06:05 06/06/2014

Giảm dần hỗ trợ cho không

Việc triển khai chính sách tín dụng cho hộ nghèo trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả cả về kinh tế và an sinh xã hội, tạo thêm động lực giúp các hộ nghèo vươn lên.

Việc triển khai chính sách tín dụng cho hộ nghèo trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả cả về kinh tế và an sinh xã hội, tạo thêm động lực giúp các hộ nghèo vươn lên.


Tập trung vốn cho giảm nghèo


Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các chính sách tín dụng trực tiếp cho hộ nghèo được thực hiện chủ yếu thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) gồm 15 chương trình tín dụng dành cho người nghèo với mức lãi suất thấp (cho vay theo Nghị quyết 30a: 0%; cho vay phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn: 0%; cho vay làm nhà 167: 3%/năm; cho vay hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất đối với đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long: 0%; cho vay hộ nghèo: 7,8%/năm…).

 

Hộ nghèo làm thủ tục vay vốn tại điểm giao dịch xã Đôn Phục, huyện Con Cuông. Trần Việt - TTXVN

Từ 2005 - 2012, có khoảng gần 10 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn, giúp cho khoảng 2,4 triệu hộ thoát nghèo, Nhà nước hỗ trợ bù lãi suất 14.727 tỷ đồng. Đến hết năm 2012, có gần 3,263 triệu hộ nghèo dư nợ với mức bình quân khoảng 16 triệu đồng/hộ, chiếm 53,1% tổng dư nợ cho vay của NHCSXH.


Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và NHCSXH đã có nhiều nỗ lực trong huy động, tạo nguồn vốn. Đến nay tổng nguồn vốn của NHCSXH đã tăng gần 8 lần so với những năm mới thành lập. Việc phân bổ nguồn vốn giai đoạn này tập trung cho vùng có tỉ lệ hộ nghèo cao như Tây Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Giai đoạn 2005 - 2012, tổng doanh số cho vay là 199.035 tỷ đồng, bình quân đạt 28.434 tỷ đồng/năm.

Tổng dư nợ đến hết năm 2012 tăng gấp 6,2 lần so với năm 2005 (đạt 113.921 tỷ đồng), tập trung chủ yếu vào 6 chương trình tín dụng là: cho vay hộ nghèo (chiếm 36,5%), cho vay học sinh sinh viên (chiếm 31,4%), cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn (chiếm 11,3%), cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường (chiếm 9,3%), cho vay giải quyết việc làm (chiếm 5%) và cho vay hỗ trợ nhà ở (3,4%).

 

Chính sách gần dân


Kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, thủ tục cho vay đối với hộ nghèo khá thuận lợi, đơn giản (chủ yếu là tín chấp thông qua các đoàn thể và UBND cấp xã). Việc tổ chức giao dịch tại xã của NHCSXH đã tạo được hệ thống dịch vụ gần dân, thân thiện và có trách nhiệm, tiết kiệm chi phí giao dịch, đi lại cho người dân; mô hình tổ chức và hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn hỗ trợ hiệu quả cho từng hộ nghèo. Bộ máy của NHCSXH được tổ chức hợp lý, năng động, nâng cao khả năng quản lý, nợ quá hạn luôn ở mức thấp, dưới 1%.


Chính sách tín dụng cho hộ nghèo là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn của hộ nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, là một trong những điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo. Đây cũng là chính sách xây dựng được mối liên kết tốt giữa Nhà nước thông qua NHCSXH với các tổ chức đoàn thể và người nghèo, phát huy được tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người nghèo với chính quyền cơ sở thông qua việc giữ mối liên hệ, hướng dẫn làm ăn, đôn đốc giải ngân, thu nợ của ngân hàng…


Tuy nhiên quá trình triển khai các chương trình tín dụng chính sách cũng còn một số hạn chế. Đó là tổng nguồn vốn tín dụng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, nhất là đối với chương trình cho vay hộ nghèo mặc dù nguồn vốn này đã tăng từ 14.891 tỷ đồng năm 2005 lên 41.560 tỷ đồng năm 2012 (gấp 2,8 lần so với năm 2005). Từ 2010 đến nay, NHCSXH không được cấp bổ sung vốn điều lệ, một số chương trình vốn bổ sung thấp hoặc chưa bố trí vốn kịp thời.

Một số địa phương đã chuyển vốn ủy thác qua NHCSXH, nhưng tổng nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư của ngân sách địa phương thấp, chưa đến 3% tổng nguồn vốn huy động (tăng không đáng kể so với tỉ lệ 2,4% năm 2010). Vốn tín dụng của các chính sách, chương trình chủ yếu cho vay trung hạn và dài hạn, trong khi nguồn phần lớn là vốn ngắn hạn. Việc cấp bù lãi suất cho vay người nghèo từ ngân sách Nhà nước sẽ gia tăng sức ép đối với việc cân đối ngân sách. Việc bố trí vốn và cấp bù lãi suất, hạch toán nợ giữa ngân sách Nhà nước và NHCSXH vẫn tồn tại chưa có hướng xử lý dứt điểm…


Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo theo hướng tăng thêm nguồn vốn để thực hiện định mức cho vay theo hộ gia đình, đồng thời điều chỉnh mức cho vay, lãi suất, thời gian linh hoạt, phù hợp với địa bàn và gắn với chuyển giao khoa học kỹ thuật trong hoạt động sản xuất kinh doanh của người nghèo; bảo đảm hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay; quan tâm chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên nghèo; xây dựng lộ trình hợp lý để hộ thoát nghèo ra khỏi chương trình tín dụng.


Xuân Hải