11:09 28/11/2011

Giải pháp và chiến lược cho U23 Việt Nam

Gần đây, dư luận cả nước đang quan tâm, bàn luận nhiều đến việc đội tuyển U 23 của chúng ta thất bại nặng nề tại đấu trường SEA Games 26. Đã có nhiều ý kiến chỉ trích HLV, có cả hoài nghi bán độ... Nhưng cũng không ít người tỏ rõ sự cảm thông...

Gần đây, dư luận cả nước đang quan tâm, bàn luận nhiều đến việc đội tuyển U 23 của chúng ta thất bại nặng nề tại đấu trường SEA Games 26. Đã có nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có cả chỉ trích HLV, có cả hoài nghi bán độ... Nhưng cũng không ít người tỏ rõ sự cảm thông, đánh giá đúng thực lực bóng đá của chúng ta và mong muốn cần có sự nhìn nhận nhiều chiều để xây dựng chiến lược dài hơi. Việc đã rồi, chỉ trích cũng đã là quá muộn và đừng vì kỳ vọng quá lớn để rồi thất vọng nhiều.

Theo giới chuyên môn thì, điều chúng ta cần hiện nay là tìm ra các điểm yếu, hạn chế để khắc phục và có sự đóng góp chân thành từ các nhà quản lý, các vận động viên, huấn luyện viên và cả người hâm mộ đưa nền bóng đá nước nhà ngày càng chuyên nghiệp.

Pha tranh bóng của cầu thủ U23 Việt Nam (áo đỏ) với cầu thủ U23 Inđônêxia trong trận bán kết. Ảnh Quốc Khánh- TTXVN.


Bóng đá Việt Nam cũng cần xóa bỏ t ình trạng gặt hái “lúa non” mà phải có sự đầu tư chiều sâu, thậm chí mất đi một thời gian dài để đào tạo một thế hệ cầu thủ vàng và những thế hệ này phải liên tiếp có kế hoạch đào tạo nguồn kế cận, để không lặp điệp khúc “vinh quang - thất bại” do nguồn nhân lực “phập phù”.

Ông Nguyễn Hữu Thắng, nguyên là Đội trưởng tuyển thủ Việt Nam, hiện là Huấn luyện viên Trưởng đội bóng vô địch giải V - League mùa giải 2011 SLNA và cũng là người huấn luyện, nắm giữ nhiều cầu thủ phục vụ cho đội tuyển quốc gia đã chia sẻ và phân tích:

Việc thất bại của đội chúng ta có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nếu chúng ta sòng phẳng phân tích, đánh giá và rút kinh nghiệm ngay từ bây giờ thì sẽ phần nào khắc phục được hạn chế trong nay mai.

Ông Falko Goetz là HLV ngoại và mới sang Việt Nam chưa hiểu sâu sắc nền bóng đá đặc thù của chúng ta cũng là lẽ đương nhiên. Quan trọng là sự chuẩn bị của cả hệ thống, ê kíp làm việc, trợ lý HLV và thậm chí là cả truyền thông cần phải thẳng thắn đóng góp ý kiến. HLV ngoại thì có tư duy chiến thuật, phương pháp và kỷ luật tốt, nhưng điều hạn chế là ngôn ngữ bất đồng, chưa hiểu lối đá cũng như ít thời gian để tuyển chọn cầu thủ, bố trí đội hình, áp dụng các bài tập.

Ví du, việc áp dụng các bài tập, 2 ngày trước khi chuẩn bị sang Indonesia nhưng vẫn tập rất nặng vào buổi trưa là không phù hợp với người Việt Nam vì giờ này thường được nghỉ ngơi. Ở Việt Nam tập vào buổi sáng thi đấu buổi chiều. Còn ở châu Âu lại đá buổi tối và khí hậu khác nhau. Việc thay đổi cách tập trong thời gian ngắn làm nhịp sinh học của cầu thủ bị đảo lộn, gia tăng mệt mỏi. Nên phần lớn khi mình tranh chấp bóng tay đôi đều bị thua.
Ngoài ra HLV phải hiểu được lối đá, thế mạnh, tính cách từng cầu thủ để kích thích tinh thần ở thời điểm mình gặp khó khăn và găn kết cầu thủ lại với nhau phát huy sở trường liên kết tạo một đội hình chặt chẽ.

Khi chúng ta tranh huy chương đồng phải làm tâm lý cho các tuyển thủ hiểu rằng đây là phản ánh đúng cục diện giải đấu và các cầu thủ hãy đá vì danh dự bản thân, danh dự quốc gia để bùng lên với tinh thần chiến đấu cao, chứ không phải vì thua nhiều trận nên thất vọng và đã buông xuôi như đã thể hiện.

Đội hình ta có những cá nhân xuất sắc như Thành Lương, Trọng Hoàng, nhưng việc bố trí Trọng Hoàng (SLNA) không đúng chỗ nên không thể phát huy. Sở trường của Hoàng đá bám biên bên phải, thế mạnh là khoảng trống trước mặt đi bóng đột nhập vào trung lộ. Trong lúc Hoàng lại được đá ở trung tâm nên thường vừa đi bóng qua tiền vệ đã lập tức bị trung vệ đối phương chặn lại.

Ở SEA Games này mình không có tiền đạo giỏi, nên đá không gây được áp lực và lại phải quay về chống đỡ, để đội bạn thoải mái tấn công và chúng ta phải gặp sai sót.

Do thời gian qua bóng đá trong nước, đặc biệt là giải hạng nhất và V.League phần lớn các đội đều sử dung 2 tiền đạo ngoại, các cầu thủ nội thường phải đá vị trí khác hoặc dự bị. Ngay cả quả bóng vàng Công Vinh cũng phải đá dạt biên. Nên một điều tất yếu các cầu thủ của chúng ta không có cơ hội cọ xát trong nước chứ chưa nói đến đấu trường khu vực và quốc tế. Nhiều cầu thủ tiền đạo trẻ đá rất xuất sắc ở U 19, U 21 nhưng khi được vào đội hàng nhất trở lên thường quanh năm ngồi ghế dự bị. Thử hỏi rằng mình lấy đâu ra tiền đạo giỏi?

Về nguyên nhân khách quan thất bại ông Thắng đưa ra quan điểm: Vì các cầu thủ bị một áp lực rất lớn. Khán giả ta luôn kỳ vọng và áp đặt mong muốn là chúng ta phải vô địch. Trong lúc các đội bóng trong khu vực đã đổi mới rất nhiều. Còn đội chúng ta chưa được nâng lên. Cạnh đó khi thi đấu thua một vài trận lại bị khán giả chỉ trích, quy chụp và hoài nghi có dính dáng đến tiêu cực. Những điều đó cũng gây tâm lý nặng nề, nhất là các cầu thủ còn non trẻ.

Ông Thắng đề nghị: Để chuẩn bị cho bóng đá chinh phục đỉnh cao nào đấy thì thường thường phải có sự chuẩn bị nhiều năm. Vì vậy, thời gian tới chúng ta cần có kế hoạch lâu dài, phải tạo được sân chơi, môi trường cho các cầu thủ ở giải đấu trong nước. Và vấn đề khác, đặt giả thiết nếu chúng ta thử nghiệm sử dụng HLV nội thì Liên đoàn bóng đá phải ký hợp đồng với HLV nào đấy để họ chuyên tâm vào đội tuyển và không bị chi phối thời gian vào các câu lạc bộ. Nếu tiếp tục sử dụng HLV ngoại thì cần có những người am hiểu sâu sát, áp dụng linh hoạt các bài tập, kỹ chiến thuật phù hợp với đặc thù bóng đá việt nam. Cạnh đó cũng cần tìm những HLV giỏi, tâm huyết ở trong nước làm trợ lý bổ trợ cho HLV ngoại thì mới phát huy được sức mạnh tổng hợp.


Nguyễn Văn Cảnh