05:00 16/05/2012

Giải quyết tình trạng dân xâm lấn đất rừng của lâm trường: Tìm tiếng nói chung

Mâu thuẫn chính trong quản lý, sử dụng đất rừng giữa người dân địa phương và các lâm trường quốc doanh (LTQD) chính là xuất phát từ áp lực người dân thiếu đất sản xuất.

Mâu thuẫn chính trong quản lý, sử dụng đất rừng giữa người dân địa phương và các lâm trường quốc doanh (LTQD) chính là xuất phát từ áp lực người dân thiếu đất sản xuất. Đây là một trong những nội dung quan trọng được nhận diện và chỉ ra tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp về quản lý, sử dụng đất rừng giữa lâm trường quốc doanh và người dân địa phương” diễn ra ngày 15/5 tại Hà Nội.

 

Hội thảo do Viện tư vấn phát triển (CODE), Trung tâm tư vấn quản lý bền vững tài nguyên và phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á, Trung tâm phát triển nông thôn miền Trung (Đại học Nông lâm Huế) và Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) tổ chức.

 

Thiếu đất sản xuất nên... lấy rừng


Theo thông tin tại Hội thảo, tình trạng người dân lấn chiếm đất đai của LTQD diễn ra ngày càng nhiều và kéo dài. Tại Lạng Sơn, riêng tại huyện Hữu Lũng, diện tích đất các hộ dân xâm lấn của các tổ chức quản lý rừng trên địa bàn của năm 2008 là 124 ha còn 6 tháng đầu năm 2011 người dân lấn chiếm 60 ha.


Tại xã Trường Sơn và Trường Xuân (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), nơi có chủ yếu là đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống, theo ông Phạm Mậu Tài, Giám đốc Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo của huyện Quảng Ninh (RDPR), diện tích đất nông nghiệp quá ít, trong khi người dân có nhu cầu mở rộng diện tích đất trồng cây lâm nghiệp. Hiện nay, tại địa phương có trên 94% diện tích đất lâm nghiệp là do lâm trường và ban quản lý rừng phòng hộ quản lý (Lâm trường Trường Sơn, Lâm trường Khe Giữa, Ban quản lý rừng phòng hộ Long Đại, Ban quản lý rừng phòng hộ Ba Rền), phần ít ỏi còn lại được giao cho địa phương và các hộ gia đình sử dụng, quản lý.

 

Tính ra, mỗi người dân chỉ được nhận khoảng 0,3 ha. Tại xã Trường Xuân, chỉ 20% diện tích (khoảng 200 ha) được chương trình 135 và dự án Phân cấp giảm nghèo hỗ trợ giống để người dân trồng rừng. Riêng ở bản Khe Cát (xã Trường Sơn), nơi 70% hộ là người dân tộc Vân Kiều sinh sống, mỗi hộ có trung bình 1,5 sào chủ yếu trồng lạc, đậu, sắn nhưng thu nhập thấp. Đất trồng rừng các hộ được giao từ năm 2007, nhiều hộ được giao khoảng 1-2 ha nhưng đến nay vẫn bỏ hoang vì đất được giao quá xa khu dân cư, khó khăn trong trồng và bảo vệ rừng. Hiện tại, bản có 3 ha rừng keo trồng gần đường Hồ Chí Minh từ năm 2005 do lâm trường thuê 17 hộ dân trồng nhưng hợp đồng không rõ ràng, đến khi chuyển đổi thì số diện tích đó thuộc đất của lâm trường, dẫn đến hiện nay vẫn còn tranh chấp giữa hai bên và số keo này chưa thu hoạch được.


Chuyện tương tự cũng xảy ra tại xã Tam Đình (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An). Theo bà Nguyễn Thị Hương Giang - cán bộ nghiên cứu của Đại học Vinh cho biết toàn bộ đất rừng thuộc quyền quản lý của lâm trường Tương Dương nhưng ranh giới của đất lâm trường không rõ ràng. Mặt khác, do thiếu nguồn lực, một số diện tích đất trống chưa được sử dụng.


Việc ranh giới phân định không rõ ràng, người dân lại thiếu đất sản xuất nên một số hộ gia đình đã tự xâm lấn phần đất này của lâm trường để trồng cây ăn quả hoặc cây công nghiệp. Thực tế, xã có 100% số hộ dân sống phụ thuộc vào rừng nhưng số hộ được giao đất, giao rừng chỉ 13 hộ và trong số đó chỉ có 2 hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.


Thực tế cho thấy, việc chiếm dụng đất của người dân để sản xuất theo hình thức này dẫn đến mâu thuẫn giữa lâm trường và người dân. Người dân cũng gặp phải một thách thức là quyền được bảo vệ và hưởng dụng sản phẩm không an toàn. Một người dân ở bản Phúc Yên (xã Tam Đình) cho biết: “Nhà em ở độ dốc cao nên đất ở rất ít, em cần đất để trồng cây nhưng ở đâu cũng là đất của lâm trường. Có một vài chỗ do cháy rừng, lâm trường chưa trồng lại, để trống mấy năm nay, em trồng cây xoan vào đó. Nhưng họ nói nếu giữa chừng họ có kế hoạch trồng rừng vào diện tích đó thì họ sẽ phá rừng xoan của em”.

 

“Tư hữu” và hiệu quả


Nghiên cứu của bà Nguyễn Thị Hương Giang cũng cho thấy diện tích đất lâm nghiệp do các hộ gia đình do xâm lấn được quản lý khá hiệu quả vì người dân ý thức được đó là tài sản của họ. Tuy nhiên, hình thức quản lý này cũng gặp nhiều thách thức như thiếu vốn, thiếu kỹ thuật…


Xuất phát từ thực tế xã Tam Đình, theo bà Nguyễn Thị Hương Giang, một trong những giải pháp ưu tiên để góp phần quản lý bền vững tài nguyên rừng cho huyện Tương Dương chính là thu hồi một phần rừng tự nhiên từ lâm trường để giao lại cho nhóm hộ. Vì, nghiên cứu của bà Nguyễn Thị Hương Giang cũng cho thấy các hộ gia đình quản lý khá hiệu quả diện tích đất lâm nghiệp do họ xâm lấn vì người dân ý thức được đó là tài sản cá nhân. Nhưng, “nhà nước và các tổ chức cần hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật về khoanh nuôi tái sinh, phòng chống cháy rừng kết hợp với các kinh nghiệm địa phương cho người dân. Đồng thời, quyền lợi, nghĩa vụ của người nhận rừng cũng cần được thảo luận chi tiết, rõ ràng giữa các bên trên cơ sở văn bản pháp quy của Nhà nước, có tính đến đặc điểm kinh tế xã hội của địa phương”, bà Giang đề xuất.


Theo khảo sát của Quỹ RDPR, qua phỏng vấn tìm hiểu nhu cầu cộng đồng tại 2 bản có 89,4% ý kiến có nhu cầu muốn được nhận khoán trồng rừng. Tại bản Khe Cát (xã Trường Sơn- huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), với những tranh chấp hiện có, người dân bản đề xuất thu hồi diện tích đất 150 ha của Lâm trường Trường Sơn để giao lại cho người dân trồng rừng.


Giải quyết mâu thuẫn này, theo nhiều chuyên gia, cần phải hài hòa lợi ích của cả lâm trường và người dân địa phương, theo hướng đồng sở hữu. Viện Tư vấn phát triển đề xuất cần tổ chức rà soát đất đai của LTQD trên cơ sở nhu cầu sử dụng đất rừng tối thiểu của người dân và cộng đồng địa phương. Tiếp đó, từ quỹ đất đã rà soát, chuẩn bị phương án giao đất giao rừng cho cộng đồng dân cư địa phương và cho các tổ chức, theo hướng giao đất giao rừng cho người dân trước, sau đó mới triển khai cho thuê/giao đất cho các tổ chức sau.


Mạnh Minh