12:10 08/12/2010

Gian nan gieo chữ trên đảo Gò Găng

Gò Găng là một thôn đảo thuộc xã Long Sơn, TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu). Hai năm trở lại đây, kể từ lúc khánh thành cầu Gò Găng nối thôn đảo tới quốc lộ 51, đảo Gò Găng đã không bị biệt lập bởi sông nước, đường từ TP Vũng Tàu sang thôn đảo cũng dễ dàng hơn.

Gò Găng là một thôn đảo thuộc xã Long Sơn, TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu). Hai năm trở lại đây, kể từ lúc khánh thành cầu Gò Găng nối thôn đảo tới quốc lộ 51, đảo Gò Găng đã không bị biệt lập bởi sông nước, đường từ TP Vũng Tàu sang thôn đảo cũng dễ dàng hơn. Thế nhưng, đến bây giờ chuyện học hành ở đây vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Lớp học chỉ với vài đứa trẻ nhưng các cô giáo ở đây vẫn bám lớp từng ngày. (trong ảnh, một giờ lên lớp của cô trò lớp 2 của điểm trường Gò Găng).

Trường Tiểu học Long Sơn 2 - cơ sở Gò Găng hiện nay có 5 lớp học (từ lớp 1 đến lớp 5), với vỏn vẹn 35 học sinh. Thế nhưng, theo các thầy cô giáo của trường, không ngày nào là không có học sinh vắng mặt. Hôm chúng tôi tới thăm trường, thầy Đặng Khánh Minh – Hiệu trưởng kiêm giáo viên đứng lớp của điểm trường cho biết, lớp 4 tổng số 6 em nhưng hôm nay chỉ có 1 em tới lớp. Thế là giáo viên lại phải lội bộ tới từng nhà tìm các em để “năn nỉ” đi học. Cô giáo Lê Thị Vô, chủ nhiệm lớp 1 cho biết, lớp có 11 em nhưng ngày nào cũng có em vắng mặt. Phần vì các em còn nhỏ lại đi học xa (có em phải lội bộ hơn 1 tiếng đồng hồ mới tới lớp), phần vì cha mẹ các em không mấy quan tâm đến việc học của con, nên học sinh bỏ học, nghỉ học là chuyện bình thường.

Cô giáo Vô cho biết thêm, mặc dù cách TP Vũng Tàu không xa nhưng hoàn cảnh các em ở đây còn rất khó khăn. Phần đông cha mẹ các em ở thôn đảo đều đi làm thuê, đánh bắt hải sản… nên hầu như không biết mặt chữ. Việc học của các em không có người đôn đốc, không người kèm cặp nên việc tiếp thu bài của các em cũng hạn chế, chất lượng học không đồng đều. Các em lại không được học qua lớp mẫu giáo, cộng với việc bỏ học, nghỉ học nên chất lượng học càng kém hơn.

Mặc dù vậy, nhưng bằng tấm lòng yêu trẻ, bằng sự nỗ lực hết mình, các giáo viên ở đây đều cố gắng vận động để các em học sinh đến lớp đều hơn, em nào nghỉ học sẽ được cô kèm thêm để theo kịp với các bạn trong lớp. Cô Hồ Thị Thu, chủ nhiệm lớp 2 của trường cho biết, trước đây khi chưa có cầu sang thôn đảo, các thầy cô đi dạy phải đi đò đến trường, đường vào trường phải lội bộ. Nhiều hôm trời mưa, tới lớp không có học sinh nào, giáo viên lại phải lội bộ hơn 1 tiếng đồng hồ để đi qua các ruộng muối, đường mòn và qua cầu khỉ tới từng nhà đón các em đi học. Nhiều khi giáo viên tới nhà, nhưng phụ huynh cũng chẳng mặn mà chuyện cho con tới lớp. Những lúc như vậy các thầy cô lại phải làm công tác tư tưởng cho cha mẹ và cho bánh kẹo thì các em mới chịu tới lớp.

Thầy Đặng Khánh Minh, Hiệu trưởng điểm trường Gò Găng là người thầy đầu tiên mang cái chữ về với thôn đảo. Là người con của đất Gò Găng, sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm (năm 1982), thầy đã tình nguyện xin về thôn đảo. Thầy Minh cho biết, ban đầu trường học chưa có nên phải nhờ nhà dân, đến năm 1988 mới xây dựng được trụ sở. Thầy Minh cũng cho biết thêm, học sinh ở đây đi học không phải đóng góp một khoản nào, hàng năm các em còn được hỗ trợ về sách, vở, bút mực và cặp sách, quần áo, vậy nhưng tình trạng học sinh nghỉ học, bỏ học vẫn luôn tiếp diễn. Bao nhiêu năm trong nghề, thầy Minh vẫn mãi trăn trở về điều này.

Trong trí nhớ của các thầy cô nơi đây, thời điểm học sinh đông nhất ở điểm trường Gò Găng là những năm 80, có khoảng 100 em học sinh. Tuy nhiên, số lượng học sinh ở Gò Găng đang trong tình trạng giảm dần. Năm học vừa qua, Trường Tiểu học Long Sơn 2 đã tính đến việc không mở lớp, nhưng thương các em học sinh phải đi học quá xa (khoảng trên 10km) tới phường 11, TP Vũng Tàu hoặc qua điểm trường chính bên Long Sơn học, nên trường vẫn quyết định mở.

Với phương châm, không để học sinh nào đến độ tuổi tới trường phải nghỉ học, các thầy cô ở điểm trường Gò Găng đang nỗ lực hết mình để gieo chữ, mặc dù phía trước còn nhiều gian nan.

Hoàng Nhị