08:07 18/08/2014

Gian nan đường đến Mường Tè

Mùa mưa đất sạt lở xuống làm ách tắc giao thông nhiều đoạn, đi trên đường ngoài việc lầy lội, bụi bẩn thì có nơi còn bắt gặp những biển cảnh báo “có đá rơi”, khiến nói đến việc đi vào Mường Tè, ai cũng rùng mình vì quá khó khăn và nguy hiểm.

Khoảng 5 năm trở lại đây, do thực hiện dự án thủy điện Nậm Na 1, Nậm Na 2, Nậm Na 3 thuộc địa phận trên tuyến QL 12 và thủy điện Lai Châu thuộc tuyến tỉnh lộ 127 nên phải làm đường tránh ngập, thêm vào đó, dự án bị kéo dài nên trên các tuyến đường đi huyện Mường Tè (Lai Châu), mùa mưa lầy lội, mùa khô bụi bẩn, người dân đi lại khó khăn và nguy hiểm.

Huyện Mường Tè là một trong những huyện khó khăn nhất của cả nước, từ thành phố Lai Châu vào trung tâm huyện khoảng gần 200km nhưng mất hơn 100km đường đang thi công. Đường đi men theo sông Nậm Na, sông Đà rất hiểm trở, hiện các nhà thầu đang thi công đường tránh ngập do làm thủy điện nên trời nắng bị bụi và mỗi điểm thi công phải tắc đường khoảng một đến hai tiếng đồng hồ.


Trong những ngày qua, mưa lớn kéo dài nên nhiều đoạn đường vào Mường Tè ngập nước.


Tệ hại hơn, mùa mưa đất sạt lở xuống làm ách tắc giao thông nhiều đoạn. Đi trên đường ngoài việc lầy lội, bụi bẩn thì có nơi còn bắt gặp những biển cảnh báo “có đá rơi”,  khiến nói đến việc đi vào Mường Tè, ai cũng rùng mình vì quá khó khăn và nguy hiểm.

Cuối ngày 13, do mưa lớn kéo dài trên diện rộng đã làm sạt lở gần 40.000 m3 ở công trình thủy lợi, các tuyến giao thông, gây ách tắc ở một số tuyến đường quan trọng của huyện Mường Tè như tuyến đường tỉnh lộ 127, đường Pa Tần - Mường Tè làm cô lập hoàn toàn huyện Mường Tè trong hai ngày 13 và 14/8. Đặc biệt mưa lũ còn làm hư hại nhiều công trình thủy lợi, diện tích lúa hoa màu… Trong gần 3 ngày từ đêm ngày 12 đến ngày 14/8, mọi phương tiện đều không thể ra vào và huyện bị cô lập hoàn toàn.

Nhiều điểm sạt lở đất xuống, mưa lầy lội người và xe qua lại rất khó khăn, nguy hiểm.


Ngày 17/7 có nắng nhưng các phương tiện giao thông vẫn đi lại khó khăn, ách tắc nhiều đoạn. Cô giáo Trần Thị Hồi, 61 tuổi là giảng viên trường đại học Kinh doanh công nghệ Hà Nội lên Mường Tè để mở lớp kế toán trưởng, khi đến địa phận xã Kan Hồ, cách trung tâm huyện 18km thì xe không vào được.

Cô Hồi tâm sự: “Tôi công tác ở các tỉnh nhiều nhưng chưa thấy con đường nào mà xấu và đi vất vả thế này. Đây là đường có một không hai trong cả nước, biết vậy thì tôi để lớp trẻ đi thôi, Mường Tè quả là một trải nghiệm chưa từng có của bản thân”.

Anh Định chủ xe BKS 88H 9979 đỗ tại địa phận xã Kan Hồ, cách thị trấn Mường Tè khoảng 18km cho biết: “Xe chúng tôi đi đến đây thì bị đất đá đang thi công trên cao sạt lở xuống nên ách tắc, ở đây không có quán sá nên đành nhịn đói từ ngày hôm qua. Xe tôi thường xuyên chở hàng từ dưới xuôi vào Mường Tè, đi con đường này rất vất và khó khăn lắm, không biết bao giờ mới thi công xong để người dân đi lại thuận lợi”.

Đường hẹp, đất sạt và lầy lội, nhiều xe đành nằm chờ thuê máy xúc đến nên gây ra ùn tắc kéo dài.


Trời sập tối, cách thị trấn huyện gần 20km nhưng người dân vẫn phải chờ máy xúc san ủi đường để đi được vào huyện.


Tại điểm tắc đường, anh Lê Văn Ngọc, lái xe khách tuyến Mường Tè - Lai Châu chia sẻ: “Tôi có nhiều năm thâm niên lái trên tuyến đường này nhưng cầm lái thì không dám lơ là, bao giờ xe đi ra hay đi vào về đến bến mới thở phào nhẹ nhõm. Cung đường này quá nguy hiểm, tôi mong sao các nhà thầu sớm hoàn thành thi công con đường tránh ngập để người tham gia giao thông bớt khổ”.

Trao đổi cùng chúng tôi, ông Tống Thanh Dương, Phó chủ tịch UBND huyện Mường Tè (Lai Châu) cho biết: Công tác khắc phục vẫn đang được chính quyền các xã, thị trấn và các doanh nghiệp trên địa bàn nỗ lực thực hiện, tuy nhiên vẫn gặp không ít khó khăn, nhất là đối với các tuyến đường huyết mạch vào trung tâm huyện như tỉnh lộ 127.

Địa phương đã chỉ đạo các nhà thầu tăng cường san gạt những điểm sạt lở để thông đường.


Tuyến đường này đang trong quá trình thi công đường tránh ngập công trình thủy điện Lai Châu, do ban quản lý thủy điện Lai Châu làm chủ đầu tư nên việc đôn đốc các nhà thầu tập trung hót sụt sạt đảm bảo cho nhân dân đi lại khó khăn hơn so các tuyến khác.

Ngay sau khi xảy ra mưa lũ, ban chỉ huy phòng chống lụt bão của huyện đã chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan chuyên môn, chính quyền các xã thị trấn nhanh chóng khắc phục hậu quả, đảm bảo giao thông đi lại và phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân. Đối với các tuyến giao thông do huyện quản lý, ban chỉ huy PCLB đã chỉ đạo các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn khẩn trương đảm bảo giao thông thông suốt cho nhân dân trong thời gian sớm nhất.


Tin, ảnh: Việt Hoàng