03:10 17/03/2015

Giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng

Ngày 28/3/1975, trên tất cả các hướng, bộ đội ta mở trận công kích vào thành phố Đà Nẵng. Pháo tầm xa của mặt trận dồn dập bắn vào quân cảng và sân bay Đà Nẵng, phá hủy nhiều máy bay và kho tàng của địch. Sân bay Đà Nẵng tê liệt

Ngày 28/3/1975: Bộ đội ta mở trận công kích vào thành phố Đà Nẵng, Mỹ lập cầu hàng không chở vũ khí đến Sài Gòn và đưa tàu sân bay cùng lính thủy đánh bộ Mỹ đến biển Đông

Ngày 28/3/1975, trên tất cả các hướng, bộ đội ta mở trận công kích vào thành phố Đà Nẵng. Pháo tầm xa của mặt trận dồn dập bắn vào quân cảng và sân bay Đà Nẵng, phá hủy nhiều máy bay và kho tàng của địch. Sân bay Đà Nẵng bị tê liệt. Trung tâm thông tin liên lạc của địch bị phá hủy, liên lạc bị cắt đứt.

Bộ binh và xe tăng quân giải phóng tiến vào giải phóng Đà Nẵng . Ảnh -Hoàng Thiểm-TTXVN.


Trên hướng đường số 1, đêm ngày 28/3/1975, Sư đoàn 325 tiến công tuyến phòng thủ lâm thời của Lữ đoàn 258 lính thủy đánh bộ ngụy trên đèo Hải Vân, rồi từ đây thọc sâu vào Đà Nẵng.

Trên hướng đường 14, Trung đoàn 9 Sư đoàn 304 và toàn bộ các đơn vị binh chủng tăng cường đã sẵn sàng nổ súng tiến công Ti Tu, Đá Đen, tạo bàn đạp đánh vào Đà Nẵng từ hướng Tây Bắc.

Từ Quảng Nam, 5 giờ 30 phút ngày 28/3/1975, pháo binh chiến dịch của ta bắt đầu khống chế Đà Nẵng, Sở chỉ huy Quân đoàn 1 ngụy và bán đảo Sơn Trà. Pháo binh Sư đoàn 2 Quân khu 5 và hoả lực của tỉnh đánh mạnh vào Hòn Bằng, Trà Kiệu, Nam Phước, Câu Lâu. Đến 9 giờ cùng ngày, Trung đoàn 38 đánh tan cụm quân địch án ngữ ở phía Bắc cầu Bà Rén.

Tại Hội An, hang ổ của ngụy quyền Quảng Nam, 2 giờ ngày 28/3/1975, các lực lượng vũ trang thị xã chia làm 2 hướng tiến vào nội đô. 5 giờ ngày 28/3/1975, các đơn vị tiến công toà hành chính.

Trên hướng đường 20, Sư đoàn 7 tiếp tục phát triển chiến đấu, chia thành 2 mũi tiến công thị xã Bảo Lộc. Trước sức tiến công của quân ta, quân địch ở đây, số bỏ súng đầu hàng, số bỏ chạy về Di Linh. Thị xã Bảo Lộc hoàn toàn được giải phóng.
Cùng ngày, Tướng Uâyen, Tham mưu trưởng lục quân Mỹ đến Sài Gòn vạch kế hoạch phòng thủ cho quân ngụy.

Mỹ quyết định lập cầu hàng không chở vũ khí từ Thái Lan và từ Mỹ đến Sài Gòn, đưa tàu sân bay Hancock và 300 lính thủy đánh bộ Mỹ đến biển Đông.

Ngày 29/3/1975: Giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng; Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu

5 giờ 30 phút ngày 29/3/1975, cuộc tiến công giải phóng thành phố Đà Nẵng được mở đầu. Sau khi diệt xong tuyến phòng ngự bên ngoài của địch, binh đoàn Hương Giang tổ chức 3 mũi tiến công theo 3 hướng (Bắc, Tây Bắc và Tây Nam) đánh chiếm kho xăng Liên Chiểu, tòa thị chính, sân bay Đà Nẵng, cầu Trịnh Minh Thế và phát triển đánh chiếm bán đảo Sơn Trà.

Sư đoàn 2 Quân khu 5 tiến công trên hướng Nam và Đông Nam chiếm căn cứ Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 ngụy và phát triển đánh vào sân bay Đà Nẵng.

Phối hợp chặt chẽ với quân chủ lực, lực lượng biệt động và tự vệ mật Đà Nẵng cùng nhân dân đã tiến công chiếm ty cảnh sát. Bộ đội tỉnh Quảng Đà đã nhanh chóng đánh chiếm thị xã Hội An, vùng 5 Hoà Đa, khu vực Non Nước, sân bay Nước Mặn, hệ thống kho An Đồn và phát triển ra hợp điểm với chủ lực binh đoàn Hương Giang tiến công bán đảo Sơn Trà.

Đến 8 giờ ngày 29/3/1975, ta chiếm xong thị xã Hội An và sân bay Nước Mặn. 13 giờ 30 phút, ta làm chủ bán đảo Sơn Trà. 15 giờ, ta chiếm lĩnh xong toàn bộ căn cứ liên hợp quân sự Đà Nẵng - bán đảo Sơn Trà. Thành phố Đà Nẵng hoàn toàn được giải phóng.

Cùng ngày, Trung ương Cục miền Nam ra Nghị quyết số 15-TƯC nêu rõ: “Cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam không những đã bước vào thời kỳ phát triển nhảy vọt, mà thời cơ chuẩn bị để tiến hành cuộc Tổng công kích, tổng khởi nghĩa đã chín muồi. Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu”.

Ngày 30/3/1975: Giải phóng vùng liên hoàn rộng lớn ở bắc và tây bắc Sài Gòn

Trên chiến trường khu 5, Sư đoàn 3 tiếp tục diệt các cụm quân địch còn lại ở Lai Nghi, Phú Xuân, Phú Hoà 2, đánh chiếm ga Diêu Trì và Sở chỉ huy Sư đoàn 22 ngụy ở An Sơn, cắt và chốt chặn quốc lộ 1 không cho địch chạy về Quy Nhơn.

Cùng với Sư đoàn 3, Trung đoàn 19 Sư đoàn 968 đánh chiếm cao điểm Trà Lam Sơn (phía tây Gò Quánh) diệt tiểu đoàn 3 Trung đoàn 40 ngụy, còn Trung đoàn 95A tiến công Phú Phong, lăng Mai Xuân Thưởng.

Ở Nam Bộ, quân dân Bình Long tiến công và nổi dậy chiếm An Lộc chi khu quân sự quận lỵ Chơn Thành, giải phóng toàn tỉnh Bình Long. Quân dân các tỉnh Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Long An, Long Khánh, Bình Tuy cũng tiến công kết hợp nổi dậy diệt nhiều chi khu, căn cứ, quận lỵ; giải phóng vùng liên hoàn rộng lớn ở bắc và tây bắc Sài Gòn.

Đồng bằng sông Cửu Long cũng tiến công và nổi dậy tiêu diệt địch, phá và bức rút hàng trăm đồn bốt địch, giành quyền làm chủ ở một số địa phương.


Thông tin tư liệu-TTXVN

(còn nữa)