03:08 22/03/2012

Gian nan cuộc chiến chống buôn lậu và gian lận thương mại: Đụng vào đâu cũng thấy vi phạm

Mặc dù các lực lượng chức năng đã nỗ lực ngăn chặn nhưng hàng giả, hàng nhái, hàng lậu vẫn xâm nhập thị trường và gây ra những tác hại khôn lường tới sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, cũng như nền sản xuất trong nước.

Mặc dù các lực lượng chức năng đã nỗ lực ngăn chặn nhưng hàng giả, hàng nhái, hàng lậu vẫn xâm nhập thị trường và gây ra những tác hại khôn lường tới sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, cũng như nền sản xuất trong nước.

Tại hội nghị trực tuyến của Ban chỉ đạo 127 Trung ương (BCĐ 127 TW) về công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại diễn ra hôm qua (21/3), các lực lượng chức năng thừa nhận, các thủ đoạn buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại diễn ra ngày một tinh vi, khó lường.

Nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp

Theo số liệu đưa ra tại hội nghị, năm 2011, các lực lượng chức năng đã phát hiện 33.649 vụ buôn lậu, buôn bán hàng cấm với giá trị 287,3 tỷ đồng, tăng 20% về số vụ và tăng 87,5 tỷ đồng so với năm 2010 về trị giá hàng vi phạm.

Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra hàng nhập lậu bị thu giữ. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Nhưng không vì thế mà tình hình này giảm đi, trái lại còn phức tạp hơn, cả về số lượng và mức độ vi phạm. Theo các lực lượng quản lý thị trường, hầu hết các loại hàng hóa có nhu cầu tiêu thụ lớn và nhiều loại hàng hóa có thương hiệu đã bị làm giả. Trong đó, phần lớn hàng giả là hàng nhập lậu. Nhưng, cũng đã có tình trạng các cá nhân và doanh nghiệp trong nước móc nối với các tổ chức nước ngoài để giả mạo xuất xứ của các thương hiệu có uy tín trên thế giới để tiêu thụ trong nước. Việc kinh doanh sử dụng tem nhập khẩu giả, in ấn bao bì nhãn mác giả có xu hướng tăng lên. Ngay cả tem chống giả cũng bị làm giả khiến cho việc chống hàng giả rất khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Như Mai, Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường Hà Nội dẫn chứng, hiện có nhiều sản phẩm từ Trung Quốc đã được "nội địa hóa" bằng phương thức nhập linh kiện, bán thành phẩm vào Việt Nam qua các làng nghề, chế tác, gia công lại để trở thành... các sản phẩm của Việt Nam, thậm chí là hàng xuất xứ EU, Mỹ, Hàn Quốc... đánh lừa người tiêu dùng.

Tại các tỉnh biên giới như Lạng Sơn, Quảng Ninh, công tác phòng chống buôn lậu càng trở nên nóng bỏng. Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) 127 tỉnh Lạng Sơn cho hay, ở bất kỳ chợ nào của Lạng Sơn nếu kiểm tra gốc xuất xứ hàng hóa thì đều có vi phạm.

Theo BCĐ 127 TW, các vụ buôn lậu với quy mô, số lượng lớn vẫn sẽ tập trung chủ yếu ở vùng biển các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Kiên Giang với các mặt hàng xuất lậu có giá trị cao như: quặng, khoáng sản, than, gỗ, động vật hoang dã... Trong khi đó, ở các tuyến biên giới đất liền, các “đầu nậu” sẽ tập trung vào các mặt hàng có lợi nhuận lớn như: thuốc lá, rượu, đồ điện tử dân dụng, vải, mỹ phẩm, dược phẩm, thép, gỗ.

Đặc biệt, tình hình vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, đe dọa trực tiếp tới sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng. Trong năm 2011, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý tịch thu, tiêu hủy 83.729 kg nội tạng động vật, 388.145 kg gia cầm nhập lậu qua biên giới. Trong số này, có rất nhiều gia cầm mang dịch bệnh, nhiều loại nội tạng đã bị phân hủy hoặc bảo quản bởi các loại hóa chất độc hại nhưng vẫn tìm cách tiêu thụ ở thị trường nội địa.

Trên địa bàn Hà Nội, có tình trạng giới kinh doanh mặt hàng thực phẩm nhập hàng hóa từ nước ngoài đã hết đát hoặc gần hết đát rồi gỡ bỏ nhãn gốc và thay nhãn ghi hạn sử dụng mới để lừa dối người tiêu dùng. Các lực lượng quản lý thị trường thậm chí còn phát hiện được những cơ sở có máy móc hiện đại chuyên để làm mới các loại nhãn mác, làm mới hạn sử dụng hàng hóa để đánh lừa người tiêu dùng. Các lực lượng chức năng cũng đã phát hiện những mặt hàng: thuốc chữa bệnh, rượu, mỹ phẩm... bị làm giả gây nguy hại lớn tới sức khỏe của người tiêu dùng.

Nhiều ý kiến tại hội nghị cũng chỉ ra rằng, nhiều chủ trương, chính sách về thương mại đang bị lợi dụng. Cụ thể là nhiều mặt hàng tạm nhập tái xuất và kho ngoại quan bị người nước ngoài và đầu nậu lợi dụng để đưa hàng cấm nhập, hàng hóa nguy hại tới người tiêu dùng vào nội địa tiêu thụ.

Phối hợp xử lý vi phạm còn lỏng lẻo

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, Phó trưởng BCĐ 127 TW, đặc biệt, trong điều kiện hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới theo lộ trình đã cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), với các tổ chức đa phương (APEC, ASEM, ASEAN) và thực hiện các hiệp định thương mại song phương, thuế suất nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng sẽ tiếp tục được giảm dần làm cho hàng hóa của nước ngoài có điều kiện xâm nhập vào nước ta dễ dàng hơn. Trong khi đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: “Trao đổi hàng hóa càng tăng thì việc kiểm soát tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu càng khó khăn”.

Kiểm kê hàng nhập lậu thu giữ được tại Đội kiểm soát hải quan Kiên Giang. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN


Việc chống lại hàng giả và gian lận thương mại đặc biệt khó khăn ở địa bàn biên giới cửa khẩu và các thành phố lớn. Trưởng BCĐ 127 Lạng Sơn cho biết, hàng nhập lậu qua biên giới rất khó kiểm soát do các cặp chợ đường biên Việt Nam - Trung Quốc thường hình thành cùng với rất nhiều đường mòn, lối mở, rất thuận lợi cho việc buôn bán hàng hóa nhưng lại khó cho việc kiểm tra, kiểm soát. Hơn nữa, các lực lượng chống buôn lậu còn mỏng mà địa bàn hoạt động thì rộng nên khó mà kiểm soát hết được.

Bà Nguyễn Thị Như Mai cho rằng, công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại được giao cho nhiều ngành (quản lý thị trường, hải quan, biên phòng, công an…) nhưng sự phối hợp giữa các lực lượng này vẫn chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ. Bà Mai cho rằng, các lực lượng chức năng làm nghiêm ở vùng biên thì hàng giả, làng lậu ở nội địa mới giảm được. “Hơn nữa, kiểm tra, kiểm soát từ biên giới, từ nơi phát nguồn... thì mới hiệu quả cao, chứ kiểm soát ở khâu lưu thông, phân phối thì chẳng khác nào “thả gà ra đuổi”, sẽ khó khăn hơn nhiều. Ở những địa bàn giáp ranh thì phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, nếu không sẽ có hiện tượng các đối tượng vi phạm chạy từ nơi này sang nơi khác để hoạt động...”, bà Mai đề xuất.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng: Năm 2012, lực lượng quản lý thị trường nên tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt các mặt hàng trọng điểm như thiết bị điện tử tin học, điện lạnh, điện gia dụng, vải may mặc, dược phẩm, mỹ phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, thú y và thực phẩm công nghiệp; các mặt hàng liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm... Đặc biệt, đối với công tác chống gian lận thương mại và các hành vi kinh doanh trái phép, đề nghị tiến hành xử lý các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu và các mặt hàng có giá trị cao.

Thu Hường