12:08 13/12/2012

Giải pháp ngoại giao tạm thắng thế

Không nằm ngoài dự đoán, Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa tuyên bố công nhận liên minh đối lập thành lập hồi tháng trước tại Xyri, coi đây là “đại diện hợp pháp” của người dân Xyri.

Không nằm ngoài dự đoán, Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa tuyên bố công nhận liên minh đối lập thành lập hồi tháng trước tại Xyri, coi đây là “đại diện hợp pháp” của người dân Xyri.


Việc Mỹ công nhận Liên minh Dân tộc Xyri (SNC) được công bố ngay trước khi Mỹ cùng nhóm “Những người bạn của Xyri” họp tại Marốc trong tuần này để thảo luận các biện pháp tiếp theo nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài hơn 20 tháng qua tại quốc gia Trung Đông này.


Mặt khác, các hãng tin này cũng cho biết Mỹ và đồng minh đang điều động lực lượng áp sát Xyri để sẵn sàng can thiệp quân sự trong trường hợp Tổng thống Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học.


Thế nhưng, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bác bỏ tin đồn trên, khẳng định Nga sẵn sàng đối thoại về vấn đề Xyri với điều kiện thể chế chính trị của nước này phải do chính người dân Xyri quyết định chứ không phải do bên ngoài. Đại diện đặc biệt của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập, ông Lakhdar Brahimi cũng tuyên bố sau các cuộc tham vấn với các nhà ngoại giao Nga và Mỹ rằng vẫn còn giải pháp chính trị cho vấn đề Xyri.


Mỹ và đồng minh chưa từ bỏ giải pháp ngoại giao vì lo ngại một cuộc can thiệp quân sự vào thời điểm này sẽ khiến họ phải trả giá đắt. Khác với Irắc hay Ápganixtan, trong suốt cuộc xung đột kéo dài 21 tháng qua ở Xyri, Mỹ không mấy mặn mà với phương án can thiệp quân sự và một trong những nguyên nhân là Mỹ lo ngại kho vũ khí hóa học của Đamát. Một khi chưa đảm bảo được sự an toàn của kho vũ khí này, Oasinhtơn sẽ vẫn kiên trì giải pháp ngoại giao, cũng là cách để có thêm thời gian cho lực lượng đối lập ở Xyri lớn mạnh hơn, đồng thời Mỹ có điều kiện chuẩn bị phương án quân sự kỹ hơn.


Một “kịch bản hòa bình” theo đó Tổng thống al-Assad tự nguyện giao lại quyền lực là điều mà Mỹ đang theo đuổi, trong khi Nga cho rằng vấn đề này phải do chính phủ Xyri và lực lượng đối lập giải quyết bằng đàm phán nhằm tìm ra giải pháp cho giai đoạn chuyển tiếp.


Trong bối cảnh này, giải pháp ngoại giao đang là lựa chọn được ủng hộ nhiều nhất. Nhưng nếu các bên tiếp tục đi nước cờ leo thang cuộc chiến, giải pháp ngoại giao sẽ phải nhường bước cho biện pháp can thiệp quân sự và khi đó, người gánh chịu hậu quả không ai khác chính là nhân dân Xyri.



Nguyệt Ánh