Rộn ràng vui xuân

Trong những ngày xuân sắp tới, sẽ có nhiều chương trình hấp dẫn cho các bạn trẻ tham gia, như xem phim, dạo chơi phố phường đến với văn hóa đọc, hoặc vui cùng các em học sinh ở San Sả Hồ.

 

Phim “Cuộc chiến với Chằn Tinh”: Kỹ xảo 3D hoàn toàn thực hiện tại Việt Nam


Đúng ngày 29 Tết, bộ phim điện ảnh Cuộc chiến với Chằn Tinh do hãng phim Golden Eye Movies (Mắt Vàng Phim) sản xuất, sẽ chính thức ra mắt khán giả, sau 3 năm thực hiện.

 

Cảnh trong phim.


Bộ phim được dàn dựng kỹ xảo 3D theo công nghệ điện ảnh Hollywood. Đáng ghi nhận là toàn bộ các khâu thực hiện cho phim, đặc biệt là khâu dàn dựng kỹ xảo 3D đều được thực hiện tại Việt Nam và hoàn toàn do người Việt thực hiện. Theo những nhà làm phim, phần thực hiện vẽ kỹ xảo 3D chiếm nhiều thời gian và mất nhiều công sức nhất.


Cuộc chiến với Chằn Tinh cũng là bộ phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn Đỗ Quang Hải Âu. Vốn là người biết võ thuật, lại được học và đam mê công nghệ vẽ kỹ xảo 3D Hollywood, đạo diễn Đỗ Quang Hải Âu ấp ủ việc thực hiện một bộ phim vừa có đề tài võ thuật, vừa có thể ứng dụng việc vẽ kỹ xảo 3D, hoàn toàn do người Việt Nam làm. Anh hiểu rõ, nếu thuê người nước ngoài thực hiện vẽ kỹ xảo 3D hiệu quả sẽ rất tốt, nhưng kinh phí cũng sẽ rất tốn kém, mà bản thân anh hay bất cứ nhà sản xuất phim Việt Nam nào khó có khả năng chi trả. Khi Đỗ Quang Hải Âu gặp nhà sản xuất - Goldel Eye Movies, một hãng phim vừa mới thành lập, cả hai gặp nhau về ý tưởng, vì thế câu chuyện cổ tích Thạch Sanh được chọn làm phim trong dự án thực hiện bộ phim điện ảnh đầu tiên của hãng phim.


Mất một khoảng thời gian để đạo diễn và nhà sản xuất cùng đưa ra hình mẫu con Chằn Tinh sao cho thật đẹp và ấn tượng. Bởi việc đưa một con vật trong trí tưởng tượng lên phim không hề đơn giản. Theo chuyện cổ tích, Chằn Tinh là một con Trăn tinh, nhưng khi vẽ 3D, con Trăn không có nhiều yếu tố di chuyển và có những màn chiến đấu với Thạch Sanh đẹp mắt, sinh động được, vì con vật này chỉ có hình dáng là một khối trơn, dài. Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng đạo diễn và nhà sản xuất thống nhất hình dáng của Chằn Tinh là một con vật khổng lồ, mang hình dáng con người, nhưng bên ngoài được bao bọc một lớp da cứng như đá, cao gấp 3 người thường, da của nó có vẩy hình da trăn. Ngoài Chằn Tinh, đạo diễn còn ứng dụng vẽ kỹ xảo 3D trong việc tạo ra thêm hình ảnh con vật cổ tích Voi chín ngà và một số con vật cùng phong cảnh khác để phim có được không khí, bối cảnh mang vẻ huyền thoại đúng với câu chuyện thời Âu Lạc.


Chạy bộ cổ vũ Lễ hội đường sách


Diễn ra trong 7 ngày từ 28/12 âm lịch đến mồng 4 Tết, khác biệt lớn nhất của Lễ hội đường sách năm nay là việc trưng bày sách theo từng khu và giao cho từng đơn vị chịu trách nhiệm. Theo đó, FAHASA chịu trách nhiệm chuyên đề “Sách và văn hóa”, Thái Hà Books lo chuyên đề “Sách và tri thức”, Tiki lo “Sách thiếu nhi”. Năm nay cũng có 3 khu vực trưng bày và giới thiệu đặc biệt như: Biển đảo Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và khu giới thiệu về đờn ca tài tử, (mới được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể thế giới).

 

Lễ hội đường sách là một nét văn hóa mỗi dịp Tết đến.


Tuy nhiên hoạt động bên lề đáng chú ý, thể hiện sự ủng hộ nhiệt tình của các bạn trẻ với văn hóa đọc là cuộc chạy bộ của Cao Đức Thái - một cựu sinh viên - cổ vũ cho Lễ hội đường sách. Ngày 29/12/2013, cựu sinh viên này đã xuất phát từ Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), chạy bộ xuyên việt 1.750 km đến TP Hồ Chí Minh. Dự kiến ngày 28/12 âm lịch, đúng ngày khai mạc Lễ hội đường sách, Cao Đức Thái sẽ có mặt tại TP Hồ Chí Minh. Bạn đọc có thể được giao lưu trực tiếp với Cao Đức Thái tại khu vực trưng bày sách của Thái Hà Books.


Xây dựng tủ sách cho các em học sinh ở San Sả Hồ


Mùa xuân này, các em học sinh ở San Sả Hồ, thị trấn Sa Pa, Lào Cai được đón Tết sớm khi nhận những món quà ý nghĩa từ CLB tình nguyện Giấc mơ Việt Nam. Từ 17-19/1, đã có 1.200 cuốn sách và họa báo thiếu nhi, 14 thùng sách giáo khoa và gần 560 suất quà gồm khăn, tất ấm, bánh kẹo được trao cho các em nhỏ học sinh dân tộc nơi đây.

 

Niềm vui của các em học sinh miền núi khi được trao tặng sách báo.


Hoạt động này thuộc chương trình “Mùa xuân trên San Sả Hồ”, chương trình đầu tiên trong chuỗi những hoạt động thuộc khuôn khổ Dự án Tủ sách Giấc mơ nhằm nâng cao năng lực và thói quen đọc sách cho trẻ em miền núi mà CLB Giấc mơ Việt Nam sẽ triển khai liên tục tại Sa Pa trong năm 2014.


Đây cũng là lần đầu tiên các hoạt động chia sẻ kiến thức về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường được đưa vào nội dung chính trong các hoạt động của Dự án Tủ sách Giấc mơ. Học sinh San Sả Hồ còn được tham gia tìm hiểu, thảo luận, vẽ tranh, kể chuyện… về các vấn đề môi trường, khí hậu và thiên tai. Hiện tượng lũ quét hồi tháng 9 hay tuyết rơi tại Sa Pa vào cuối tháng 12 vừa rồi cũng được đưa vào chương trình như một minh chứng biến đổi khí hậu tại Sa Pa.


CLB tình nguyện Giấc mơ Việt Nam thành lập năm 2011 bởi một nhóm học sinh, sinh viên thành phố Hà Nội hướng tới những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên khắp mọi miền đất nước thông qua việc tổ chức những chương trình, thực hiện dự án hỗ trợ giáo dục.


Xuân Phong

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN