08:11 08/08/2011

Giải quyết vướng mắc khi di dời các cơ sở chăn nuôi

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN - MT) tỉnh Đồng Nai, trong số 520 cơ sở di dời ra khỏi khu vực đô thị (đợt 1) theo Quyết định 23 của UBND tỉnh, có đến 322 cơ sở chăn nuôi, giết mổ.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN - MT) tỉnh Đồng Nai, trong số 520 cơ sở di dời ra khỏi khu vực đô thị (đợt 1) theo Quyết định 23 của UBND tỉnh, có đến 322 cơ sở chăn nuôi, giết mổ. Địa phương có số cơ sở phải di dời nhiều là huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Thống Nhất và thị xã Long Khánh.

Tuy nhiên, hầu hết các trang trại chăn nuôi phải di dời trong đợt 1 không biết phải di dời đi đâu bởi vốn liếng của chủ trang trại đã dồn vào xây dựng chuồng trại, mua máy móc. Khi di dời tới nơi khác họ phải có tiền mua đất, xây dựng lại trang trại. Nếu không có sự hỗ trợ từ Nhà nước thì phần lớn sẽ không đủ khả năng tái đầu tư sản xuất.

Ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở TN - MT, nhận định: “Đa số các cơ sở đều đồng ý di dời, song còn đợi chính sách hỗ trợ cho đầu tư sản xuất đến nơi mới. Ngoài ra, các cơ sở đều mong tỉnh bố trí địa điểm tiếp nhận phù hợp với điều kiện sản xuất - kinh doanh. Do đó, Sở TN - MT đã phối hợp với các sở, ngành liên quan sớm hoàn thành đề án hỗ trợ các cơ sở di dời trình UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các địa phương bố trí địa điểm cho các cơ sở di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi”.

Lê Hiền