Nghệ sĩ lặng lẽ tri ân ngày giỗ tổ nghề sân khấu giữa dịch COVID-19

Ngày 18/9 (tức ngày 12/8 âm lịch) là ngày giỗ tổ nghề sân khấu Việt Nam. Hằng năm, từ ngày 11 đến 13/8 âm lịch, các sân khấu, hãng phim luân phiên tổ chức cúng tổ trang trọng, náo nhiệt, đông vui. Năm nay giỗ tổ rơi vào ngày giãn cách xã hội, các nghệ sĩ cúng giỗ trong lặng lẽ, mỗi người thắp nén hương tri ân tại góc riêng của mình.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Ái Như giỗ tổ tại nhà. Ảnh: NVCC

Dẫu vậy, ngày giỗ tổ vẫn diễn ra trang nghiêm và ấm áp. Nghệ sĩ Ái Như tâm sự đầy cảm xúc: “Ngày mai là cúng tổ rồi mà hôm nay hồi hộp quá, không biết làm thế nào đây. Ngay lúc này, tôi tưởng nhớ đến các nghệ sĩ đã qua đời vì dịch bệnh, cầu nguyện xin dịch bệnh qua mau, người dân có thể quay lại với công việc, nghệ sĩ trở lại với sân khấu”.

Nghệ sĩ Bạch Long dù đang rất nghèo, giãn cách khiến việc đi chợ khó khăn, nhưng anh vẫn tìm đủ mọi cách để đặt mua bằng được một con heo quay mừng tổ. Heo quay là một món lễ vật bắt buộc phải có trong ngày đặc biệt này.

Chú thích ảnh
NSƯT Hùng Minh giữ bàn thờ tổ từ trước 1975 đến nay. Ảnh: NVCC

NSƯT Hùng Minh từng là chủ gánh hát Hùng Minh - Thanh Hương. Đoàn hát tan rã từ năm 1974, nhưng ông vẫn giữ lại bàn thờ tổ. Hơn 20 năm qua, ông chuyển nhà nhiều lần, nhiều đồ đạc thất thoát, nhưng bàn thờ tổ vẫn nguyên vẹn. Vào ngày giỗ tổ, dù khó khăn, ông đều nấu một mâm cỗ đầy đủ và tươm tất. Năm nay, kinh tế khó khăn hơn, nhưng ông vẫn giữ thông lệ ấy.

Chú thích ảnh
NSƯT Trịnh Kim Chi khẩn tổ nghề tại nhà. Ảnh: NVCC

NSƯT Trịnh Kim Chi luôn là một trong số những nghệ sĩ tổ chức nghi thức cúng tổ đẹp và trang trọng nhất. Năm nay, dịch bệnh khiến cho mong ước đó không thể thực hiện, nhưng chị vẫn đau đáu hướng lòng mình về tổ nghiệp qua lễ cúng giỗ tại nhà. Đó là một mâm lễ tươm tất, đủ đầy và chị mặc trang phục áo dài, đội mấn đẹp một cách nền nã.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Ngọc Duyên. Ảnh: NVCC

Trịnh Kim Chi chia sẻ: “Cho dù mỗi khi quay phim hoặc diễn kịch, chúng tôi đều thắp nhang khấn tổ phù hộ diễn tốt, nhưng ngày giỗ tổ vẫn luôn mang đến cho tôi một cảm xúc đặc biệt. Sự trang trọng trong ngày giỗ tổ, chứng minh rằng nghệ sĩ luôn nhớ truyền thống uống nước nhớ nguồn, tri ân tiền nhân, vì tổ cũng chính là những nghệ sĩ tiền bối đã góp phần làm cho nghệ thuật thêm tiến bộ và thăng hoa”.

Chú thích ảnh
NSƯT Hữu Quốc. Ảnh: NVCC

Rất nhiều nghệ sĩ nghèo, bình thường phải làm thuê nuôi nghề diễn như Minh Hòa, Tiến Phước… trong dịch bệnh phải sống nhờ cứu trợ. Ấy vậy mà họ vẫn cố gắng xoay sở nấu được vài món ăn, mua nhánh bông, vài loại trái cây. Họ một mình âm thầm khấn tổ trong căn nhà trọ nghèo của mình.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Thanh Thủy. Ảnh: NVCC

Điều này cho thấy rằng giỗ tổ nghề sân khấu, không chỉ là dịp để nghệ sĩ tụ họp gia đình mà trong thâm tâm của mỗi người, tổ nghiệp rất linh thiêng, vì tổ đã cho họ danh tiếng và tình yêu thương khán giả. Với người khác, tổ nghiệp là động lực để họ cố gắng tiến bộ, sống đẹp với danh xưng nghệ sĩ. Cúng tổ là nhu cầu nội tại, chứ không phải là màn trình diễn trọng tính hình thức.

Chú thích ảnh
Hằng năm sân khấu 5B ngày giỗ tổ rất đông, năm nay NSƯT Mỹ Uyên một mình ở sân khấu. Ảnh: NVCC

Năm nay, lần đầu tiên nghệ sĩ TP Hồ Chí Minh đón một mùa giỗ tổ “ai ở đâu thì ở đấy”. Hình ảnh NSƯT Mỹ Uyên thẫn thờ và xót xa một mình trong hàng ghế trống trong sân khấu, miêu tả chân thật nhất trạng thái ấy. Vậy nhưng lòng người không xa cách, sự kính trọng của nghệ sĩ dành cho tổ nghiệp, cho nghề diễn, cho khán giả vẫn vẹn nguyên.

Theo Thethaovanhoa.vn
Hành trình chiến thắng 'tử thần' của những văn nghệ sĩ
Hành trình chiến thắng 'tử thần' của những văn nghệ sĩ

Trở thành F0 nhưng may mắn vượt qua dịch bệnh, nhiều nghệ sĩ, diễn viên tại TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ lại hành trình chiến đấu với COVID-19 nhằm giúp các bệnh nhân khác có thêm niềm tin, lạc quan trong thời gian điều trị bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN