04:22 26/04/2015

Giảm bớt 'giấy phép con' cho doanh nghiệp

Luật Đầu tư mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7, đồng nghĩa với việc hàng nghìn điều kiện kinh doanh do các bộ, ngành, địa phương ban hành hiện nay, hay còn gọi là “giấy phép con” sẽ bị loại bỏ.

Luật Đầu tư mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7, đồng nghĩa với việc hàng nghìn điều kiện kinh doanh do các bộ, ngành, địa phương ban hành hiện nay, hay còn gọi là “giấy phép con” sẽ bị loại bỏ.


Một số chuyên gia kinh tế cho biết: Theo Luật Đầu tư (sửa đổi), các bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND, UBND các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác sẽ không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh. Điều kiện kinh doanh phải do Quốc hội, Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ ban hành.

Tại một buổi đối thoại mới đây giữa các doanh nghiệp tiêu biểu với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh (TP.HCM), đại diện Công ty CP Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco) chia sẻ: Doanh nghiệp đang phải rất vất vả khi các ngành, các cấp ban hành quá nhiều văn bản, giống như những cái “bẫy”. “Gần đây nhất, Tổng cục Thuế ban hành công văn yêu cầu các hóa đơn, chứng từ hợp pháp sử dụng trong khấu trừ, hoàn thuế phải có tên và địa chỉ ngân hàng phục vụ người trả/người thụ hưởng. Cục Thuế TP.HCM đã kiến nghị Tổng cục Thuế bỏ quy định vô lý này”, vị này nói.

Theo ý kiến một số doanh nghiệp, hướng dẫn của Tổng cục Thuế đã làm họ lo lắng về khả năng không được khấu trừ, hoàn thuế, thậm chí doanh nghiệp đã khấu trừ, hoàn thuế xong thì cũng “đứng ngồi không yên” về khả năng bị phạt do chứng từ không đủ thông tin. Doanh nghiệp thường không ghi đầy đủ tên và địa chỉ của ngân hàng mà chỉ ghi vắn tắt tên chi nhánh ngân hàng. Trong khi đó vào cuối năm 2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 46/2014 hướng dẫn dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (áp dụng từ ngày 1/3), trong đó không yêu cầu ghi địa chỉ của ngân hàng trên ủy nhiệm chi. Sau khi Tổng cục Thuế “nhắc nhở”, nhiều doanh nghiệp đã ghi địa chỉ ngân hàng trên ủy nhiệm chi nhưng ngân hàng lại không chấp nhận.

Đại diện phòng Thương mại và Công nghệ Việt Nam (VCCI) cũng nêu dẫn chứng về điều kiện kinh doanh ngành in đã bỏ từ năm 2000 nhưng mới đây, các doanh nghiệp in lại ngỡ ngàng khi nghị định quy định điều kiện kinh doanh lĩnh vực in được ban hành lại. Trong đó, có những quy định rất khó hiểu như việc nhập khẩu máy cắt giấy phải xin giấy phép tại Hà Nội với thời gian mất 40 ngày. “Ai được lợi từ giấy phép này?”, ông Tuấn đặt câu hỏi.

Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, theo quy định của Bộ Công Thương, để được xuất khẩu gạo, doanh nghiệp phải có kho sức chứa ít nhất 5.000 tấn thóc; có cơ sở xay xát gạo với công suất 10 tấn thóc/giờ; có kinh nghiệm 3- 4 năm. Doanh nghiệp thắc mắc, có nhất thiết phải có kho chứa lớn khi kinh doanh không đòi hỏi; doanh nghiệp chưa được xuất khẩu thì lấy đâu ra kinh nghiệm theo quy định. Vì vậy, việc loại bỏ bớt các điều kiện, rào cản sẽ tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp mới tham gia thị trường, tăng sức cạnh tranh.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) từng dẫn chứng bản liệt kê các quy định về điều kiện kinh doanh dày gần 900 trang, với khoảng 6.000 điều kiện. Ngoài ra, còn nhiều quy định về hồ sơ, thủ tục, thời gian để đáp ứng đủ những điều kiện đó, nếu liệt kê hết phải dày gấp 5- 6 lần 900 trang đó. TS Cung cho biết: Mỗi năm, Quốc hội thông qua khoảng 20 bộ luật, Chính phủ ban hành 100 nghị định, các bộ ngành cho ra đời 600-700 thông tư. Dù luật, nghị định không sửa nhưng thông tư đổi liên tục, tạo ra nhiều rủi ro cho doanh nghiệp.

Mặc dù rất nhiều điều kiện kinh doanh đang gây khó doanh nghiệp nhưng nhiều doanh nghiệp, kể cả Hiệp hội doanh nghiệp vẫn thờ ơ khi được hỏi về những ý kiến đóng góp. Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư- KHĐT) từng gửi Dự thảo điều kiện kinh doanh xin góp ý của doanh nghiệp, hiệp hội, bộ ngành nhưng tới ngày 31/3 (ngày hết hạn), chỉ có 3 bộ ngành, 18/400.000 doanh nghiệp có ý kiến phản hồi. Trong 3 bộ phản hồi đều kiến nghị giữ nguyên những điều kiện như hiện nay. “Các doanh nghiệp không ý kiến mới đáng ngại, có thể một số thích siết chặt để họ có lợi vì giảm cạnh tranh. Cũng có thể, doanh nghiệp cho rằng, họ góp ý cũng chẳng thay đổi được gì nên không nói nữa”, ông Cung nói.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, các điều kiện kinh doanh đang được quy định tại luật, pháp lệnh, nghị định sẽ được cơ quan chức năng rà soát kỹ để loại bỏ, sửa đổi những điều kiện không cần thiết, không hợp lý. Đây sẽ là một việc hết sức khó khăn bởi sẽ “đụng chạm” đến các bộ, ngành. Bộ KHĐT đang tính toán cụ thể cách thức bãi bỏ, sửa đổi, chẳng hạn có thể kiến nghị Chính phủ ban hành các Nghị định về điều kiện kinh doanh cho từng ngành; đồng thời công bố trên Cổng Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia. Chỉ khi được công bố tại đây, điều kiện kinh doanh mới có hiệu lực thi hành.

Sau đó, Bộ KHĐT dự kiến xây dựng, trình Chính phủ một bộ tiêu chuẩn về điều kiện kinh doanh, các điều kiện kinh doanh mới ban hành sẽ phải đáp ứng tiêu chuẩn này. Cuối cùng, sẽ kiến nghị thành lập một cơ quan chuyên trách đủ mạnh để kiểm soát các điều kiện kinh doanh. Thực tế nhiều nước đã thiết lập những cơ quan như vậy và hoạt động rất hiệu quả. "Chỉ khi kiểm soát được các điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp mới có cơ hội phát huy mạnh mẽ tính sáng tạo, nền kinh tế mới có thể bứt phá", ông Cung nói.

M.Phương-H.Hạnh