theo dòng họ cũng đã kết hợp được phong tục, tập quán, bản sắc dân tộc, sự đoàn kết giữa các hộ gia đình trong cùng dòng họ. Mỗi dòng họ từng địa phương sẽ tuân theo những quy định chung của pháp luật trong công tác quản lý bảo vệ rừng tại địa phương. Việc giao khoán theo tổ chức đã phát huy được tính tập thể, vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, huy động tối đa nguồn nhân lực.

Sau hơn 10 năm giao khoán bảo vệ rừng, công tác bảo vệ rừng tại Vườn quốc gia Xuân Sơn đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hiện nay, có 10.460,8 ha rừng tự nhiên được giao khoán cho 968 hộ gia đình. Thống kê cho thấy, nhiều năm qua đã không xảy ra vụ cháy rừng hoặc phá rừng nghiêm trọng nào trên địa bàn quản lý, độ che phủ rừng đã tăng từ 56% (năm 2002) lên 76% (năm 2010). Các dự án đầu tư trong nước và quốc tế tài trợ không chỉ mang lại công ăn việc làm cho người dân, cải thiện đời sống mà còn góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ rừng, coi việc quản lý, bảo vệ rừng là trách nhiệm của mỗi hộ gia đình.

Hình thức giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho cộng đồng cũng được thực hiện có hiệu quả ở nhiều vườn quốc gia khác. Tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà (tỉnh Lâm Đồng), hiện nay, việc quản lý bảo vệ rừng được giao khoán cho 5 tập thể và 1.015 hộ dân là đồng bào địa phương. Theo Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, đây là lực lượng đông đảo quan trọng bám trụ ở địa bàn vào mùa hanh khô, thay nhau tham gia trực chiến phòng cháy chữa cháy rừng suốt 24/24 giờ, đặc biệt là tại các điểm then chốt với sự gắn kết trách nhiệm, sự theo dõi, kiểm tra, giám sát của lực lượng kiểm lâm. Nhờ làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy, 5 năm qua, không có vụ cháy lớn nào xảy ra.

Chưa hết mối “đe dọa”

Bảo vệ rừng tại các vườn quốc gia không đơn thuần là câu chuyện giao khoán bảo vệ rừng cho người dân khi hiện nay, tình trạng phi phạm lâm luật vẫn đang là câu chuyện nóng hổi xảy ra tại nhiều nơi. Việc khai thác gỗ, lâm sản có giá trị kinh tế cao, tập trung chủ yếu tại những khu vực còn nhiều rừng tự nhiên, còn nhiều gỗ có giá trị thương mại cao, trong đó có các vườn quốc gia (Yok Don, Cát Tiên, Bù Gia Mập).

Theo phản ánh của lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Ba Bể, công tác bảo vệ tài nguyên Vườn quốc gia còn gặp rất nhiều khó khăn do lợi nhuận từ việc khai thác, vận chuyển, mua bán gỗ trái phép quá cao nên các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mắt lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về pháp luật cũng như hiểu biết về lợi ích của việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên còn nhiều hạn chế. Địa hình núi đá hiểm trở, lực lượng kiểm lâm còn mỏng cũng là trở ngại đáng kể cho công tác quản lý bảo vệ tài nguyên ở đây. Còn theo Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Sơn, vì không có lực lượng kiểm lâm chuyên trách bảo vệ rừng nên Ban quản lý Vườn rất khó khăn khi xử lý các vụ việc.

Những khó khăn trong bảo vệ rừng tại các vườn quốc gia cũng chính là những vấn đề mà công tác bảo vệ rừng đặc dụng nói chung đang gặp phải. Thống kê của cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, Việt Nam hiện có trên 13 triệu ha rừng, trong đó hệ thống rừng đặc dụng với 164 khu, gồm 30 vườn quốc gia, 58 khu dự trữ thiên nhiên, 11 khu bảo tồn loài, 45 khu bảo vệ cảnh quan và 20 khu rừng nghiên cứu khoa học.

Theo lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp, hệ thống các khu rừng đặc dụng chủ yếu phân bố ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Cơ sở vật chất và đời sống dân cư còn nhiều khó khăn. Để sớm định hình và phát triển bền vững, cần có khung pháp lý đặc thù về cơ chế, chính sách. Tuy nhiên, hiện nay, tổ chức và quản lý các khu rừng đặc dụng không thống nhất; phân công trách nhiệm, phân cấp quản lý rừng chưa rõ ràng; chính sách quản lý, đầu tư thiếu nhất quán và không đồng bộ. Thực tiễn này đặt ra yêu cầu phải sớm ban hành quy định pháp lý thống nhất về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng.

Mạnh Minh