12:23 05/12/2011

Gian nan cuộc đấu tranh chống bạo lực gia đình

Cuộc đời của Dong Shanshan thật ngắn ngủi và đầy đau đớn. Cô chết vì suy thận khi mới 26 tuổi sau khi điều trị hai tháng trong viện. Gã chồng cô, Wang Guangyu, đã bắt đầu đánh đập cô sau khi họ kết hôn được 6 tháng. Nhưng gã chỉ bị tù có 6 năm rưỡi.

Cuộc đời của Dong Shanshan thật ngắn ngủi và đầy đau đớn. Cô chết vì suy thận khi mới 26 tuổi sau khi điều trị hai tháng trong viện. Gã chồng cô, Wang Guangyu, đã bắt đầu đánh đập cô sau khi họ kết hôn được 6 tháng. Nhưng gã chỉ bị tù có 6 năm rưỡi.

Con đường đấu tranh chống bạo lực gia đình ở Trung Quốc còn lắm gian nan. Ảnh: Internet


Trước đó, cô Shanshan đấu tranh để được ly hôn nhưng chưa ly hôn được thì đã qua đời. Cô đã gọi cảnh sát đến nhà 8 lần và trình bày hoàn cảnh với tòa án và cả bác sĩ. Nhưng những nỗ lực đó vẫn không cứu được cô. Mẹ cô kể: "Cảnh sát đến nhà và nói rằng nhiệm vụ của họ không phải là xử lý những rắc rối gia đình".
Shanshan chỉ là một trong nhiều nạn nhân của bạo lực gia đình ở Trung Quốc. Theo số liệu mới nhất từ Mạng lưới chống bạo lực gia đình thuộc Hội luật Trung Quốc, trong giai đoạn từ năm 2004 đến 2008, các tổ chức phụ nữ trên khắp nước đã tiếp nhận trung bình khoảng 40.000 đến 50.000 đơn kiện liên quan đến bạo lực gia đình mỗi năm và con số ngày càng tăng.

Ông Xia Yinlan, một giáo sư luật thuộc trường Đại học Luật và Khoa học Chính trị Trung Quốc, cho biết: "Trong 10 năm qua, các vụ bạo lực gia đình không ngừng gia tăng và ngày càng có nhiều vụ được công khai. Trước đây, hầu như ít người có khái niệm về bạo lực gia đình. Chúng tôi đang muốn xóa bỏ những suy nghĩ có từ hàng nghìn năm khỏi tư tưởng của người dân". Suy nghĩ có từ hàng nghìn năm mà ông Xia Yinlan nhắc đến chính là người Trung Quốc luôn coi bạo lực gia đình là vấn đề riêng tư, ngoài tầm can thiệp của luật pháp, nam giới cho rằng đánh vợ không phải là chuyện to tát, phụ nữ nghĩ rằng mình đáng bị đánh vì mắc lỗi.

Nhưng trong thời gian gần đây, mọi chuyện đã khác và có chiều hướng tích cực hơn. Để giúp những nạn nhân như Shanshan, Hội Phụ nữ Trung Quốc cùng với các chuyên gia có liên quan đã nỗ lực đấu tranh suốt hơn 10 năm qua để nước này thông qua luật phòng chống bạo lực gia đình. Tháng 10/2011, Mạng lưới chống bạo lực gia đình đã trình một dự thảo đề xuất luật phòng chống bạo lực gia đình và đề xuất này đang được quốc hội Trung Quốc xem xét.

Bản thân chính phủ Trung Quốc cũng ý thức nhiều hơn về hậu quả của bạo lực gia đình và đã tổ chức Hội nghị thế giới về phụ nữ lần thứ 4 của Liên hợp quốc năm 1995. Cùng năm đó, tỉnh Hồ Nam cũng đã thực hiện một quy định đầu tiên về chống bạo lực gia đình. Sáu năm sau, bạo lực gia đình đã trở thành một trong những điều cấm trong Luật Hôn nhân. Chống bạo lực gia đình đã được ghi trong hiến pháp, luật bảo vệ quyền và quyền lợi của phụ nữ cũng như một số luật khác.
Dù có những bộ luật và quy định đó nhưng các nạn nhân bạo lực gia đình vẫn cảm thấy vô vọng. Theo ông Xia, nguyên nhân nằm ở chỗ các điều khoản về bạo lực gia đình nằm rải rác ở nhiều bộ luật khác nhau trong khi các quy định thiếu mối liên kết hợp lý. Do đó, nhiều điều luật và nội dung luật không có hệ thống và không được chuẩn hóa.

Trong trường hợp của cô Shanshan nói trên, chồng cô bị kết tội lạm dụng theo luật hình sự Trung Quốc nhưng không bị kết tội cố ý gây thương tích. Cảnh sát gặp khó khăn khi kết tội chồng Shanshan cố ý làm cô bị thương vì họ không rõ trận đánh cuối cùng mà cô chịu từ chồng có phải là nguyên nhân khiến cô chết hay cái chết của cô là do những vết thương tích tụ trong nhiều trận đòn trước đó.

Một điều nữa mà luật Trung Quốc còn đang thiếu là lệnh bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình do tòa án đưa ra. Tuy nhiên, gần đây, một số tỉnh đã thí điểm những biện pháp này và kết quả cho thấy 98% người gây bạo lực gia đình đã tuân theo lệnh của tòa án.

Ngoài bảo vệ về mặt pháp luật, nâng cao ý thức của người dân về bạo lực gia đình cũng là một điều quan trọng. Theo bà Sun Jue, giám đốc điều hành tổ chức phi chính phủ Half the Sky (Một nửa bầu trời) ở Hồng Công, nhiều người Trung Quốc vẫn cho rằng người ngoài không nên can thiệp vào vấn đề bạo lực gia đình của nhà khác. Nhằm thay đổi quan niệm này, tổ chức của bà đã phát hai đoạn quảng cáo mang tên "Gõ cửa để ngăn bạo lực gia đình" trên TV, các phương tiện truyền thông và Internet vào đúng Ngày thế giới phòng chống bạo lực gia đình. Bà Sun Jue cho biết, đoạn quảng cáo này là một phần trong chiến dịch toàn quốc nhằm khuyến khích mọi người kiếm cớ nào đó để gõ cửa nhà hàng xóm khi họ biết nhà đó đang có bạo lực gia đình. Hành động của họ sẽ ngay lập tức ngừng hành động bạo lực đang diễn ra.

Điều quan trọng nhất là nạn nhân bạo lực gia đình phải tự biết bảo vệ mình trước. Nếu Shanshan làm được điều đó, có lẽ cô đã không chết oan uổng. Mẹ cô kể lại rằng khi đang nằm trên giường bệnh chờ chết, cô vẫn còn cố ngăn mẹ báo cảnh sát vì sợ nếu báo cuộc sống của cô sẽ tồi tệ hơn.

Thùy Dương