11:06 04/11/2014

Giảm số lượng án tồn đọng không được thi hành

Ngày 3/11, thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, nhiều đại biểu cho rằng, vấn đề lớn nhất với Luật Thi hành án dân sự là đơn giản hóa thủ tục hành chính, thuận lợi hơn cho đương sự...

Ngày 3/11, thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, nhiều đại biểu cho rằng, vấn đề lớn nhất với Luật Thi hành án dân sự là đơn giản hóa thủ tục hành chính, thuận lợi hơn cho đương sự, tăng cường hiệu quả của các cơ quan tư pháp, góp phần giảm số án tồn đọng hiện nay. Đồng thời, bổ sung các quyền lợi cho các đương sự so với pháp luật hiện hành.

Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Nội) cho rằng: “Cần cân nhắc nhiều yếu tố thực tế. Nhiều bản án tuyên không rõ ràng, không thi hành được; hay khó thực thực hiện vì nhiều thành phần là tội phạm ma túy, đối tượng là người nghiện, không gia đình, không có tài sản… do vậy, khó thi hành. Hoặc đối tượng bỏ đi, không thi hành được án dân sự”.

Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) phát biểu ý kiến.
Ảnh:Doãn Tấn - TTXVN


Lần sửa này cũng mở ra chế định thừa phát lại (là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ), nhằm thí điểm xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự.

Bên cạnh đó, nhằm tránh việc cấu kết, bán rẻ tài sản của đương sự, một số đại biểu cho rằng, sau hai lần đấu giá không thành, người bị thi hành án được tự bán tài sản của mình, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người có tài sản, tránh việc bị người thi hành án thông đồng chiếm đọat tài sản. Đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre) cho rằng: “Cần quy định chặt chẽ nhằm tránh việc lợi dụng, sau khi việc đấu giá xong, nhưng người bị thi hành án không giao tài sản thi hành án”.

Cùng ngày, Quốc hội đã nghe:

- Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế.

- Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế.

- Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

- Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

- Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương.

- Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương.

- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi).

- Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi).

- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Thú y.

- Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thú y.

Trả lời các vấn đề này, ông Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, cho rằng: “Vấn đề dân sự cốt ở hai bên, chỉ yêu cầu Nhà nước can thiệp khi không giải quyết được với nhau. Chúng ta khuyến khích hòa giải, kể cả khi tòa án đã tuyên án”.

Một số đại biểu cho rằng, cần giao việc thi hành án cho tòa án, để tòa án có trách nhiệm với bản án của mình đã tuyên. Về việc này, ông Hà Hùng Cường cho biết: “Ở các nước, việc thi hành án dân sự giao cho Chính phủ hoặc một phần cho xã hội theo phán quyết của tòa án. Cần cân nhắc giao công việc này cho tòa án thực hiện. Vì tòa án chỉ là nơi xét xử, tuyên án”.

Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường: “Hiến pháp 2013 xác định 3 quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quy định đề cao quyền công dân và sở hữu tài sản, bổ sung quy định tòa án ra quyết định để đưa bản án dân sự được thực hiện, thể hiện quyền lực tòa án. Đưa bản án ra thi hành cũng chính là kiểm nghiệm lại bản án. Tăng cường trách nhiệm của tòa án với chính bản án của mình từ khi ra quyết định tới việc thi hành cuối cùng”.

Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) đề nghị ban soạn thảo cân nhắc lại quy định đương sự phải có đơn yêu cầu thi hành án. Đại biểu phân tích khi bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành, trong trường hợp người phải thi hành án không chấp hành thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sử dụng quyền lực buộc thi hành. Đại biểu nhấn mạnh ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa... người dân nhận thức còn hạn chế, đi lại khó khăn, nếu không được tư vấn sẽ không biết quy định phải làm đơn yêu cầu thi hành án. Từ những băn khoăn này, đại biểu đề nghị không cần quy định có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người được thi hành án từ chối hoặc chỉ yêu cầu một phần, hoặc đã tự thỏa thuận thì mới phải làm đơn gửi cơ quan chức năng.

Cùng quan điểm này, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng quy định này chưa phù hợp với Điều 106 của Hiến pháp quy định: “Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Như vậy theo quy định này, nếu không có đơn thì cơ quan thi hành án không ra quyết định thi hành, đồng nghĩa với việc bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật không được chấp hành, như vậy chưa thực sự bảo vệ quyền lợi của công dân.

Trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ý kiến của nhiều vị đại biểu Quốc hội và Chính phủ thì việc giữ quy định về hai cơ chế ra quyết định thi hành án (chủ động và theo đơn yêu cầu) như Luật hiện hành là phù hợp với tính chất, nguyên tắc tự định đoạt, tự thỏa thuận trong giải quyết các loại việc dân sự, tạo điều kiện, khuyến khích các bên giải quyết việc thi hành án, nhất là đối với trường hợp các đương sự là doanh nghiệp, tổ chức tín dụng... đồng thời bảo đảm cơ sở để thực hiện chủ trương từng bước xã hội hóa công tác thi hành án dân sự. Ngoài ra, nếu bỏ quy định về đơn yêu cầu thi hành án thì phải mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung (gồm các điều, khoản có liên quan trong Luật Thi hành án dân sự và sửa đổi cả Luật Trọng tài thương mại và Luật Cạnh tranh), sẽ không phù hợp với yêu cầu đặt ra trong lần sửa đổi này.